HỎI – ĐÁP DÀNH CHO ĐẠI BIỂU DÂN CỬ THÁNG 1 – SỐ 1
Cập nhật : 14:52 - 06/02/2023
HỎI – ĐÁP DÀNH CHO ĐẠI BIỂU DÂN CỬ THÁNG 1 – SỐ 1

Câu hỏi: Quyền sở hữu trí tuệ là gì?
Trả lời: 
Theo Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 (Luật Sở hữu trí tuệ), quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, gồm 3 nhóm quyền chính, chủ thể các quyền này có thể là cá nhân, tổ chức.
Trong đó, quyền tác giả và quyền liên quan được xem là hai trong số nhiều khái niệm quen thuộc, thường được nhiều người sử dụng nhất. Tại Khoản 2 và khoản 3 Điều 4 sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ định nghĩa như sau:
“2. Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
3. Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.”
Theo đó, có thể hiểu, quyền tác giả là các quyền đối với tác phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học, thể hiện dưới bất cứ hình thức nào. Quyền liên quan đến quyền tác giả là các quyền đối với cuộc biểu diễn, chương trình phát sóng, bản ghi âm, ghi hình, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
Ngoài ra, một vấn đề cần lưu ý trong quyền sở hữu trí tuệ là phân biệt khái niệm chủ sở hữu và người tạo ra tài sản trí tuệ. Hai đối tượng này không phải luôn đồng nhất. Đó là trường hợp người tạo ra tài sản trí tuệ là người sáng tạo, làm ra tài sản nhưng chủ sở hữu lại là người đặt hàng, trả tiền sản xuất, thử nghiệm, thậm chí đầu tư toàn bộ trang thiết bị phục vụ hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ đó.

Câu hỏi: Vì sao phải đăng kí bảo hộ càng sớm càng tốt?
Trả lời: 
Sở hữu trí tuệ là vấn đề pháp lý đầu tiên mà các doanh nghiệp phải đặc biệt quan tâm. Trước khi đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp có thể đăng ký nhãn hiệu, đăng ký bản quyền, đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp dưới danh nghĩa cá nhân để ngăn chặn việc đánh cắp ý tưởng…
Do vậy, việc đăng ký bảo hộ đối với ý tưởng của mình, dù là dưới hình thức nào, nên được thực hiện càng sớm càng tốt.
Điều 90 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 quy định về nguyên tắc nộp đơn đầu tiên như sau:
“Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký các sáng chế trùng hoặc tương đương với nhau, các kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc không khác biệt đáng kể với nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho sáng chế hoặc kiểu dáng công nghiệp trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.”
Theo đó, người nào nộp đơn trước thì người đó được ưu tiên cấp văn bằng. Các trường hợp nộp đơn sau thường không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ, thậm chí nhiều trường hợp chậm nộp đơn bảo hộ, để cho đối thủ cạnh tranh nộp đơn và xác lập quyền sở hữu trí tuệ trước, gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp.

Câu hỏi: Luật Sở hữu trí tuệ quy định như thế nào về “tiền bản quyền”?
Trả lời: 
Tại Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi 2009, 2019 đều không có định nghĩa cụ thể về tiền bản quyền dù đây là thuật ngữ được sử dụng rất thường xuyên trong thực tế.
Do đó, tại Luật sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đã chính thức đưa ra định nghĩa về tiền bản quyền:
“Tiền bản quyền là khoản tiền trả cho việc sáng tạo hoặc chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, bao gồm cả tiền nhuận bút, tiền thù lao.”
Hiện nay, quy tắc xác định nhuận bút, thù lao… liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan đang được quy định cụ thể tại khoản 4 Điều 43 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP như sau:
- Bảo đảm lợi ích của người sáng tạo, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng và công chúng hưởng thụ, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước;
- Mức tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất được xác định dựa trên thể loại, hình thức, chất lượng, số lượng hoặc tần suất khai thác, sử dụng; và được quy định trong hợp đồng bằng văn bản theo quy định;
- Các đồng chủ sở hữu thỏa thuận về tỷ lệ phân chia tiền nhuận bút, thù lao theo mức độ sáng tạo, phù hợp với hình thức khai thác, sử dụng.
Ngoài ra, việc thu, phân chia các quyền lợi vật chất thực hiện theo quy định tại Điều lệ hoạt động của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan và văn bản ủy quyền của chủ sở hữu quyền đó có thỏa thuận về việc phân chia các quyền lợi vật chất...

Câu hỏi: Cơ quan nào có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả?
Trả lời: 
Theo khoản 1 Điều 35 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP, chỉ Cục bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thẩm quyền cấp, cấp lại, đổi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan; thay vì rất nhiều cơ quan có cùng thẩm quyền như trước đây.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện, Điều 41 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP cũng quy định các Giấy chứng nhận trước đó do Hãng Bảo hộ quyền tác giả Việt Nam, Cơ quan Bảo hộ quyền tác giả Việt Nam, Cục Bản quyền tác giả Văn học - Nghệ thuật, Cục Bản quyền tác giả cấp vẫn được duy trì hiệu lực.
Thời gian cấp Giấy chứng nhận là 15 ngày làm việc. Riêng với trường hợp cấp đổi, thời gian cấp được rút ngắn, chỉ còn 12 ngày; trường hợp cấp lại, thời gian rút xuống 07 ngày.
Không chỉ vậy, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 cũng đã bổ sung thêm hình thức nộp hồ sơ là có thể nộp online qua Cổng dịch vụ công trực tuyến hoặc nộp qua bưu điện thay vì phải nộp trực tiếp như quy định hiện hành.


TTBD

 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK