Định hướng và giải pháp phát triển du lịch nội địa của Việt Nam
Cập nhật : 10:14 - 10/07/2023
Định hướng và giải pháp phát triển du lịch nội địa của Việt Nam

1. Định hướng

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhất là khi Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống, ngành du lịch đã có bước tăng trưởng vượt bậc, trung bình 22,7%/năm giai đoạn 2015-2019, đóng góp trên 9,2% vào GDP và từng bước khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn. Chỉ tính riêng trong năm 2019, toàn ngành đón trên 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 85 triệu lượt khách du lịch nội địa. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, do tác động của đại dịch COVID-19, các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành đều sụt giảm nghiêm trọng. Đại dịch COVID-19 bùng phát ngay lập tức tác động đến hoạt động du lịch quốc tế phải tạm dừng từ tháng 4/2020 đến tháng 11/2021 và làm gián đoạn hoạt động du lịch nội địa qua bốn lần dịch bùng phát. Đại dịch COVID-19 trong suốt gần hai năm qua đã gây thiệt hại vô cùng to lớn, chưa từng có trong lịch sử ngành Du lịch, để lại những hậu quả và hệ lụy hết sức nghiêm trọng. Thiệt hại ước tính 23 tỷ USD, 40-60% lao động bị mất việc hoặc cắt giảm ngày công, khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngừng hoạt động.

Trong bối cảnh thích ứng an toàn linh hoạt, các ngành, các cấp, từ Trung ương tới địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực đồng lòng vào cuộc tìm hướng đi và giải pháp để sớm phục hồi và phát triển du lịch trở lại. Đối với thị trường khách quốc tế, Chính phủ đã ban hành những chính sách tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách quốc tế tới du lịch Việt Nam như: khôi phục chính sách miễn thị thực và xuất nhập cảnh như trước khi có dịch, không yêu cầu có chứng nhận tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19; dừng việc khai báo y tế với COVID-19 đối với người nhập cảnh Từ ngày 27/4/2022; du khách tới Việt Nam không phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 trước khi nhập cảnh từ ngày 15/5/2022. Với việc cho phép mở cửa từ ngày 15/3/2022, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mở cửa du lịch, đồng thời là một trong 62 quốc gia trên thế giới dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế nhập cảnh liên quan đến COVID-19. Tuy vậy, lượng khách du lịch quốc tế đến nước ta trong 8 tháng qua còn hết sức hạn chế mới chỉ đạt 1,2 triệu lượt khách . 

Du lịch nội địa luôn được xác định đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành Du lịch. Ngay từ thời điểm năm 2014, trước bối cảnh ‘‘thời kỳ mới’’, Chính phủ đã chỉ đạo ngành Du lịch có chính sách phù hợp khuyến khích thị trường du lịch nội địa phát triển, phát động và thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên du lịch Việt Nam” tại Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 8/12/2014 về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới.

Tiếp theo Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 8/12/2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã khẳng định quan điểm: ‘‘Phát triển đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa; tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân và du khách quốc tế tham quan, tìm hiểu, khám phá cảnh quan, di sản thiên nhiên và văn hóa của đất nước’’.

Luật Du lịch năm 2017 cũng xác định rõ nguyên tắc phát triển du lịch: ‘‘Phát triển đồng thời du lịch nội địa và du lịch quốc tế, tôn trọng và đối xử bình đẳng đối với khách du lịch’’.

Cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng, Luật Du lịch, Nghị quyết của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ‘‘Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030’’ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/01/2020 theo Quyết định số 147/QĐ-TTg đã tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của du lịch nội địa trong quan điểm, mục tiêu và định hướng, giải pháp. Với quan điểm: ‘‘Phát triển đồng thời du lịch quốc tế và du lịch nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch; tăng cường liên kết nhằm phát huy lợi thế tài nguyên tự nhiên và văn hóa; phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam’’, Chiến lược đồng thời xác định mục tiêu: Đến năm 2025: Ngành Du lịch phuc vụ ít nhất 120 triệu lượt khách du lịch nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân từ 6-7%/năm. Đến năm 2030: Ngành Du lịch phục vụ khoảng 160 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân từ 5-6%/năm. 

2. Giải pháp phát triển thị trường khách du lịch nội địa

Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định các nhiệm vụ, giải pháp đột phá để phát triển thị trường khách du lịch nội địa như sau:

Quan tâm, tạo thuận lợi cho các tầng lớp nhân dân tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng trong nước; thúc đẩy thị trường khách đi du lịch kết hợp với giáo dục truyền thống, tìm hiểu văn hóa, lịch sử và sinh thái.
Thường xuyên nghiên cứu, nắm bắt xu hướng thị trường để đáp ứng kịp thời nhu cầu và thị hiếu mới của khách du lịch nội địa.

Đẩy mạnh phát triển thị trường khách du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cuối tuần gắn với chăm sóc sức khỏe, giáo dục, tìm hiểu văn hóa lịch sử, trải nghiệm văn hóa dân tộc, tăng cường giao lưu văn hóa giữa các vùng, miền.

Định hướng lại thị trường khách du lịch lễ hội, văn hóa tâm linh theo hướng kết hợp hài hòa với các mục đích khác nhằm khắc phục tính thời vụ.

Từ những định hướng trên, trong thời gian tới, toàn ngành sẽ phải tập trung một số nhiệm vụ:
(1) Cơ cấu lại thị trường khách du lịch nội địa: Số khách du lịch nội địa gấp 5 lần khách du lịch quốc tế, tổng thu du lịch nội địa chiếm 45%, trong khi tổng thu du lịch quốc tế chiếm trên 55%. Theo cơ cấu chi tiêu và thời gian lưu trú thì tỷ lệ khách du lịch nội địa chi tiêu cao, lưu trú dài ngày còn thấp. Do đó, ở nhiều phân khúc khách du lịch, lượng khách tuy đông nhưng giá trị tổng thu từ khách nội địa chưa cao. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng quyết định hiệu quả của hoạt động du lịch; cần hướng tới thu hút, tăng tỷ trọng khách lưu trú dài ngày, chi tiêu cao, sử dụng dịch vụ cao cấp.

(2) Làm mới các sản phẩm vốn có và đẩy mạnh các sản phẩm du lịch độc đáo, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới phù hợp với nhu cầu, chiến lược phát triển thị trường nội địa lâu dài, để thu hút không chỉ khách nội địa mà cả khách quốc tế, tạo đà cho trở lại của thị trường du lịch.

(3) Đẩy mạnh hợp tác công tư, liên kết vùng giữa các địa phương trong, hợp tác trong công tác xúc tiến, quảng bá xây dựng sản phẩm và đầu tư phát triển du lịch.

(4) Tập trung nâng cao năng lực chuyên môn, đào tạo và đào tạo lại kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ nhân lực ngành, đảm bảo sẵn sàng phục vụ, đáp ứng các nhu cầu đa dạng của du khách.

Đại dịch đã và đang làm thay đổi toàn diện cấu trúc xã hội, đưa hoạt động của toàn xã hội cũng như hoạt động du lịch sang một trạng thái mới. Theo đó, yếu tố an toàn với dịch bệnh đã trở thành một nội dung đặc biệt quan trọng, vấn đề bảo vệ môi trường trở thành yếu tố cần thiết mọi quốc gia, mọi tổ chức kinh tế xã hội quan tâm thực hiện; toàn hệ thống xã hội phải năng động có khả năng chống chịu tác động của dịch bệnh, thích ứng với hoàn cảnh mới; yêu cầu phát triển nhanh công nghệ thông tin và truyền thông, ứng dụng nhanh các thành tựu về công nghệ, dữ liệu và tri thức vào mọi lĩnh vực là nội dung chủ yếu trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội các ngành, nghề. 

Nhiệm vụ, giải pháp phục hồi, phát triển du lịch nội địa phải được tạo cơ sở pháp lý, bổ sung nguồn lực tương xứng để ngành Du lịch có thể đứng vững trên ‘‘đôi chân’’ là du lịch nội địa và du lịch quốc tế triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến quảng bá, khai thác thị trường, phát triển sản phẩm du lịch, kích thích chi tiêu của du khách, góp phần tăng tỷ trọng của ngành Du lịch trong khu vực dịch vụ, thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam./.


TTBD
 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK