MỘT SỐ QUY ĐỊNH TRONG HỆ THỐNG PHÁP LUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM HIỆN NAY VỀ XÂY DỰNG NỀN KINH TẾ ĐỘC LẬP, TỰ CHỦ (PHẦN 1)
Cập nhật : 17:23 - 25/09/2020
Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế đang diễn ra như một xu thế khách quan, vấn đề xây dựng kinh tế độc lập tự chủ với những nội dung mới càng được đặt ra một cách nghiêm túc và bức thiết. Độc lập tự chủ là khát vọng ngàn đời của dân tộc Việt Nam, trải qua biết bao thử thách, hy sinh, nhân dân ta mới đánh đuổi được ngoại xâm, giành được độc lập dân tộc và ngày nay đang bằng mọi nỗ lực cao nhất của mình để phấn đấu giữ vững mục tiêu cao cả này. Một trong những yếu tố quan trọng để giữ vững độc lập tự chủ quốc gia là chúng ta cần xây dựng và phát triển một nền kinh tế độc lập tự chủ. Đảng ta trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề này và quan điểm về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ đã được đề cập đến trong nhiều Nghị quyết quan trọng của Đảng, đặc biệt từ đại hội IX đến nay. Tại đại hội IX, Đảng ta đã xác định: "Ðường  lối kinh tế của Ðảng ta là: đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp; ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất, đồng thời xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp theo định hướng XHCN; phát huy cao độ nội lực đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững; tăng trưởng kinh tế đi liền với phát triển văn hóa, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh". 

1. Thế nào là nền kinh tế độc lập tự chủ?
Trước đây, khi nói đến nền kinh tế độc lập tự chủ người ta thường liên tưởng tới một nền kinh tế biệt lập, khép kín, ít giao lưu hợp tác với bên ngoài, trong đó phải có đủ các ngành kinh tế, phải có cơ cấu kinh tế hoàn chỉnh hoặc tương đối hoàn chỉnh, phải tự đảm bảo được mọi nhu cầu trong nước, hay ít nhất phải là những nhu cầu thiết yếu. Và chỉ với nền kinh tế như vậy, chủ quyền quốc gia mới được đảm bảo, mới không bị lệ thuộc vào bên ngoài và mới tự quyết định được các vấn đề của đất nước.  
Ngày nay, khi mà xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành xu thế tất yếu trong đó nền kinh tế của mỗi quốc gia là một bộ phận của nền kinh tế thế giới thống nhất thì nền kinh tế độc lập tự chủ không thể là một nền kinh tế khép kín, tự cung tự cấp, thực hiện đóng cửa, không cần hội nhập với nền kinh tế thế giới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, nền kinh tế độc lập tự chủ cần được hiểu: đó là nền kinh tế không bị chi phối hay lệ thuộc vào nước khác, người khác, hoặc vào một tổ chức kinh tế nào đó về đường lối, chính sách phát triển kinh tế; có khả năng tận dụng được tối ưu các nguồn lực bên ngoài và bên trong cho sự phát triển bền vững của đất nước đồng thời có khả năng ứng phó một cách hiệu quả với những biến động của thị trường khu vực và thế giới.
Từ thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm của các nước trên thế giới, chúng ta nhận thấy rằng, để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, cần đảm bảo ba yếu tố: 

Một là, phải có đường lối, chính sách độc lập tự chủ về phát triển kinh tế - xã hội
Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng XHCN phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta và bối cảnh quốc tế; kết hợp chặt chẽ nội lực và ngoại lực thành nguồn lực tổng hợp, trong đó nội lực giữ vai trò quyết định ; có đường lối đối ngoại đúng đắn, tạo được môi trường thuận lợi để phát triển và bảo vệ chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc và ứng phó có hiệu quả với các tình huống phức tạp; đồng thời, chủ động hội nhập quốc tế và tranh thủ được tốt nhất thời cơ, thuận lợi, nguồn lực bên ngoài cho sự phát triển của đất nước.

Hai là, phải có thực lực và tiềm lực kinh tế đủ mạnh ở mức cần thiết
Toàn bộ nền sản xuất xã hội (tính theo giá trị) không chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của toàn xã hội mà còn có phần tích lũy cần thiết để thực hiện tái sản xuất mở rộng trên tổng thể nền kinh tế. Không có một tỷ lệ nhất định vốn trong nước mà chỉ dựa vào nguồn vốn bên ngoài, nhất là vốn vay, thì khó có thể có được độc lập tự chủ kinh tế và cũng không thể phát triển đất nước một cách bền vững. 

Ba là, xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô
Trong lĩnh vực này, vấn đề quan trọng là tạo ra môi trường thuận lợi về luật pháp và kinh tế để cho mọi tổ chức kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế đều được khuyến khích phát triển lâu dài, hợp tác, cạnh tranh bình đẳng và đều là bộ phận cấu thành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng, là một công cụ vĩ mô để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế. Có chính sách khuyến khích hình thành những doanh nghiệp mạnh với những sản phẩm có giá trị nội địa và sức cạnh tranh cao. Doanh nghiệp nhà nước phải được sắp xếp lại, hình thành nhanh những tập đoàn, những tổng công ty lớn kinh doanh đa ngành và thông qua cạnh tranh lành mạnh vươn lên giữ những vị trí then chốt, đi đầu trong ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao năng lực quản lý, nêu gương về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế - xã hội và chấp hành pháp luật. Trong quá trình hình thành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cần tạo lập đồng bộ các loại thị trường. Việc hoàn thiện đồng bộ các loại thị trường là yêu cầu khách quan, bức thiết, nhưng phải có bước đi thích hợp nhằm phát huy mặt tích cực và hạn chế các mặt tiêu cực, tạo ra sự năng động, hiệu quả cao, bền vững, cạnh tranh lành mạnh. Phạm vi và cơ chế hoạt động của mỗi loại thị trường cần có sự quản lý thích hợp của Nhà nước.

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng;
2. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013;
3. Luật doanh nghiệp 
4. Luật đầu tư
5. Luật thuế giá trị gia tăng
6. Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt
7. Luật Quản lý thuế 
8. Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2018
9. Luật ngân sách nhà nước năm 2015
10. http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su/2018-11-01/wb-viet-nam-xep-thu-69-190-ve-moi-truong-kinh-doanh-2019-63771.aspx 

 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK