Tin Hội thảo về phương hướng đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội
Cập nhật : 16:49 - 26/10/2021

Sáng ngày 17/9, tại phòng họp của Ban Công tác đại biểu đã diễn ra Hội thảo về phương hướng đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong 03 giai đoạn: Quốc hội khóa XV, đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045. Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban số 2 dự và chủ trì Hội nghị.



Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban số 2 Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại Hội thảo

Hội nghị có sự tham dự của các chuyên gia là những người có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu lý luận và thực tiễn ở Quốc hội như: TS Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; GS.TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật; TS Nguyễn Văn Thuận, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật; TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; cùng các chuyên gia kinh nghiệm trong lĩnh vực lý luận chính trị như: GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương; GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh, nguyên Chuyên gia cao cấp Viện nghiên cứu lập pháp; PGS.TS Bùi Nguyên Khánh, Phó Giám đốc Học viện Khoa học xã hội ; PGS.TS Tô Văn Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Luật Hà Nội; cùng các thành viên của Tiểu ban số 2 và Tổ biên tập chuyên đề.

Ban Công tác đại biểu được Đảng đoàn Quốc hội giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực giúp Tiểu ban số 2 (Trưởng Tiểu ban là đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội) xây dựng Chuyên đề “Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” của Ban Chỉ đạo Trung ương. Để phục vụ Thường trực Tiểu ban số 2 xây dựng Chuyên đề trên, được sự đồng ý của lãnh đạo Ban Công tác đại biểu, Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử đã tổ chức Hội thảo nhằm xin ý kiến các chuyên gia về phương hướng đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội theo 3 giai đoạn: Quốc hội khóa XV, đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045.



Các đại biểu tham dự Hội thảo

Phát biểu mở đầu Hội thảo, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban số 2 Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, chuyên đề số 11 được đánh giá là một chuyên đề mang tính ứng dụng rất cao và có thể thực hiện ngay từ Quốc hội khóa XV này. Tuy nhiên, trong công tác nghiên cứu cho thấy còn nhiều tồn tại, hạn chế đòi hỏi phải có sự đổi mới về tổ chức, hoạt động của Quốc hội. Đặc biệt, chuyên đề có phạm vi rộng nên nhiều ý kiến đề xuất đổi mới, do đó phải chắt lọc nội dung, đồng thời phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và đặc biệt là giải quyết được những vấn đề từ thực tiễn. Do vậy, việc nghiên cứu đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội là cần thiết nhằm đề xuất các giải pháp đổi mới tổ chức, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và bộ máy tham mưu, giúp việc của Quốc hội; làm cơ sở để Ban Chỉ đạo Trung ương nghiên cứu đưa vào Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Với tinh thần như vậy, việc được làm việc và lắng nghe ý kiến của các chuyên gia là vô cùng quý giá để Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện đề cương chi tiết hơn và tiến hành xây dựng chuyên đề. 






Các chuyên gia phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã thẳng thắn trao đổi và thảo luận về các nội dung theo đề cương của Chuyên đề. Đa số chuyên gia đánh giá dự thảo đề cương khá chi tiết và bám sát nội dung, bên cạnh đó, các chuyên gia cũng phân tích thêm về yếu tố lý luận và thực tiễn, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay càng đòi hỏi cần phải có những đổi mới về tổ chức và hoạt động cho phù hợp. Nhiều ý kiến, phương hướng đã được nêu ra tại Hội thảo nhưng có chuyên gia cho rằng, vấn đề cốt lõi cần quan tâm là yêu cầu về dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, vì một bộ máy được thành lập theo đúng trình tự và quy định của pháp luật nhưng nếu bộ máy đó không bảo đảm quyền dân chủ, quyền con người, quyền công dân thì bộ máy đó cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của Nhà nước pháp quyền. 

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban số 2 Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các chuyên gia đối với việc triển khai xây dựng chuyên đề, nhấn mạnh phạm vi Hội thảo tuy nhỏ nhưng giá trị thu lại thì vô cùng to lớn. Từ những góp ý này, Ban soạn thảo và Tổ biên tập sẽ tiếp thu sâu sắc, làm việc thật khoa học, hiệu quả thiết thực để xây dựng chuyên đề một cách hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới hoạt động của Quốc hội.

 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK