HỎI – ĐÁP DÀNH CHO ĐẠI BIỂU DÂN CỬ THÁNG 3 – SỐ 3
Cập nhật : 14:17 - 24/03/2023
HỎI – ĐÁP DÀNH CHO ĐẠI BIỂU DÂN CỬ THÁNG 3 – SỐ 3

Câu hỏi: Đối xử quốc gia trong sở hữu trí tuệ là gì?
Trả lời
Ngày 25/5/2002, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế năm 2002. Pháp lệnh này quy định về phạm vi, nguyên tắc, trường hợp áp dụng Đối xử tối huệ quốc và Đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế, gồm các lĩnh vực thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, đầu tư và quyền sở hữu trí tuệ.
Theo đó, Đối xử quốc gia trong sở hữu trí tuệ là một trong những nội dung trọng tâm và được định nghĩa tại Khoản 8 Điều 3 Pháp lệnh đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế năm 2002. Cụ thể như sau:
Đối xử quốc gia đối với quyền sở hữu trí tuệ là đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử mà Việt Nam dành cho việc xác lập, bảo hộ và thực thi các quyền sở hữu trí tuệ và mọi lợi ích có được từ các quyền đó của tổ chức, cá nhân nước ngoài so với tổ chức, cá nhân trong nước.
Cũng theo quy định này, Đối xử quốc gia trong thương mại hàng hoá là đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử mà Việt Nam dành cho hàng hoá nhập khẩu so với hàng hoá tương tự trong nước.

Câu hỏi: Các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo luật Sở hữu trí tuệ
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 215 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo luật Sở hữu trí tuệ được quy định cụ thể như sau:
- Trong các trường hợp sau đây, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính quy định tại khoản 2 Điều 215 Luật Sở hữu trí tuệ 2005:
+ Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có nguy cơ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội;
+ Tang vật vi phạm có nguy cơ bị tẩu tán hoặc cá nhân, tổ chức vi phạm có biểu hiện trốn tránh trách nhiệm;
+ Nhằm bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
- Biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính được áp dụng theo thủ tục hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bao gồm:
+ Tạm giữ người;
+ Tạm giữ hàng hoá, tang vật, phương tiện vi phạm;
+ Khám người;
+ Khám phương tiện vận tải, đồ vật; khám nơi cất giấu hàng hoá, tang vật, phương tiện vi phạm về sở hữu trí tuệ;
+ Các biện pháp ngăn chặn hành chính khác theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Câu hỏi: Một hành vi bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo luật sở hữu trí tuệ khi nào?
Trả lời
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì các hành vi bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo luật sở hữu trí tuệ được quy định cụ thể như sau:
- Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hoá, dịch vụ;
- Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hoá, dịch vụ; về điều kiện cung cấp hàng hoá, dịch vụ;
- Sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên, nếu người sử dụng là người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu và việc sử dụng đó không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu và không có lý do chính đáng;
- Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng.
Chỉ dẫn thương mại quy định tại khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 là các dấu hiệu, thông tin nhằm hướng dẫn thương mại hàng hoá, dịch vụ, bao gồm nhãn hiệu, tên thương mại, biểu tượng kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng bao bì của hàng hoá, nhãn hàng hoá.
Hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại quy định tại khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 bao gồm các hành vi gắn chỉ dẫn thương mại đó lên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch kinh doanh, phương tiện quảng cáo; bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán, nhập khẩu hàng hoá có gắn chỉ dẫn thương mại đó.

Câu hỏi: Biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 216 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ được quy định cụ thể như sau:
- Các biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ bao gồm:
+ Tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
+ Kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hoá có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
- Tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là biện pháp được tiến hành theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ nhằm thu thập thông tin, chứng cứ về lô hàng để chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực hiện quyền yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền và yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính.
- Kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hoá có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là biện pháp được tiến hành theo đề nghị của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ nhằm thu thập thông tin để thực hiện quyền yêu cầu áp dụng biện pháp tạm dừng làm thủ tục hải quan.
- Trong quá trình thực hiện biện pháp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, nếu phát hiện hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 213 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì cơ quan hải quan có quyền và có trách nhiệm áp dụng biện pháp hành chính để xử lý theo quy định tại Điều 214 và Điều 215 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005.

TTBD
 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK