HIẾN PHÁP VÀ HỆ THỐNG PHÁP LUẬT, CAM KẾT QUỐC TẾ LIÊN QUAN ĐẾN CHÍNH SÁCH XÃ HỘI
Cập nhật : 10:12 - 01/12/2023

Qua hơn 35 năm đổi mới, các quan điểm của Đảng về vấn đề xã hội luôn được bổ sung, hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra, trong đó quan điểm xuyên suốt qua từng giai đoạn gắn với các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc là:
(1) Tăng trưởng kinh tế phải luôn gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội. Công bằng xã hội không chỉ được thực hiện trong phân phối kết quả sản xuất, mà còn được thực hiện ở khâu phân phối tư liệu sản xuất, ở việc tạo ra những điều kiện cho mọi người phát huy tốt năng lực của mình và thực hiện phân phối lại qua hệ thống chính sách xã hội.
(2) Chính sách xã hội vì hạnh phúc con người là động lực to lớn phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội .
(3) Khẳng định trách nhiệm của toàn xã hội, của mỗi đơn vị, của từng gia đình là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân trong việc thực hiện chính sách xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội theo tinh thần xã hội hóa , trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt.
Cụ thể hóa các quan điểm của Đảng, hệ thống pháp luật của Việt Nam liên quan đến các chính sách xã hội cũng ngày càng được hoàn thiện hơn.

1.Hiến pháp 2013
Các chính sách xã hội đã được kế thừa và phát triển qua các Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013.
Khoản 1 Điều 14 quy định tuyên bố “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” và Nhà nước “thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội” (Điều 50).
Điều 16 khẳng định “1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; 2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội;  3. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”.
Lần đầu tiên Hiến pháp quy định quyền bảo đảm an sinh xã hội tại Điều 34: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội” và trách nhiệm của Nhà nước, xã hội “tôn vinh, khen thưởng, thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với nước” và Nhà nước “tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác”,   “có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở” (Điều 59).
Hiến pháp ghi nhận quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm, nơi làm việc, nghỉ ngơi, được bảo đảm điều kiện làm việc công bằng (Điều 35), đồng thời, quy định trách nhiệm của Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tạo việc làm cho người lao động và Nhà nước  bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động và tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định (Điều 57).
Điều 36 quy định có quyền kết hôn, ly hôn của nam, nữ và các nguyên tắc của hôn nhân và Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em.
Điều 38 xác định quyền của mọi người được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh; việc nghiêm cấm các hành vi đe dọa cuộc sống, sức khỏe của người khác và cộng đồng và  Điều 58 quy định về  trách nhiệm của Nhà nước, xã hội đầu tư phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, có chính sách ưu tiên chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người mẹ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hóa gia đình thuộc về cả Nhà nước, xã hội và gia đình (Điều 58).

2.Hệ thống pháp Luật, Nghị quyết, Pháp lệnh
Thể chế hóa đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nhiều Luật, Nghị quyết, Pháp lệnh để điều chính các chính sách xã hội như: 
a) Các luật
- Bộ Luật Lao động;
- Bộ Luật Dân sự;
- Luật Việc làm;
- Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Luật Bảo hiểm xã hội;
- Luật Bảo hiểm y tế;
- Luật Thi đua, khen thưởng;
- Luật Bình đẳng giới;
- Luật Phòng, chống bạo lực gia đình;
- Luật Khám bệnh, chữa bệnh;
- Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm;
- Luật Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân;
- Luật Phòng, chống ma túy;
- Luật Phòng, chống nhiễm virút  gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS);
b) Các Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 05 năm, hằng năm; Nghị quyết phê chuẩn chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, các Nghị quyết kỳ họp; Nghị quyết phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội… trong đó đặt ra các nhiệm vụ, chỉ tiêu về xã hội:
Ví dụ: Nghị quyết số 16/2021/QH15 ngày 27/7/2021 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025 - thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch COVID-19, từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân, tinh thần xuyên suốt là “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Trong quá trình phát triển đất nước, luôn quan tâm bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Các chỉ tiêu về xã hội:
- Tuổi thọ trung bình khoảng 74,5 tuổi, trong đó thời gian sống khoẻ mạnh đạt tối thiểu 67 năm.
- Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28-30%.
- Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.
- Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) duy trì mức giảm 1-1,5%/năm.
- Có 10 bác sĩ và 30 giường bệnh trên 1 vạn dân.
- Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số.
- Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới tối thiểu 80%, trong đó có 10% đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
c) Pháp lệnh
- Pháp lệnh ưu đãi người có công;
- Pháp lệnh quy định về Danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”;
- Pháp lệnh phòng, chống mại dâm; ….

3.Điều ước quốc tế, cam kết quốc tế
- Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị;
- Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa;
- Công ước về loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW);
- Tuyên bố và Chương trình hành động được Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển xã hội năm 1995 tại Copenhagen, Đan Mạch thông qua, thể hiện sự đồng thuận về yêu cầu đặt con người làm trung tâm của phát triển – thúc đẩy phát triển xã hội thông qua 10 cam kết, trong đó có xóa đói giảm nghèo, giảm bất bình đẳng và thúc đẩy hòa nhập xã hội.
- Tuyên bố của Liên Hợp Quốc về mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs);
- Chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc về mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 (SDGs); ….

Các quan điểm, chủ trương của Đảng về chính sách xã hội luôn được coi trọng, được bố trí nguồn lực thực hiện, được thể chế hóa bằng các chính sách, pháp luật của nhà nước, tạo khung khổ pháp lý quan trọng và ngày càng đầy đủ, toàn diện hơn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, góp phần định ra các nguyên tắc quản lý xã hội, giúp cho các quan hệ xã hội phát triển hài hòa và ổn định, đồng thời quyền và lợi ích hợp pháp của người dân ngày càng được bảo đảm hơn.

 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK