Triển vọng và giải pháp phát triển Thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới
Cập nhật : 11:10 - 22/06/2023

I. Triển vọng Thị trường chứng khoán Việt Nam

Bước sang năm 2023, trước tình hình lạm phát Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt trong một vài tháng vừa qua, FED được kỳ vọng sẽ điều chỉnh giảm cường độ tăng lãi suất. Áp lực tỷ giá trong nước theo đó cũng sẽ giảm dần. Đây sẽ là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và Thị trường chứng khoán nói riêng. Ngoài ra, dịch bệnh được kiểm soát tốt, các yếu tố nền tảng vĩ mô và cân đối lớn cơ bản được giữ vững, trong tầm kiểm soát, các hoạt động kinh tế, tiêu dùng nội địa và du lịch quốc tế dần được khôi phục. Hoạt động doanh nghiệp dù khó khăn hơn trong bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới nhưng vẫn khả quan. Nhiều tổ chức quốc tế vẫn đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Báo cáo Triển vọng kinh tế châu Á của IMF (tháng 10/2022) dự báo tăng trưởng GDP thực của Việt Nam cao nhất trong ASEAN, đạt 7% trong năm 2022 và 6,2% trong năm 2023. Ngoài ra, chỉ số P/E của Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang ở mức 11,3 và được đánh giá ở mức hấp dẫn, thấp hơn so với hầu hết các thị trường khác trên thế giới. Tất cả những yếu tố trên cho thấy Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam nói chung và Thị trường chứng khoán nói riêng trong thời gian tới vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nếu lãi suất huy động tiếp tục gia tăng như trong giai đoạn vừa qua thì dòng tiền sẽ tiếp tục quay trở lại hệ thống ngân hàng, đồng thời gây áp lực đến lãi suất cho vay, ảnh hưởng tới chi phí vốn vay của doanh nghiệp trong nước; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới có thể khó khăn hơn. Ngoài ra, việc lạm phát vẫn duy trì ở mức cao, lãi suất gia tăng trong thời gian qua và triển vọng kinh tế tăng trưởng chậm lại của một số nền kinh tế lớn sẽ khiến nhu cầu tiêu dùng hàng nhập khẩu của người dân các nước này sụt giảm, nhất là tại các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Mỹ, EU; điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam do vậy cũng có thể chậm lại trong thời gian tới. Bên cạnh đó, xung đột địa chính trị trên thế giới tiếp tục kéo dài cũng tiềm ẩn tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam nói chung và Thị trường chứng khoán nói riêng.

II. Giải pháp phát triển Thị trường chứng khoán

Có thể thấy, khó khăn là có nhưng cơ hội vẫn còn cho Thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong thời gian tới, nhằm đảm bảo sự vận hành liên tục, thông suốt của Thị trường chứng khoán, thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng bền vững, an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang và sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp sau đây.

Thứ nhất, về hoàn thiện khung pháp lý và thể chế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc, từ đó khôi phục niềm tin và đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững của Thị trường chứng khoán.

Thứ hai, về công tác giám sát, thanh tra trên Thị trường chứng khoán, việc nâng cao vai trò và trách nhiệm của các tuyến giám sát, trong đó coi trọng tuyến giám sát thứ nhất là các công ty chứng khoán là cần thiết nhằm bảo đảm một thị trường vận hành minh bạch, hiệu quả. Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tăng cường giám sát các công ty chứng khoán thực hiện đúng và đầy đủ vai trò là chủ thể giám sát tuyến đầu theo quy định tại Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn để kịp thời ngăn ngừa và phát hiện sớm các vi phạm trên thị trường. Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công tác thanh tra, giám sát; hoàn thiện và đưa vào sử dụng Hệ thống giám sát giao dịch nâng cấp với các tính năng phân tích, cảnh báo, thống kê; kết nối các cơ sở dữ liệu dùng chung với Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán khi hệ thống công nghệ thông tin mới được đưa vào sử dụng.

Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến của Thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế; phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan đẩy mạnh công tác giám sát hoạt động giao dịch trên Thị trường chứng khoán, có cảnh báo sớm đối với nhà đầu tư về các rủi ro (nếu có) của Thị trường chứng khoán; tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên Thị trường chứng khoán nhằm tăng tính răn đe, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trên thị trường, hướng đến sự phát triển Thị trường chứng khoán theo hướng minh bạch và bền vững.

Thứ ba, về hoạt động tổ chức thị trường, việc đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin KRX nhằm tạo điều kiện triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới trên Thị trường chứng khoán và bảo đảm thị trường vận hành thông suốt, liên tục, an toàn, hiệu quả; đồng thời, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang chỉ đạo các bên liên quan chuẩn bị nền tảng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ nhằm phát triển một thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp minh bạch, an toàn, tăng cường khả năng quản lý, giám sát, giảm thiểu rủi ro; đẩy mạnh công tác tái cấu trúc Thị trường chứng khoán, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng của các định chế trung gian thị trường thông qua việc tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ tư, về công tác truyền thông ổn định tâm lý, tăng cường niềm tin của nhà đầu tư, trong thời gian tới, tăng cường thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời tới công chúng đầu tư để ổn định tâm lý thị trường, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư an tâm tham gia huy động và đầu tư trên thị trường vốn, đồng thời tăng cường sự tham gia của các định chế, nhà đầu tư chuyên nghiệp, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn như các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm....

Thứ năm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng Thị trường chứng khoán Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra nhằm thu hút sự tham gia của Nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam./.


TTBD
 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK