Hội nhập kinh tế quốc tế theo chiều sâu thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA) là một định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Tính từ FTA đầu tiên mà Việt Nam tham gia (Hiệp định mậu dịch tự do ASEAN CEPT/AFTA, nay là ATIGA năm 1996) cho tới nay (12/2022), Việt Nam đã có 15 FTA có hiệu lực với tổng cộng 53 đối tác thương mại ở 4 châu lục.
Quá trình thực thi các FTA này đã mang lại những tác động tích cực cho nền kinh tế và các doanh nghiệp. Mặc dù vậy, cũng còn nhiều cơ hội kỳ vọng từ các FTA bị bỏ lỡ, nhiều lợi ích tiềm tàng chưa được hiện thực hóa.
I. Kết quả tích cực trong thực thi các FTA thời gian qua
Đối với một nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam, mở rộng thị trường xuất nhậu khẩu là một trong những tác động được kỳ vọng nhất từ việc tham gia các FTA. Trên thực tế, quá trình thực thi các FTA trong những năm qua đã hiện thực hóa phần nào kỳ vọng này.
- Về kết quả xuất nhập khẩu, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2021 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với các thị trường đối tác FTA đạt 480 tỷ USD, tăng 22,5% so với 2020 và chiếm gần 72% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với toàn thế giới.
Trong đó, xuất khẩu đạt 212,9 tỷ USD, tăng 17,6% so với 2020, chiếm 63% kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đạt 267,2 tỷ USD, tăng 26,7% chiếm 80% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Như vậy, có thể nói phần lớn dòng chảy thương mại hàng hóa của Việt Nam là với các đối tác FTA và thương mại với các thị trường này là một trong các động lực lớn cho tăng trưởng sản xuất kinh doanh của nền kinh tế nước ta.
- Về mức độ tận dụng các ưu đãi thuế quan, số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy năm 2021, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sử dụng ưu đãi thuế quan FTA là đạt 69,1 tỷ USD, chiếm 32,7% tổng kim ngạch xuất khẩu đi các thị trường này. Trong so sánh với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, đây là tỷ lệ khá lạc quan (nhất là khi số tổng chưa loại trừ một tỷ lệ nhất định các dòng thuế MFN 0%). Đáng chú ý, các nhóm sản phẩm hàng hóa tận dụng được tốt nhất các ưu đãi thuế quan bao gồm giày dép (95,9%), nhựa (69%), cao su (67,4%), dệt may (59,9%), nông lâm thủy sản (thủy sản 66,3%, rau quả 65,2%, chè 47,4%, hạt tiêu 42%)… Như vậy, lợi ích của các FTA đã và đang lan tỏa tới nhiều khu vực quan trọng và nhạy cảm của nền kinh tế, các ngành nghề sử dụng nhiều lao động, đặc biệt là lao động nữ, các bộ phận dân cư thu nhập thấp, yếu thế, nông thôn, vùng sâu vùng xa…
Từ góc độ doanh nghiệp, các Khảo sát doanh nghiệp về các FTA của VCCI năm 2020 và 2022 cho thấy các doanh nghiệp có đánh giá khá tích cực về hiệu quả của các FTA. Cụ thể, theo kết quả Khảo sát năm 2022 của VCCI, có 54% các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết các FTA đã mang đến tác động tích cực tới hoạt động kinh doanh của họ trong thời gian qua (lớn hơn so với mức 46% trong Khảo sát 2020), và chỉ 1% doanh nghiệp cho biết đã chịu các tác động bất lợi từ các FTA liên quan tới các cam kết FTA (Khảo sát năm 2020 là 3,2%).
Động lực lợi ích từ các FTA cũng thúc đẩy các doanh nghiệp tìm hiểu và biết nhiều hơn về các cam kết FTA có liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình, từ đó có những sự chuẩn bị cần thiết cho việc tận dụng các cơ hội. Cụ thể, các Khảo sát của VCCI thực hiện qua các năm 2016, 2020 và 2022 cho thấy nhận thức của doanh nghiệp về các cam kết FTA đã có những thay đổi tích cực, theo hướng sâu hơn, thực chất hơn. Tỷ lệ doanh nghiệp chỉ “nghe nói” về các FTA đã giảm dần (từ mức 73,2% năm 2016 xuống 62,1% năm 2020 và 55,8% năm 2022), tỷ lệ các doanh nghiệp có hiểu biết khá rõ hoặc rất rõ về các cam kết FTA có liên quan tới mình đã tăng lên rõ rệt (từ mức 12,4% năm 2016 lên mức 26,1% năm 2022).
Sự cải thiện trong nhận thức của doanh nghiệp về các FTA không chỉ cho thấy sức hấp dẫn của các FTA thế hệ mới với các doanh nghiệp, mà còn là bằng chứng về hiệu quả của các nỗ lực phổ biến tuyên truyền của các Bộ ngành địa phương (đặc biệt là Bộ Công Thương), các Hiệp hội doanh nghiệp (đặc biệt là VCCI) và các tổ chức đại diện/hỗ trợ doanh nghiệp khác. Chỉ riêng VCCI đã có khoảng gần 100 ấn phẩm và website với khoảng 80.000 tin bài về hội nhập, trong đó chủ yếu là hội nhập FTA, cung cấp thông tin cho khoảng 70 triệu lượt truy cập.
II. Những hạn chế trong thực thi các FTA thời gian qua
Mặc dù các kết quả thực thi FTA từ góc độ sản xuất xuất khẩu là rất tích cực, một số thực tế cho thấy nền kinh tế và các doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng được các FTA như kỳ vọng.
Về xuất khẩu, thống kê cho thấy tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trung bình đi các thị trường FTA luôn thấp hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong hai năm 2020-2021 (giai đoạn mà các FTA với tất cả 53 đối tác đã có hiệu lực), tăng trưởng xuất khẩu trung bình đi các thị trường FTA là 10,3%/năm, thấp hơn so với mức 13%/năm tăng trưởng trung bình của xuất khẩu đi toàn thế giới. Nói cách khác, với động lực từ các FTA, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đi các thị trường FTA là khá cao, nhưng vẫn chưa bằng tốc độ tăng trưởng trung bình ở các thị trường chưa có FTA (đặc biệt Hoa Kỳ).
Về tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan, quan sát cho thấy tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan FTA đang có xu hướng giảm (từ mức kỷ lục 39,7% năm 2017 giảm dần xuống mức 32,7% năm 2021) và diễn tiến không ổn định với từng Hiệp định. Điều này cho thấy các doanh nghiệp dường như chưa có chiến lược ổn định cho việc tận dụng các ưu đãi. Khảo sát năm 2022 của VCCI cho thấy trong số các doanh nghiệp từng ít nhất được hưởng ưu đãi thuế quan với 1 lô hàng, có tới trên 34% doanh nghiệp cho biết là nhờ hàng hóa, quy trình sản xuất của họ may mắn đã đáp ứng các quy tắc xuất xứ FTA mà không phải là do chủ động chuyển đổi để đáp ứng các điều kiện về xuất xứ này.
Về hiểu biết của doanh nghiệp, mặc dù đã có những cải thiện nhất định ở khía cạnh này, Khảo sát của VCCI cho thấy “Không biết về các lợi ích của FTA” luôn nằm trong tốp đầu các lý do khiến doanh nghiệp chưa được hưởng lợi từ FTA (chỉ đứng sau lý do về thực tế “chưa có giao dịch với đối tác FTA”).
Về những lực cản khiến doanh nghiệp khó hiện thực hóa các cơ hội tiềm năng từ các FTA, cũng theo Khảo sát năm 2022 của VCCI cho thấy doanh nghiệp lo ngại nhất là về các biến động và bất ổn của thị trường (46,8% doanh nghiệp), hạn chế trong năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (46,4%), thiếu thông tin về cam kết và cách thức áp dụng (40,1%). Và mặc dù đã có sự cải thiện đáng kể so với các năm trước, bất cập trong công tác tổ chức thực thi các FTA của các cơ quan Nhà nước vẫn là lực cản với khoảng 28,2% doanh nghiệp.
TTBD