MỘT SỐ KẾT QUẢ NỔI BẬT TRONG THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023 (Phần 1)
Cập nhật : 14:01 - 15/11/2023

Thực hiện Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ , các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, thực chất, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực. Tập trung theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước, kịp thời có đối sách xử lý những vấn đề mới phát sinh. Triển khai chủ động, linh hoạt, hiệu quả các chính sách kinh tế vĩ mô; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả và chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội, sự ủng hộ, đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình KTXH tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Nền kinh tế vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu. Trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội. Những kết quả nổi bật là:
1. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng, sản xuất kinh doanh được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.
1.1. Tăng trưởng kinh tế và công nghiệp từng bước phục hồi, quý sau cao hơn quý trước, tháng sau tích cực hơn tháng trước. GDP quý III ước tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%); tính chung 9 tháng tăng 4,24%; dự báo cả năm đạt khoảng trên 5%, mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực . Khu vực công nghiệp quý III tăng 5,19% (quý I giảm 0,4%, quý II tăng 2,1%); giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý III tăng 4,57% so với cùng kỳ (quý I giảm 0,75%; quý II tăng 0,95%); trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,61% (quý I giảm 0,49%, quý II tăng 0,6%) . Các địa phương đầu tàu có xu hướng phục hồi hoặc tiếp tục duy trì đà tăng khá .
Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định; Khu vực du lịch, dịch vụ phát triển khá sôi động. Thị trường trong nước giữ được mức tăng trưởng tích cực và vững chắc. Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.567,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước; cả năm 2023 ước đạt 5.686,2 nghìn tỷ đồng, ước tăng 10,2% so với năm 2022. 
1.2. Các công cụ chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và chính sách khác, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,16%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân cả năm ước khoảng 3,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu khoảng 4,5%. 
Trong bối cảnh áp lực về mặt bằng lãi suất thế giới vẫn ở mức cao trong các tháng đầu năm 2023, mặt bằng lãi suất thị trường giảm tích cực, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm khoảng 1,0% so với cuối năm 2022 . Từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh giảm liên tục 04 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
1.3. Công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) tiếp tục được đẩy mạnh; triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, kích cầu hợp lý, thúc đẩy tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Tiếp tục triển khai các chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước, giảm 2% thuế giá trị gia tăng VAT, giảm tiền thuê đất, giúp doanh nghiệp, người dân giảm bớt khó khăn, tiết giảm chi phí, phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh. Công tác điều hành giá được phối hợp, triển khai đồng bộ, chặt chẽ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. 
1.4. Cán cân thương mại 9 tháng năm 2023 xuất siêu 21,68 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu là 6,9 tỷ USD) góp phần bảo đảm cán cân thanh toán, hỗ trợ cân đối cung cầu ngoại tệ. Cả năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt hơn 700 tỷ USD; ước xuất siêu khoảng 15 tỷ USD. 
1.5. Đầu tư tiếp tục tăng khá. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2023 ước đạt 3.440,1 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với năm 2022. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý III/2023 theo giá hiện hành ước đạt 902,5 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực. Cơ cấu đầu tư nước ngoài tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực, đúng hướng, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành liên quan đến kinh tế số, chuyển đổi số, giao thông vận tải, logistics. Tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước …
1.6. Quyết liệt xử lý, tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập, phát triển các loại thị trường đồng bộ, an toàn, lành mạnh, bền vững và hội nhập, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản.
Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chính thức được đưa vào vận hành , cải thiện thanh khoản cho thị trường, nâng cao sự minh bạch và khả năng tiếp cận thị trường của nhà đầu tư, khôi phục niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp…
Thể chế phát triển thị trường bất động sản và quyền sử dụng đất được quan tâm, chú trọng; diễn biến tình hình thị trường thường xuyên được theo dõi sát sao, tăng cường công tác thông tin, dự báo, kịp thời có giải pháp ứng phó khi thị trường có biến động bất thường, xử lý các vấn đề “nóng” phát sinh…
2. Tập trung xử lý, tháo gỡ khó khăn để thực hiện tốt hơn công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân
Cả nước tiếp tục tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; chủ động phương án ứng phó với các tình huống dịch bệnh truyền nhiễm mới có thể xảy ra. Công tác khám bệnh, chữa bệnh thông thường đã được khôi phục sau hơn 03 năm phòng, chống dịch COVID-19, tỷ lệ hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế đạt trên 90%. Hoàn thành xây dựng các cơ chế bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, phục vụ công tác khám chữa bệnh, như Nghị định 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế; Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 04/3/2023 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế. Cơ bản khắc phục được tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trên toàn quốc; đảm bảo nguồn cung thuốc cho nhu cầu dự phòng, điều trị của nhân dân, kịp thời giải quyết hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt và thuốc viện trợ, viện trợ nhân đạo, thuốc phòng chống dịch bệnh. Tăng cường giám sát chất lượng thuốc, duy trì tỷ lệ thuốc không đạt chất lượng ở mức thấp dưới 1%.
Triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để bảo đảm vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, duy trì tỷ lệ tiêm chủng mở rộng trên 90%. Tăng cường công tác phòng, chống các bệnh không lây nhiễm; ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030. Làm tốt công tác phòng ngừa dịch bệnh, bệnh truyền nhiễm thường gặp theo mùa. Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về dự phòng, nâng cao sức khỏe, chú trọng dinh dưỡng, bảo vệ, rèn luyện thể lực. 
3. Quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; đẩy mạnh cải cách hành chính, thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân và toàn xã hội
3.1. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, dành nhiều thời gian, chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương tổ chức rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật với nhiều cách làm đổi mới, luôn bám sát những định hướng, chủ trương tại các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, đặt nhiệm vụ trọng tâm vào việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong tổ chức thi hành, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh. Trong 9 tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức nhiều phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật; kịp thời ban hành nhiều văn bản quan trọng góp phần tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KTXH . Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước được hoàn thiện; xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 12 bậc . Xếp hạng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng 01 bậc, lên xếp thứ 32 trên 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới, đạt 431 tỷ USD ; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2023 tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế . 
Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được triển khai, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành; đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV. Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 và Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, thông qua 9 Luật và cho ý kiến 09 Luật; đồng thời quyết nghị nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về đất đai, y tế, đấu thầu, đầu tư, quy hoạch, giảm thuế giá trị gia tăng, xuất nhập cảnh, cơ chế đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh… 
3.2. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thủ tục hành chính; sắp xếp, kiện toàn bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa gần 1,1 nghìn quy định của 10 bộ, cơ quan. Các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2,2 nghìn quy định kinh doanh tại 175 văn bản quy phạm pháp luật; công khai, cập nhật hơn 17,8 nghìn quy định kinh doanh. 
Các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Cổng Dịch vụ công quốc gia và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp được tập trung phát triển, hoàn thiện. 
Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức . 
3.3. Tập trung thực hiện các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là Kết luận số 12-KL/TW ngày 06/4/2022 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư, Kết luận số 05-KL/TW ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư, các Thông báo kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...
4. Tiếp tục cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực hiệu quả, tạo chuyển biến thực chất về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế
4.1. Về cơ cấu lại 03 lĩnh vực trọng tâm 
a) Về đầu tư công: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt công tác giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm; ban hành văn bản chỉ đạo, tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc, thành lập 05 Tổ công tác để thúc đẩy, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Đẩy mạnh cơ cấu lại đầu tư công theo hướng tập trung có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Cải cách thể chế về đầu tư công tiếp tục được quan tâm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình kết cấu hạ tầng chiến lược, quan trọng quốc gia, liên vùng. Nhờ đó, giải ngân vốn đầu tư công đã chuyển biến mạnh mẽ, nhất là từ đầu quý II đến nay, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, đầu ra cho nhiều ngành, lĩnh vực; đồng thời, mở rộng năng lực sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh, góp phần tạo động lực tăng trưởng và phát triển trong trung và dài hạn. Đến ngày 30/9/2023 đạt khoảng 363,31 nghìn tỷ đồng, đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (46,7%), về số tuyệt đối cao hơn 110 nghìn tỷ đồng. 
b) Về cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu: Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 được triển khai quyết liệt, hiệu quả. Các NHTM nhà nước tiếp tục đóng vai trò chi phối trong hệ thống các TCTD về quy mô vốn, tài sản, huy động vốn và tín dụng. Các NHTM cổ phần tiếp tục củng cố, chấn chỉnh toàn diện các mặt tài chính, quản trị, xử lý nợ xấu, tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động. Theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND); triển khai quyết liệt phương án xử lý QTDND yếu kém, QTDND được kiểm soát đặc biệt.
c) Cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN)
Công tác xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, đến nay đã có tiến triển tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng; trong đó một số dự án, doanh nghiệp đã có lãi, giảm lỗ lũy kế, giảm dư nợ trung hạn và dài hạn của các dự án/doanh nghiệp, bảo đảm duy trì việc làm, đời sống cho hàng nghìn lao động, góp phần ổn định chính trị - xã hội tại địa phương. 
4.2. Tiếp tục phát triển các ngành, lĩnh vực theo hướng hiện đại, bền vững, phát huy tối các tiềm năng, lợi thế
a) Ngành nông nghiệp, nông thôn tiếp tục chuyển đổi mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang đa ngành tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản, đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
b) Cơ cấu nội ngành công nghiệp cơ bản có chuyển biến tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành, tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, giảm dần ngành công nghiệp khai khoáng và từ các ngành thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp công nghệ cao. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dự kiến tiếp tục phục hồi trong những tháng cuối năm. Thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, năng lượng tái tạo, tạo động lực tăng trưởng mới.
c) Cơ cấu lại khu vực dịch vụ được triển khai tích cực theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung đầu tư cơ sở vật chất và phát triển đa dạng các sản phẩm. Chất lượng sản phẩm dịch vụ và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trên thị trường nội địa, trong khu vực và quốc tế được từng bước được nâng lên. Một số ngành dịch vụ được hiện đại hóa, hình thành các sản phẩm dịch vụ hiện đại, chất lượng cao như dịch vụ y tế, bảo hiểm. Một số ngành có tiềm năng, lợi thế, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao như công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông, hàng không, tài chính, ngân hàng... được tập trung phát triển.
4.3. Công tác phát triển lực lượng doanh nghiệp tiếp tục được triển khai tích cực, thúc đẩy liên kết, liên doanh, chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị trong nước và khu vực
Tính chung 9 tháng, có 165,2 nghìn DN gia nhập và tái gia nhập thị trường, 116,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 48,9 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, cao hơn số rút lui khỏi thị trường (135,1 nghìn doanh nghiệp), cho thấy sức sống của nền kinh tế ngày càng cải thiện. 
4.4. Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế liên kết vùng, điều phối vùng; nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển đô thị
Chất lượng công tác quy hoạch đã được nâng cao, từng bước phát huy kết quả tích cực trên thực tiễn và tạo ra các cơ hội phát triển mới, không gian phát triển mới và giá trị mới cho quốc gia, vùng, địa phương trong thời kỳ quy hoạch. Đến nay đã ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch điện VIII, quy hoạch các phương thức giao thông vận tải và nhiều quy hoạch tỉnh, ngành, lĩnh vực (16/39 quy hoạch ngành quốc gia và 13/63 quy hoạch tỉnh)…
Tiếp tục xây dựng cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy KTXH của vùng phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng - an ninh, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển 06 vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tham khảo:
Báo cáo số 539/BC-CP Về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK