Du lịch nội địa ở Việt Nam: thực trạng và tiềm năng phát triển
Cập nhật : 9:30 - 26/06/2023
Du lịch nội địa ở Việt Nam: thực trạng và tiềm năng phát triển


Trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, các ngành, các cấp, từ Trung ương tới địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực đồng lòng vào cuộc tìm hướng đi và giải pháp để sớm phục hồi và phát triển du lịch trở lại. Cũng nhờ đó, hoạt động du lịch nội địa của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ ngay cả thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp cũng như khi đã kiểm soát được dịch bệnh. 

1. Tiềm năng phát triển du lịch nội địa ở Việt Nam

Việt Nam là đất nước có vị trí địa lý thuận lợi với đường bờ biển dài hơn 3.000km, có hơn 125 bãi biển, nằm trong danh sách 12 quốc gia hàng đầu vịnh biển đẹp nhất thế giới. Hệ thống di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh ở Việt Nam vừa đa dạng, vừa nhiều về số lượng. Hệ thống di sản vật thể gắn kết chặt chẽ với các giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống, văn hóa cộng đồng các dân tộc anh em rất đặc sắc là nguồn tài nguyên du lịch phong phú làm cơ sở xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được đầu tư, phát triển mạnh. Từ sân bay, cầu cảng, đường giao thông…đến các khu nghỉ dưỡng sang trọng đã tạo sức bật mạnh mẽ cho du lịch tăng trưởng. Việt Nam giờ đây còn được biết đến là một trong những thiên đường nghỉ dưỡng dành cho giới thượng lưu với nhiều khu resort cao cấp, sang trọng cũng như hệ thống khách sạn, homestay, cơ sở lưu trú chất lượng với giá cả phù hợp đáp ứng mọi nhu cầu đa dạng của du khách, từ người có tuổi đến thanh niên, khách đi theo gia đình hoặc nhóm nhỏ…

Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng với gần 100 triệu người. Bên cạnh đó, với tốc độ tăng trưởng kinh tế và GDP bình quân đầu người tăng trong những năm qua, tầng lớp trung lưu của Việt Nam xuất hiện nhiều hơn thì việc chi tiêu cho hoạt động du lịch tăng tỷ lệ thuận.

Đại dịch COVID-19 đã tác động đến mọi mặt đời sống người dân. Tuy nhiên, với nỗ lực của Chính phủ, tỷ lệ bao phủ vaccine rộng khắp, công tác phòng chống dịch hiệu quả nên du lịch đã hoạt động trở lại trong bối cảnh bình thường mới. Với những thuận lợi trên, nhiều gia đình, cá nhân người Việt đã lựa chọn những địa điểm du lịch trong nước thay vì đi ra nước ngoài. Tất nhiên tâm lý sính ngoại chưa hoàn toàn được xóa bỏ nhưng những cải tiến của ngành du lịch cũng đã phần nào giải quyết được thực trạng vốn tồn tại lâu nay - thực trạng một phần dòng tiền du lịch của người Việt chảy ra nước ngoài trong khi vẻ đẹp của đất nước thì bị bỏ ngỏ.

2. Thực trạng du lịch nội địa của Việt Nam

a. Hoạt động du lịch nội địa dưới tác động của Covid-19

Đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến du lịch, làm ngưng trệ hoạt động du lịch quốc tế. Trong bối cảnh đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành Du lịch kịp thời triển khai các biện pháp đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh đồng thời phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp hài hòa giữa an toàn phòng chống dịch bệnh và hoạt động du lịch nội địa. Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai tại địa phương, chỉ đạo doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tuân thủ các quy định phòng chống dịch. Các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và dịch vụ kinh doanh du lịch, hướng dẫn viên, nhân viên được hướng dẫn và phổ biến các quy định về cách phòng, chống dịch COVID-19. Hệ thống đăng ký và đánh giá an toàn COVID-19 đã được xây dựng (https://safe.tourism.com.vn). Bên cạnh đó, ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn cũng được áp dụng từ ngày 10/10/2020. Ứng dụng được xây dựng có sự phối hợp, hỗ trợ của Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao. 

Các chương trình kích cầu du lịch được phát động kịp thời. Chương trình kích cầu được phát động từ đầu năm 2021 ở quy mô toàn quốc với chủ đề “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “du lịch Việt Nam - an toàn, hấp dẫn”. Chiến dịch quảng bá du lịch với chủ đề “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn”. Chương trình du lịch nội địa được triển khai theo lộ trình từ thị trường nội tỉnh, nội vùng đến nội địa, mở rộng phạm vi cả nước từ cuối năm 2021, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của người dân; giới thiệu, quảng bá điểm đến, sản phẩm, trải nghiệm du lịch hấp dẫn, bảo đảm an toàn phòng chống dịch, khôi phục niềm tin của thị trường du lịch nội địa.

Hoạt động du lịch đồng loạt triển khai trên toàn quốc đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Chương trình kích cầu nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các địa phương, của các doanh nghiệp du lịch trong cả nước, nhất là tại các trung tâm du lịch. Dịch Covid-19 đã làm thay đổi đáng kể nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch, trong đó ưu tiên cho yếu tố an toàn, trải nghiệm thiên nhiên, sinh thái, đi nhóm nhỏ, thời gian ngắn, sử dụng công nghệ…Do vậy, các địa phương, doanh nghiệp đã chủ động đổi mới, sáng tạo, phát triển các sản phẩm mới phù hợp hơn với nhu cầu của khách. Sự ra đời những sản phẩm mới đã tạo nên không khí sôi động trên thị trường du lịch trong nước, mang lại nhiều lựa chọn cho du khách.

Thực tế 2 năm bị tác động nặng nề của địa dịch COVID-19, trong khi du lịch quốc tế gần như đóng băng thì du lịch nội địa lại đóng vai trò chủ đạo. Năm 2020, khách du lịch nội địa đạt 56 triệu lượt (giảm 34,1% so với cùng kỳ năm trước) trong khi khách quốc tế chỉ đạt 3,7 triệu lượt (giảm 80% so với cùng kỳ 2019). Năm 2021, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Việt Nam tăng trưởng chủ yếu tập trung vào khách nội địa, với con số 40 triệu lượt (giảm 20% so với năm 2020) do đợt bùng phát dịch lần thứ tư từ cuối tháng 4 năm 2021 trong khi khách quốc tế chỉ đạt 3.500 lượt (khách đi theo chương trình du lịch thí điểm). Năm 2022, du lịch nội địa càng khởi sắc. Sau 4 tháng mở cửa lại hoạt động du lịch (từ ngày 15/3/2022), khách du lịch nội địa đạt 79,8 triệu, vượt mức chỉ tiêu đặt ra cho cả năm. Kết quả hoạt động du lịch 8 tháng vừa qua và dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch nội địa, khẳng định nhu cầu du lịch ở mức cao và xu thế hội nhập, phát triển của ngành Du lịch.

Du lịch Việt Nam được Tổ chức Giải thưởng du lịch Thế giới bình chọn và vinh danh với nhiều danh hiệu của thế giới và khu vực Châu Á: Điểm đến di sản hàng đầu thế giới năm 2019, 2020; Điểm đến Golf tốt nhất thế giới năm 2019, 2021; Điểm đến bền vững hàng đầu Châu Á năm 2021, Điểm đến văn hóa hàng đầu Châu Á năm 2019, 2020; Điểm đến ẩm thực hàng đầu Châu Á năm 2019, 2020, Điểm đến hàng đầu Châu Á năm 2018, 2019, 2021, 2022; Điểm đến thiên nhiên hàng đầu Châu Á năm 2022 và hàng loạt giải thưởng danh giá khác. Việc Việt Nam liên tiếp nhận các giải thưởng trên đã khẳng định thương hiệu và chất lượng của du lịch Việt Nam, góp phần nâng cao hình ảnh và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

b. Một số hạn chế trong phát triển du lịch nội địa của Việt Nam

Công tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu, thị hiếu và chi tiêu của từng thị trường khách nội địa còn hạn chế. Các sản phẩm du lịch mới (du lịch đêm, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch caravan...) chưa được đầu tư đúng mức. Sản phẩm du lịch nhiều nơi trùng lắp, đơn điệu nên chưa kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu của khách du lịch nội địa.

Công tác nghiên cứu, phát triển thị trường, xúc tiến quảng bá thu hút khách du lịch nội địa chưa phát huy hiệu quả do thiếu nguồn lực. Để khắc phục tình hình kinh phí xúc tiến, quảng bá du lịch hàng năm được xét duyệt, cấp chậm hơn kế hoạch, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch đã được thành lập để tập trung nguồn kinh phí cấp dài hạn. Tuy nhiên, sau 3 năm từ khi có Quyết định thành lập, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch vẫn chưa được cấp vốn điều lệ nên chưa thể hoạt động, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam. Trong khi đó, tại các địa phương, đơn vị có trách nhiệm triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch (trung tâm xúc tiến du lịch) được tổ chức theo nhiều mô hình, trực thuộc nhiều đơn vị chủ quản khác nhau (Ủy ban dân cấp tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch…) dẫn đến nội dung xúc tiến, quảng bá du lịch chưa thống nhất, hiệu quả hoạt động chưa tập trung, thiếu đồng bộ, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp trong hoạt động xúc tiến du lịch.  

Vấn đề quản lý điểm đến, kiểm soát khách du lịch nội địa ở nhiều khu, điểm du lịch còn chưa chặt chẽ, khoa học, vẫn xảy ra tình trạng quá tải vào những mùa cao điểm du lịch; tình trạng mất vệ sinh, xả thải rác ô nhiễm môi trường; hiện tượng tăng giá, ép khách đã diễn ra gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường du lịch, tác động tâm lý du khách khi đi du lịch nội địa. 

Nguồn nhân lực du lịch hạn chế về chất lượng và số lượng nhất là sau bối cảnh đại dịch COVID-19. Tình trạng thiếu nhân sự hiện nay gây ảnh đến chất lượng dịch vụ do nhiều người có kỹ năng, thạo nghề, kinh nghiệm làm việc lâu năm đã chuyển sang công việc khác với công việc ổn định. Vì vậy, việc tuyển nhân sự mới gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các cơ sở phải tuyền gấp nhân sự tại địa phương chưa quan đào tạo, phải vừa đào tạo vừa làm việc còn nhiều lúng túng, một số nơi sử dụng sinh viên bán thời gian nhưng sinh viên các trường nghề du lịch chưa ra trường và hạn chế thời gian đi làm, đặc biệt thiếu nhân sự vào các thời điểm cao điểm như nghỉ Lễ, Tết. Việc nâng cấp cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch thiếu tính đồng bộ do hạn chế về vốn.

Công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của khách du lịch nội địa khi tham gia du lịch chưa được quan tâm đúng mức. Do vậy, mặc dù Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như nhiều địa phương đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trong du lịch nhưng một bộ phận khách du lịch nội địa có ý thức chưa cao, đặc biệt là ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường, tài nguyên du lịch tại các khu, điểm du lịch, khu di tích, di sản quốc gia và thế giới.

TTBD

 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK