CÁC XU HƯỚNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI
Cập nhật : 16:33 - 23/03/2023

1. Tình hình chung trên thế giới
Nước có vai trò vô cùng quan trọng đối với con người hay bất kì sinh vật sống nào trên trái đất. Nước cần cho mọi sự sống và phát triển. Với vai trò và tầm quan trọng của mình, nước trở thành tài nguyên chiến lược thứ hai sau tài nguyên con người. Ngày nay, hầu hết các quốc gia đang phải đối mặt với áp lực chưa từng có đối với tài nguyên nước. Năm 2020, trên thế giới có khoảng 2 tỷ người đang sống ở các quốc gia bị căng thẳng về nước và không được tiếp cận với nguồn nước sạch an toàn, dự báo đến năm 2025 con số này sẽ tăng lên với khoảng 35% dân số thế giới rơi vào tình cảnh thiếu nước nghiêm trọng. 75 quốc gia báo cáo hiệu quả sử dụng nước dưới mức trung bình, trong đó có 10 quốc gia ở mức cực kỳ thấp. 
Dân số toàn cầu đang tăng nhanh và các ước tính cho thấy với thực tiễn hiện tại, thế giới sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt 40% giữa nhu cầu dự báo và nguồn cung cấp nước sẵn có vào năm 2030. Với dự báo dân số tăng lên 9 triệu người vào năm 2050,  cần phải tăng sản lượng nông nghiệp lên 60% (vốn tiêu thụ 70% tài nguyên hiện nay) và tăng 15% lượng nước khai thác. Bên cạnh nhu cầu ngày càng tăng này, nguồn tài nguyên nước đang ngày càng khan hiếm ở nhiều nơi trên thế giới. Các dự báo chỉ ra rằng 40% dân số thế giới sống ở các khu vực khan hiếm nước và khoảng ¼ GDP của thế giới đang phải đối mặt với thách thức này. Theo ước tính, vào năm 2025, trên thế giới có khoảng 1,8 tỷ người sẽ phải sống tại những khu vực hay các quốc gia “khan hiếm nước tuyệt đối”, nghĩa là họ sẽ không có đủ nước để duy trì sản lượng lương thực tính theo đầu người hiện nay, cũng như không đáp ứng được nhu cầu của các đô thị mới. Biến đổi khí hậu sẽ làm tình hình trở nên tồi tệ hơn do những ảnh hưởng làm thay đổi chu kỳ thủy văn, tổng trữ lượng và phân bổ nguồn nước khó dự đoán hơn và làm tăng tần suất, cường độ của lũ lụt, hạn hán, dự tính thiệt hại về tài sản do lũ lụt lên đến 120 tỷ đô mỗi năm. 
Tính chất “xuyên biên giới” của nguồn tài nguyên nước cũng ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước. Trên thế giới có khoảng 276 lưu vực sông xuyên biên giới, được chia sẻ bởi 148 quốc gia, cung cấp 60% tổng lưu lượng nước ngọt toàn cầu. Tương tự, đối với nước dưới đất có khoảng 600 tầng chứa nước được chia sẻ bởi nhiều hơn hai quốc gia. Việc quản lý các nguồn tài nguyên xuyên biên giới cần phải có sự  hợp tác để đạt được các giải pháp quản lý và phát triển tài nguyên nước tối ưu cho tất cả các quốc gia trong lưu vực.  Hơn nữa, khan hiếm nước dài hạn, sự không chắc chắn về thủy văn và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt (lũ lụt và hạn hán) được coi là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sự thịnh vượng và ổn định toàn cầu. Hạn hán và khan hiếm nước càng làm trầm trọng thêm các xung đột và tính dễ bị tổn thương hiện nay. 
Những vấn đề về nước, không chỉ là vấn đề riêng của một cộng đồng, một quốc gia mà còn là những vấn đề chung của khu vực, có tính toàn cầu.

2. Tình hình tại Việt Nam.
Năm 2012, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Tài nguyên năm 2012. Luật đã tạo hành lang pháp lý khá đầy đủ, toàn diện trong quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trên phạm vi cả nước, góp phần phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, trong điều kiện tài nguyên nước phụ thuộc chủ yếu vào các quốc gia thượng lưu (với hơn 63% lượng nước hình thành bên ngoài lãnh thổ), chịu tác động mạnh mẽ, sâu sắc, phức tạp của biến đổi khí hậu và tình trạng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng… đã đặt ra nhiều áp lực, thách thức lớn với quản lý tài nguyên nước đối với Việt Nam. Nhiều chủ trương mới về quản lý tài nguyên và yêu cầu thực tiễn về bảo vệ, phục hồi để bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia đã được đặt ra, đòi hỏi nhiều quy định pháp luật cần được cập nhật, sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm tính thống nhất, toàn diện, hiệu quả để đáp ứng được các yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.
Việc phân tích, đánh giá, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế trong quản lý tài nguyên nước là một trong hoạt động cần thiết, giúp Việt Nam củng cố nguyên lý pháp lý về quản trị tài nguyên nước đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, đảm bảo an ninh nước cho tương lai và hài hòa với xu thế chung của thế giới.  

3. Xu hướng liên quan đến quản lý tài nguyên nước trên thế giới
Với áp lực của nhiều nước trên thế giời về tài nguyên nước, nhiều nước xây dựng chiến lược quản lý tài nguyên nước theo xu hướng sau:
Thứ nhất, thực hiện quản lý tài nguyên nước theo mục tiêu phát triển bền vững về nước (SDG6) và Khung tăng tốc toàn cầu SDG6
Mục tiêu phát triển bền vững số 6 (SDG6) là một trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, với nội dung chính thức là: “Đảm bảo sự sẵn có và quản lý bền vững nước và vệ sinh cho tất cả mọi người”. 
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, trong năm 2020, trên thế giới có khoảng 2 tỷ người đang sống ở các quốc gia đang căng thẳng về nước và không được tiếp cận với nguồn nước sạch an toàn, dự báo đến năm 2025 con số này sẽ tăng lên, khoảng 35% dân số thế giới rơi vào tình cảnh thiếu nước nghiêm trọng. 75 quốc gia báo cáo hiệu quả sử dụng nước dưới mức trung bình, trong đó có 10 quốc gia ở mức cực kỳ thấp. Các chuyên gia dự báo, tốc độ cải thiện tình hình hiện tại cần phải tăng gấp bốn lần mới có thể đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ toàn cầu SDG6 vào năm 2030. 
Những thách thức liên quan đến tài nguyên nước hiện tại và trong tương lai mà chúng ta phải đối mặt đòi hỏi sự phát triển và triển khai nhanh chóng của các ý tưởng sáng tạo và chuyển đổi. Ra mắt vào năm 2020, là một phần trong Thập kỷ hành động của Tổng thư ký Liên hợp quốc nhằm thực hiện các SDGs vào năm 2030, Khung tăng tốc toàn cầu SDG 6 huy động các cơ quan của Liên hợp quốc, các chính phủ quốc gia thành viên, xã hội dân sự, khu vực tư nhân và các bên liên quan khác trong 5 lĩnh vực xuyên suốt gồm:
1. Tài trợ - Tài chính tối ưu hóa là điều cần thiết để có được các nguồn lực cho các kế hoạch quốc gia.
2. Dữ liệu và thông tin - Dữ liệu và thông tin nhắm đến các nguồn lực và đo lường tiến độ.
3. Tăng cường năng lực - Lực lượng lao động có kỹ năng tốt hơn sẽ cải thiện mức độ dịch vụ và tăng khả năng tạo, duy trì việc làm trong ngành nước.
4. Đổi mới - Các phương pháp và công nghệ mới, thông minh sẽ cải thiện việc quản lý tài nguyên nước và vệ sinh cũng như cung cấp dịch vụ.
5. Quản trị - Sự hợp tác giữa các ranh giới và lĩnh vực sẽ giúp SDG6 trở thành công mối quan tâm và phát triển chung của mọi người.
Hai là, bảo đảm an ninh nguồn nước
Thế giới hiện đang phải đối mặt với nhiều vấn đề toàn cầu như khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, phổ biến vũ khí hủy diệt, thảm họa thiên tai, thảm họa môi trường sinh thái, nghèo đói và dịch bệnh, cạn kiệt tài nguyên, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh mạng… Trong đó bảo đảm an ninh nguồn nước được các quốc gia đặc biệt quan tâm, do tầm quan trọng quyết định sinh kế và ổn định cuộc sống của người dân, góp phần phát triển bền vững của đất nước. Thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy lượng nước bình quân đầu người của thế giới đang suy giảm nghiêm trọng tại nhiều quốc gia, nếu vào năm 1962, lượng nước bình quân đầu người của thế giới ở mức 14.000 m3, đã giảm xuống 6.000m3 vào năm 2017. Ngay tại các quốc gia phát triển như nước Mỹ, nhiều dòng sông không còn đủ khả năng cung cấp nước ngọt cho các thành phố, vùng canh tác nông nghiệp, mực nước ngầm đang ngày càng bị hạ thấp. Khu vực Trung Đông, trong điều kiện không xảy ra hạn hán, lượng mưa ở mức bình thường, tình trạng khan hiếm nước ngọt vẫn gia tăng ở nhiều quốc gia. Khu vực Nam Á luôn thường trực tình trạng mất an ninh nguồn nước, điển hình như tại các quốc gia Ấn Độ, Ápganixtan, Pakixtan, Bănglađét. Bùng nổ dân số và gia tăng các hoạt động phát triển tại các quốc gia thuộc tiểu vùng lưu vực sông Mê Công đang tác động lớn đên môi trường và hệ sinh thái nước... Kết quả đánh giá cho thấy, có trên 1/3 số quốc gia trên thế giới đang bị thiếu nước, ước tính đến năm 2025, khoảng 1,8 tỷ người sẽ sống ở các khu vực hoặc quốc gia khan hiếm nước tuyệt đối. Dự báo đến năm 2050, để duy trì sự sống cho 9 tỷ người, cần tăng 60% sản lượng nông nghiệp, tương ứng cần tăng 15% nhu cầu về nước. 
Nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa an ninh nguồn nước vào nhóm vấn đề ưu tiên trong xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở cấp quốc gia và lưu vực sông. Cùng với hội nhập kinh tế toàn cầu, các quốc gia cũng chú trọng mở rộng mối quan hệ song phương, đa phương nhằm phân phối công bằng, quản lý và giải quyết các tranh chấp hoặc xung đột có thể phát sinh liên quan đến nước, nhằm mang lại các lợi ích mà một quốc gia riêng lẻ không thể có được.
An ninh nguồn nước không chỉ là vấn đề của một quốc gia mà đã trở thành vấn đề toàn cầu. An ninh nguồn nước vừa là mục tiêu vừa là giải pháp trong sự phát triển chung của nhân loại.
Ba là, quản lý vòng tuần hoàn nước
Nước, nguồn gốc của sự sống, luân chuyển liên tục trên mặt đất, trong lòng đất và trong bầu khí quyển của Trái Đất, đã tiếp tục mang lại lợi ích to lớn cho nhiều hệ sinh thái bao gồm cả con người. Nước tương tác với không khí, đất và các yếu tố tự nhiên khác của môi trường cũng như đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của công nghiệp và văn hóa làm phong phú thêm đời sống con người trong quá trình lưu thông của nó.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, vòng tuần hoàn nước đã bị biến đổi do nhiều yếu tố, ví dụ sự tập trung dân số tại các đô thị, sự thay đổi cơ cấu các ngành kinh tế (đặc biệt là công nghiệp), sự thay đổi khí hậu do sự nóng lên toàn cầu…; làm gia tăng các vấn đề như hạn hán, lũ lụt, ô nhiễm nước, suy thoái hệ sinh thái…
Trong những trường hợp này, điều không thể thiếu là thúc đẩy các chính sách toàn diện để duy trì hoặc khôi phục vòng tuần hoàn nước lành mạnh. Chính với lý do này, năm 2014, Nhật Bản đã ban hành đạo luật cơ bản về vòng tuần hoàn nước để làm rõ các nguyên tắc cơ bản của các chính sách đối với vòng tuần hoàn nước và thúc đẩy các chính sách này một cách tổng hợp và thống nhất. 
Đạo luật cơ bản về vòng tuần hoàn nước của Nhật Bản xác định 05 nguyên tắc cơ bản, bao gồm: (1) Nước duy trì sự sống trên Trái đất và đóng vai trò quan trọng đối với đời sống con người và các hoạt động công nghiệp trong quá trình luân chuyển nước lành mạnh, cần phải khuyến khích, thúc đẩy các giải pháp tích cực để duy trì hoặc phục hồi nó. (2) Nước là tài sản công có giá trị thuộc sở hữu chung của mọi người, phải đảm bảo rằng tất cả mọi người đều có thể hưởng lợi từ nguồn nước thông qua việc sử dụng hợp lý trong tương lai. (3) Khai thác sử dụng nước phải đi đôi với bảo vệ, tránh và giảm thiểu ảnh hưởng đến vòng tuần hoàn nước lành mạnh. (4) Bất kỳ hiện tượng nào xảy ra trong quá trình tuần hoàn của nước đều tác động đến chu kỳ tiếp theo, do đó cần phải được kiểm soát một cách tổng hợp và thống nhất trên các lưu vực sông. (5) Việc duy trì hoặc khôi phục vòng tuần hoàn nước lành mạnh là nhiệm vụ chung của nhân loại, các hoạt động cần phải được thực hiện với sự hợp tác quốc tế.
Bên cạnh quy định việc xây dựng, ban hành Kế hoạch tổng thể về vòng tuần hoàn nước, Đạo luật cơ bản về vòng tuần hoàn nước cũng đã quy định 8 chính sách cơ bản để triển khai quản lý vòng tuần hoàn nước, bao gồm: (1) Duy trì, cải thiện các chức năng lưu trữ và bảo tồn nước. (2) Hướng đến việc sử dụng nguồn nước và các giá trị liên quan một cách hiệu quả. (3) Hợp tác lưu vực sông. (4) Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ nguồn nước. (5) Các giải pháp để khuyến khích, tăng cường sự tham gia của khối tư nhân. (6) Các yêu cầu để thông qua các chính sách về vòng tuần hoàn nước. (7) Thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ. (8) An ninh và tăng cường hợp tác quốc tế.
Trên cơ sở quy định khung của Đạo luật cơ bản về vòng tuần hoàn nước, Nhật Bản đã ban hành Kế hoạch cơ sở về vòng tuần hoàn nước (Basic Plan on Water Cycle) tháng 6/2020.
Bốn là, thực hiện kinh tế tuần hoàn nước
Các tổ chức quốc tế, chính phủ, chính quyền địa phương, các công ty cấp nước và các ngành công nghiệp sử dụng nhiều nước đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chuỗi cung cấp nước đầy đủ và an toàn. Nhưng để đạt được Mục tiêu phát triển bền vững số 6 của Liên hợp quốc về nước sạch và vệ sinh, Liên minh châu Âu đã có rất ít hoặc không có tiến bộ trong 5 năm qua.
Ngoài ra, khi nói đến nguồn nước sẵn có, khoảng 30% dân số Châu Âu bị ảnh hưởng bởi căng thẳng về nước trong một năm trung bình. Biến đổi khí hậu dự kiến sẽ làm vấn đề trở nên trầm trọng hơn, với các đợt hạn hán ngày càng gia tăng về tần suất, cường độ và tác động. Với việc không ưu tiên chất lượng nước ở Liên minh châu Âu và tình trạng khan hiếm nước ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu, Liên minh châu Âu đã lựa chọn hành động khẩn cấp để đảm bảo quản lý tài nguyên nước theo cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn.
Trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, kinh tế tuần hoàn hướng đến các mục đích sau.
- Giảm tiêu thụ nước thông qua quản lý và tiết kiệm nước, sử dụng nước hiệu quả;
- Tái sử dụng nước cho mục đích khác mà không cần xử lý;
- Tái chế nước cho các mục đích sử dụng được và không uống được;
- Thu hồi nguyên liệu từ nước thải, bao gồm tạo ra năng lượng tái tạo và thu hồi nguyên liệu;
- Tái tạo vốn tự nhiên bằng cách giảm sử dụng nước tiêu hao và không tiêu hao.
Theo lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn của Liên minh Châu Âu, nhiều ngành kinh tế và các công ty đang bắt đầu triển khai các mô hình kinh doanh, sản xuất theo nền kinh tế tuần hoàn nhằm giảm tiêu thụ nước, tái sử dụng và tái chế nước và nước thải, đồng thời thu hồi vật liệu, bao gồm cả nhiệt và khoáng chất. Họ cũng tìm kiếm các giải pháp để giảm thiểu tình trạng khan hiếm nước, tránh suy thoái môi trường và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

TTBD

 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK