Những khuyến nghị chính sách về quản lý nợ công trong giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội
Cập nhật : 16:47 - 23/03/2023

Trong hai năm liên 2020, 2021, Việt Nam đã phải đối mặt với những thách thức chưa từng có tiền lệ từ đại dịch Covid-19. Tăng trưởng kinh tế hai năm liên tiếp được dự báo dưới 4% là điều chưa từng xảy ra trong tiến trình phát triển nền kinh tế của đất nước ta. Để ứng phó với tình huống này, chính sách nợ công, trong đó đặc biệt liên quan tới chính sách nợ nước ngoài, cần được nhìn nhận và sử dụng như nguồn lực tài chính công chủ yếu để sớm khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, tiến tới việc phục hồi và phát triển bền vững kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, ngoài việc xác định và tuân thủ kế hoạch nợ công, ngưỡng nợ công an toàn, cần song song đẩy mạnh tiến độ giải ngân đầu tư công, tháo gỡ các nút thắt của đầu tư công và đảm bảo tính hiệu quả, minh bạch trong việc sử dụng nợ công.
Thứ nhất, giám sát hiệu quả dự án sử dụng nợ công
Các kết quả nghiên cứu đã chỉ ra, dù nợ công có mối tương quan nghịch biến với tăng trưởng kinh tế khi tỷ lệ nợ công/GDP vượt quá ngưỡng nhất định, tuy nhiên, mối quan hệ nguyên nhân – kết quả giữa tỷ lệ nợ công cao và tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp chưa được chứng minh một cách rõ ràng. Do đó, việc điều chỉnh trần nợ công không nên là giải pháp duy nhất để đảm bảo quản lý nợ công hiệu quả, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều biến động do dịch bệnh mà cần được triển khai song song với việc xây dựng cơ chế theo dõi, giám sát, báo cáo đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay. Chính phủ do đó cần yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị nghiêm túc tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công và khẩn trương đẩy nhanh tiến độ những dự án, nhiệm vụ chưa hoàn thành. Việc quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay và trách nhiệm trả nợ cần được gắn với trách nhiệm của tổ chức, cá nhân ra quyết định đầu tư từ các khâu lập kế hoạch đến kiểm tra giám sát thẩm định. Cần kiên quyết xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân có năng lực chỉ đạo điều hành, quản lý yếu kém, gây cản trở, làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công so với kế hoạch đã được phê duyệt.
Bên cạnh việc xây dựng cơ chế báo cáo, theo dõi, quy định trách nhiệm quản lý hiệu quả sử dụng nợ công, Quốc hội và Chính phủ cần xem xét xây dựng các tổ, đơn vị chuyên trách, phản ứng nhanh, phối hợp liên ngành trong quản lý nhà nước về nợ công nhằm tăng cường khả năng giám sát độc lập. Ngoài ra, khung pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành luật liên quan tới nợ công cần được tiếp tục hoàn thiện; các quyết định đầu tư công cần được tư vấn và giám sát chặt chẽ. 
Việc nghiên cứu thành lập các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong nước nhằm minh bạch hóa thông tin cũng là một trong những biện pháp đảm bảo tính minh bạch, phục vụ giám sát hiệu quả đầu tư công, đồng thời giảm áp lực cho ngân sách khi tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn qua phát hành trái phiếu trên cơ sở thông tin được đánh giá khách quan.
Thứ hai, tháo gỡ các nút thắt trực tiếp liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công 
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước giảm so với cùng kỳ năm trước. Sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công còn đến từ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, công tác lập kế hoạch vốn chưa bám sát thực tiễn và khả năng giải ngân, quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi các chương trình, dự án còn kéo dài, công tác thiết kế thi công, lựa chọn nhà thầu chậm, quy trình, thủ tục thanh quyết toán vốn đầu tư công chưa thống nhất, khoa học, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý thiếu kịp thời, chặt chẽ. Báo cáo của Quốc hội cũng đã chỉ ra trong thời gian vừa qua, nhiều chương trình đầu tư quốc gia vẫn chưa được phân bố, ví dụ như 16.000 tỷ đồng cấp cho Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, 56.000 tỷ cấp cho các địa phương (Theo Tạp chí Kinh tế Việt Nam, 2021).
Để khắc phục các thực trạng trên, góp phần tăng hiệu quả sử dụng nợ công, Chính phủ cần tập trung kiểm soát dịch bệnh nhằm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; nghiên cứu điều chỉnh, đơn giản hóa các thủ tục pháp lý và hành chính liên quan tới giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, cần phải sớm thành lập các tổ liên ngành rà soát và đánh giá các dự án đang chưa thực hiện đúng tiến độ để tính toán lại mức đầu tư và điều chỉnh, luân chuyển nguồn vốn hợp lý. Đẩy mạnh công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện và giải quyết các nút thắt trong giải ngân vốn đầu tư công cần được đẩy mạnh theo hướng đề cao vai trò, trách nhiệm của những người đứng đầu, nhanh chóng xử lý những cá nhân, đơn vị không đủ năng lực, làm chậm tiến độ giải ngân. Việc xây dựng cơ chế phân bổ vốn đầu tư công linh hoạt để nhanh chóng điều chuyển nguồn vốn tới các dự án tùy theo tiến độ thực hiện và mức ảnh hưởng của dịch bệnh trong bối cảnh hiện tại cũng cần được coi là một nhiệm vụ cấp bách, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Thứ ba, định kỳ rà soát và kịp thời điều chỉnh chính sách và kế hoạch quản lý nợ công
Tháng 7/2021, với 100% Đại biểu có mặt đã bỏ phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 05 năm giai đoạn 2021 – 2025, theo đó trần nợ công giảm từ 65% xuống còn 60% trong giai đoạn mới. Giải pháp này rất hợp lý cả về mặt thực tiễn lẫn cơ sở lý luận khi ngưỡng nợ công tương đương 60% GDP được cho là phù hợp với các nước đang phát triển như Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh thực trạng giải ngân vốn đầu tư công còn đang tồn tại nhiều vấn đề cần được giải quyết. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 dẫn tới những thay đổi nhanh chóng đối với việc huy động ngân sách thông qua đầu tư công. 
Đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc xếp hạng tín nhiệm bị ảnh hưởng hoặc điều kiện vay trở nên khó khăn hơn là việc cần được dự tính trước trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay chưa có một thị trường trái phiếu chính phủ năng động với tính thanh khoản cao, những thay đổi đột ngột do dịch bệnh mang lại có thể tác động xấu tới việc đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn. Do đó, những người làm chính sách cần xây dựng kế hoạch quản lý nợ công với trình tự và thời gian cụ thể, các kịch bản ứng phó linh hoạt tùy theo tình hình dịch bệnh để đảm bảo việc quản lý nợ công không ảnh hưởng tới quá trình phục hồi kinh tế.

TTBD

 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK