MỘT SỐ QUY ĐỊNH TRONG HỆ THỐNG PHÁP LUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM HIỆN NAY VỀ XÂY DỰNG NỀN KINH TẾ ĐỘC LẬP, TỰ CHỦ (PHẦN 3)
Cập nhật : 8:53 - 28/09/2020
Về lĩnh vực pháp luật tài chính, năm 2015, cùng với việc sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế giá trị gia tăng, thuế Tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế cũng đã góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp chủ động trong đầu tư phát triển sản xuất nâng cao năng lực cạnh tranh khi thời điểm thực hiện việc giảm dần tiến tới bỏ hàng rào thuế quan theo các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế đang tới gần, nhất là đối với lĩnh vực nông - thủy hải sản. Hệ thống VNACCS/VCIS (Hệ thống thông quan tự động và cơ chế một cửa quốc gia) đã được triển khai tại 34/34 Cục Hải quan tỉnh, thành phố trên toàn quốc, cho phép sử dụng chứng từ điện tử có gắn chữ ký số để khai báo hải quan qua mạng internet, thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn xuống còn 3 giây; Thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối chính thức với 10 Bộ và một cửa ASEAN, qua đó giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, đẩy mạnh hiệu quả kinh doanh và nâng cao tiềm lực kinh tế quốc gia. Theo Báo cáo môi trường kinh doanh – Doing business 2019 (DB2019) do Ngân hàng thế giới (WB) công bố, Chỉ số Nộp thuế (Paying Taxes) của Việt Nam là 62,87 tăng 1,25 điểm so với báo cáo lại của DB 2018. Đây là năm thứ 5 liên tiếp các cải cách về thuế được ghi nhận trong Báo cáo Môi trường kinh doanh. WB ghi nhận cải thiện trong chỉ số nộp thuế qua việc nộp thuế dễ dàng hơn bằng cách không còn đòi hỏi phải nộp bản sao cứng của tờ khai thuế giá trị gia tăng và cho phép thanh toán chung thuế môn bài và thuế giá trị gia tăng. Đồng thời, WB cũng ghi nhận Việt Nam cũng nộp thuế ít tốn kém hơn bằng cách giảm sự đóng góp của chủ doanh nghiệp cho quỹ lao động (bảo hiểm xã hội). 

Mặt khác, để đảm bảo nền kinh tế luôn chủ động và có tiềm lực cần thiết để độc lập tự chủ, trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Bộ Tài chính đã chủ động, tích cực nắm bắt những biến động của nền kinh tế, rà soát và hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính. Trên cơ sở đó, Luật Ngân sách nhà nước với nhiều điểm sửa đổi, bổ sung, đã được Quốc hội thông qua vào năm 2015. Nội dung luật đã tiệm cận và quy định rõ hơn vấn đề về bội chi và phạm vi bội chi ngân sách nhà nước; hạn chế được sự trùng lắp và phản ánh đúng bản chất các khoản vay, phù hợp với thông lệ quốc tế; tăng cường tính minh bạch, tạo điều kiện hội nhập tốt hơn cũng như tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước. 

Bên cạnh đó, để thực hiện mục tiêu kinh tế độc lập, tự chủ, thời gian qua, Nhà nước Việt Nam đã xây dựng hành lang pháp lý, tạo điều kiện hình thành tương đối đầy đủ các loại thị trường ở nước ta như thị trường hàng hóa và dịch vụ, thị trường lao động, thị trường vốn, thị trường bất động sản, thị trường khoa học và công nghệ…. Tuy vậy, đối chiếu với một nền kinh tế thị trường vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, hiện đại và hội nhập quốc tế và tiềm năng, thế mạnh của nền kinh tế nước ta thì nhìn một cách tổng quát, hệ thống pháp luật hiện nay còn nhiều bất cập, chưa phát huy hết được tiềm năng của các loại thị trường tại Việt Nam. Ví như ở thị trường lao động, chính sách tiền công, tiền lương trên thị trường lao động còn nhiều bất cập. Chính sách tiền lương tối thiểu ở mức thấp, không đồng đều. Tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức khu vực nhà nước chưa phù hợp với vị trí làm việc, chức danh và hiệu quả công tác. Cơ chế, chính sách về quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động và doanh nghiệp chưa phù hợp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế thị trường. Hệ thống thông tin, tổ chức trung gian, môi giới về người lao động và người sử dụng lao động đều không đầy đủ và có độ tin cậy thấp, các tổ chức trung gian trên thị trường lao động (sàn giao dịch, trung tâm dịch vụ việc làm...) hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa thực sự làm vai trò kết nối cung - cầu lao động.

Thị trường bất động sản chịu sự chi phối và can thiệp thiếu hiệu quả của Nhà nước. Tình trạng thông tin thiếu minh bạch vẫn tồn tại trên thị trường bất động sản, đặc biệt là thông tin về giá đất. Một số cơ chế, chính sách đối với thị trường bất động sản còn nhiều bất cập, như có sự khác biệt về giá đất cho các đối tượng sử dụng; cơ chế đổi đất lấy hạ tầng chưa tính toán hết được giá trị tương lai của đất; nhiều tổ chức, doanh nghiệp nhà nước sử dụng lãng phí đất được giao. Chính sách thu hồi đất nông nghiệp để đô thị hóa, chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng ở nhiều nơi chưa hợp lý, gây khiếu kiện kéo dài. 

Đối với thị trường tài chính, mức độ lành mạnh của hệ thống ngân hàng còn thấp. Thể chế cho sự phát triển của thị trường tiền tệ chưa hoàn thiện, còn thiếu những tổ chức trung gian, những nhà môi giới tiền tệ chuyên nghiệp trên thị trường.

Trên thị trường khoa học - công nghệ, các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp công nghệ cao còn ít, thiếu định chế trung gian (tổ chức trung gian, môi giới; tổ chức thẩm định, đánh giá công nghệ; tổ chức tư vấn pháp lý...) để kết nối cung - cầu trên thị trường khoa học - công nghệ. Việc quản lý về tài chính, nhân lực đối với các tổ chức khoa học và công nghệ còn mang nặng tính hành chính, chưa phù hợp với đặc điểm lao động của nhà khoa học, chưa phát huy được khả năng nghiên cứu, sáng tạo của đội ngũ này. Cơ chế, chính sách phát triển các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư đổi mới công nghệ chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng được nhu cầu về vốn cho đầu tư đổi mới công nghệ.
 
Kết luận
Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ là một thử thách lớn trong bối cảnh mở cửa, hội nhập quốc tế, trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế, thị trường thế giới là một thể thống nhất, lại đứng trước cả yêu cầu quốc phòng gay gắt. Ðây là cuộc phấn đấu gian nan, đòi hỏi phải có ý thức chính trị đúng đắn, trình độ hiểu biết các quy luật kinh tế sâu sắc để có những chính sách, biện pháp tổ chức quản lý và bước đi khôn ngoan. Sau hơn 30 năm đổi mới, đã đến lúc Đảng và nhà nước ta cần nhìn nhận, đánh giá lại công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ của nước nhà.

Nguyên tắc cơ bản và bao trùm trong hội nhập quốc tế là bảo đảm giữ vững độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường. Trong hội nhập quốc tế, phải vừa hợp tác vừa đấu tranh, vừa kiên quyết vừa mềm dẻo để tranh thủ được thời cơ và hạn chế nguy cơ, bảo vệ lợi ích chính đáng của đất nước, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Đương nhiên, trong tình hình thế giới phức tạp như hiện nay, chúng ta chủ động và tích cực hội nhập, bảo đảm thực hiện các cam kết trong các quan hệ song phương và đa phương, nhưng phải luôn đề cao cảnh giác trước các thế lực thù địch. Thực tiễn cho thấy, điều cơ bản có tính chất quyết định để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ là phải phát huy được nội lực, tranh thủ ngoại lực, tạo thành quốc lực mạnh. Để có quốc lực mạnh, một trong những yếu tố quan trọng là phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp ổn định và phát triển hoạt động kinh doanh. Có như thế việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ của quốc gia mới có thể thành công./.

Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng;
2. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013;
3. Luật doanh nghiệp 
4. Luật đầu tư
5. Luật thuế giá trị gia tăng
6. Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt
7. Luật Quản lý thuế 
8. Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2018
9. Luật ngân sách nhà nước năm 2015
10.http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su/2018-11-01/wb-viet-nam-xep-thu-69-190-ve-moi-truong-kinh-doanh-2019-63771.aspx 

 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK