Khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do để tạo thị trường và động lực tăng trưởng mới trong năm 2023
Cập nhật : 9:38 - 09/06/2023

Quá trình thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mang lại những tác động tích cực cho nền kinh tế và các doanh nghiệp. Mặc dù vậy, cũng còn nhiều cơ hội kỳ vọng từ các FTA bị bỏ lỡ, nhiều lợi ích tiềm tàng chưa được hiện thực hóa. Trong bối cảnh kinh tế thế giới 2023 được dự báo là rất thách thức với GDP nhiều thị trường tăng trưởng yếu, nhu cầu nhập khẩu giảm, chúng ta cần có những giải pháp đổi mới và thiết thực nhằm khai thác hiệu quả hơn các FTA này, tạo ra lợi thế riêng có cho xuất khẩu Việt Nam ở các thị trường FTA cũng như tạo động lực tăng trưởng cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước.

Mặc dù năm 2022 hoạt động xuất nhập khẩu nói chung và với các thị trường FTA nói riêng của Việt Nam vẫn đạt được các kết quả ấn tượng (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong 11 tháng đầu năm 2022 đạt 673,8 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 342,2 tỷ USD tăng 13,4%), tình hình thị trường đã xuất hiện nhiều dấu hiệu bất lợi trong quý IV 2022 và được dự kiến sẽ khó khăn hơn trong năm 2023, thậm chí có thể tiếp tục phức tạp trong thời gian dài hơn.

Cụ thể, dự báo mới nhất (tháng 10/2022) của nhiều tổ chức quốc tế đều cho thấy viễn cảnh 2023 không sáng sủa cho xuất khẩu của Việt Nam. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của hầu hết các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam năm 2023 đều giảm so với 2022 và giảm sâu so với 2021 (riêng khu vực đồng Euro dự kiến giảm sâu từ 3,1% năm 2022 xuống 0,5% năm 2023, thậm chí là tăng trưởng âm ở các thị trường bạn hàng lớn của Việt Nam ở EU như Đức, Ý…). Dự báo của WTO về tăng trưởng nhập khẩu của các thị trường lớn cũng theo chiều hướng tương tự (Bắc Mỹ năm 2023 dự kiến chỉ tăng 0.8% so với mức tăng 8.5% năm 2022 và 12.3% năm 2021; EU thậm chí là -0.7%, trong khi 2022 tăng 5.4% và 2021 8.3%).

Thu nhập giảm, cầu tiêu dùng yếu ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm được dự báo trong năm 2023 chắc chắn sẽ khiến quy mô thị trường bị thu hẹp, cạnh tranh gia tăng giữa hàng hóa từ Việt Nam và từ các đối thủ cạnh tranh khác, thậm chí với các ngành sản xuất nội địa ở các thị trường này, đặc biệt là cạnh tranh về giá.

Trong những ngày gần đây, tình hình thị trường có một vài tín hiệu lạc quan hơn, như Trung Quốc đã nới lỏng đáng kể chính sách ứng phó COVID khiến các nguy cơ về chuỗi cung bớt căng thẳng hay EU dường như đã vượt qua giai đoạn căng thẳng nhất về năng lượng, lạm phát. Tuy nhiên, tình hình thị trường nhìn chung vẫn là khá ảm đạm. Trong bối cảnh như vậy, các lợi thế từ FTA, đặc biệt là các ưu đãi thuế quan tiếp tục được mở rộng theo lộ trình trong thời gian tới, có thể là một công cụ hỗ trợ đặc biệt quan trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam, tạo ra lợi thế cạnh tranh để có thể tiếp tục giữ và mở rộng thị phần ở các thị trường này. Để thực hiện được điều này chúng ta cần có các giải pháp chính sách phù hợp cả tức thời cũng như trong dài hạn.

Về các giải pháp kỹ thuật trước mắt, Chính phủ và các Bộ ngành liên quan cần triển khai một số biện pháp hỗ trợ trực tiếp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tối đa hóa việc sử dụng các ưu đãi thuế quan từ các FTA sau:

1. Bộ Công Thương, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai các chiến dịch quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt Nam thiết kế riêng cho từng thị trường (ưu tiên thị trường EU và châu Mỹ);

2. Thương vụ Việt Nam ở các thị trường FTA (i) xây dựng kênh kết nối đối tác với doanh nghiệp Việt Nam ở từng thị trường và phổ biến thông tin rộng rãi về các kênh kết nối này cho doanh nghiệp; (ii) thiết lập các đầu mối thông tin thị trường (bản tin thị trường, định kỳ cập nhật tình hình thị trường như cung, cầu, các điều chỉnh chính sách…) đối với các sản phẩm xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam.

3. Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương thiết lập 01 Tổng đài hỗ trợ doanh nghiệp về quy tắc xuất xứ FTA, công bố rộng rãi về Tổng đài trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua đó doanh nghiệp biết đến và có thể xin hướng dẫn, tư vấn để hiểu, thực hiện và đáp ứng các quy tắc xuất xứ FTA.

Về các giải pháp chính sách trong dài hạn, cần xem xét một số định hướng sau:
1. Nghiên cứu khả thi và xúc tiến việc đàm phán các FTA mới, ở dạng thức thích hợp (song phương, đa phương/khu vực) với một số thị trường tiềm năng cho xuất khẩu của Việt Nam, ví dụ:
- Hoa Kỳ: Nền kinh tế lớn nhất thế giới, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam;
- Nam Mỹ (đặc biệt là Khối MERCOSUR): Khu vực kinh tế nhiều tiềm năng, không cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam;
- Châu Phi (thông qua Liên minh châu Phi hoặc lựa chọn các nền kinh tế lớn, đầu đàn trong khu vực): Châu lục có trình độ phát triển tương đối thấp, có nhu cầu cao đối với các sản phẩm ở tầm trung và thấp, yêu cầu không quá cao về chất lượng, mẫu mã, thương hiệu.

2. Thiết lập Chương trình đánh giá định kỳ hàng năm về hiệu quả thực thi các FTA một cách toàn diện qua đó nhận diện và xử lý kịp thời các vấn đề cản trở việc tận dụng hiệu quả các FTA nhất là từ các góc độ:
- Công tác thể chế, pháp luật, thủ tục hành chính liên quan tới các hoạt động thực thi FTA (đặc biệt là các thủ tục xuất nhập khẩu, kiểm tra chuyên ngành; cấp giấy chứng nhận xuất xứ FTA; và cấp phép và quản lý đầu tư): Đầu mối cho hoạt động tổng hợp, đánh giá có thể là Văn phòng Chính phủ.

- Tình hình thực thi FTA của doanh nghiệp (đặc biệt là về mức độ hiểu biết, khả năng tận dụng, ảnh hưởng của các FTA, các lực cản trong thực thi FTA của doanh nghiệp): Có thể giao Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI - làm đầu mối thực hiện hoạt động tổng hợp, đánh giá này.

Hy vọng rằng với các biện pháp chính sách hỗ trợ kịp thời, thực chất của các cơ quan quản lý, và nỗ lực của từng doanh nghiệp, xuất nhập khẩu nói riêng, doanh nghiệp và cả nền kinh tế sẽ có đủ niềm tin và động lực để vượt sóng lớn và tiếp tục phát triển trong năm 2023 và những năm tiếp theo./

TTBD
 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK