ĐỀ XUẤT CHÍNH SÁCH TỪ HOẠT ĐỘNG TIẾP XÚC CỬ TRI CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TRONG KỶ NGUYÊN SỐ
Cập nhật : 16:20 - 25/09/2020
Trong thời đại đổi mới mạnh mẽ về công nghệ, trong đó có công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo thì đại biểu Quốc hội cũng cần xác định rõ vai trò của mình, trả lời câu hỏi: Thay đổi thế nào để sử dụng tốt nhất công nghệ cho một xã hội công nghệ? Câu trả lời đó là phải xây dựng đại biểu Quốc hội điện tử, đại biểu biết sử dụng công nghệ cho hoạt động của mình. 

1. Khuyến nghị chính sách hỗ trợ đại biểu Quốc hội trong tiếp xúc cử tri
Bên cạnh các cuộc tiếp xúc cử tri theo quy định của pháp luật do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tiến hành mỗi năm 4 lần thì đại biểu cần đa dạng các hình thức tiếp xúc cử tri để lắng nghe ý kiến người dân. Việc nghe ý kiến người dân không chỉ ở nơi đại biểu được bầu mà còn lắng nghe ý kiến người dân trong cả nước, bởi đại biểu đại diện cho nhân dân cả nước. 
Một số giải pháp được đề xuất là:
- Quốc hội cần xây dựng trang thông tin, trang mạng xã hội có tính giao tiếp hai chiều để cử tri phản ánh ý kiến của mình, đóng góp ý kiến cho hoạt động của Quốc hội. Quốc hội có trang duthaoonline.quochoi.vn là nơi đăng các dự thảo Luật, pháp lệnh, nghị quyết sẽ trình ra Quốc hội, nhưng chưa thực sự thu hút ý kiến cử tri, một dự án Luật khá có tác động tới đời sống là dự án Luật đầu tư công nhưng không có ý kiến người dân, ý kiến chuyên gia nào và mục thảo luận chính sách cũng không có nội dung gì. Một nghịch lý là nhiều diễn đàn trên mạng Internet thu hút rất nhiều ý kiến thảo luận của các thành viên nhưng trên trang chính thức cần lắng nghe ý kiến người dân thì lại ít thảo luận. Vì vậy, cần xây dựng một mạng xã hội để Quốc hội lắng nghe được ý kiến của cử tri.  
- Hướng dẫn đại biểu cách thức sử dụng mạng xã hội để tiếp thu, lắng nghe ý kiến cử tri. Ví dụ như trang facebook sử dụng ra sao, thế nào là fanpage, cách thức quản trị trang facebook, kỹ năng hồi đáp các ý kiến – comment, kỹ năng thu hút – kết bạn, kỹ năng điều tra, hỏi ý kiến thành viên… cách thức sử dụng mạng zalo. Đây là hai mạng khá nổi tiếng  ở Việt Nam đến thời điểm hiện nay. Bên cạnh trang thông tin cá nhân cần lập riêng trang thông tin với tư cách là đại biểu Quốc hội, nơi lắng nghe ý kiến cử tri. 
- Hướng dẫn đại biểu kỹ năng tham gia các diễn đàn, cách thức trao đổi thông tin, gợi mở vấn đề,… để lắng nghe được nhiều ý kiến.
- Cách thức lọc thông tin qua tìm hiểu về uy tín các thành viên, thông qua năm đăng ký làm thành viên, những thành viên mới có độ tin cậy thấp; sự công khai của thành viên về nhân thân; lịch sử các bài viết của thành viên, có những ý kiến khoa học, tâm huyết, khách quan; thành viên có trình độ về vấn đề được nêu ra thảo luận; … kiểm tra chéo thông tin về thành viên, về nội dung mà thành viên đăng trên thảo luận.

2. Một số góp ý trong việc Đại biểu đề xuất chính sách
Tạm phác họa quy trình đại biểu từ ý kiến cử tri đề xuất thành chính sách như sau:

- Ý kiến, kiến nghị của cử tri mới chỉ dừng ở “thông tin sơ khai”, có những thông tin đơn lẻ, cá biệt, để chuyển những thông tin này thành chính sách là một quá trình đòi hỏi đại biểu Quốc hội phải đầu tư công sức, trí tuệ và cả sự kiên trì.
Đại biểu tiếp nhận được rất nhiều thông tin khác nhau, các thông tin thường mang tính cá biệt, do đó khi có ý tưởng về một vấn đề nào qua tiếp xúc cử tri thì đại biểu cần thu thập thông tin trong phạm vi rộng hơn về mặt địa bàn, đối tượng. Ví dụ như qua tiếp xúc cử tri ở một số huyện trong tỉnh A có ý kiến đề nghị cần đổi mới cách thi tốt nghiệp phổ thông trung học để lựa chọn học sinh vào đại học. Đại biểu cần thu thập thông tin để biết việc đổi mới này là đòi hỏi của một vài huyện trong tỉnh A hay của khu vực nông thôn hay khu vực thành thị, ở miền núi và ở đồng bằng có chung ý kiến hay không, ngoài huyện trong tỉnh A còn có những tỉnh nào mà cử tri có chung kiến nghị. Để có thông tin, đại biểu có thể khảo sát thông qua điều tra xã hội học (thuê một đơn vị điều tra – sẽ tốn kém nhưng tính chính xác cao do lựa chọn được đối tượng hỏi điển hình; hay tự mình điều tra như cách đặt câu hỏi điều tra trên mạng internet – cách đơn giản, không tốn kém nhưng tính chính xác thấp do không phân tích được đối tượng điều tra). Cần xây dựng một trang web giúp đại biểu thu thập được thông tin từ nhiều người dân trên cả nước, ví dụ như mạng zalo hiện được phủ khắp tới mọi vùng. 
Đây là một mẫu điều tra trực tiếp trên mạng :



- Sau khi thu thập thì cần đánh giá thông tin về: tính phổ biển, việc này có xảy ra ở nhiều địa phương hay không; tính cần thiết, việc này có cần phải xử lý ở cấp Quốc hội hay không, từ đó phát hiện, lựa chọn vấn đề cần giải quyết. Việc đánh giá thông tin cần có bộ máy chuyên nghiệp và có thể có phần mềm phân tích dữ liệu.
- Xây dựng chính sách, tính hợp lý, tính phù hợp với hệ thống pháp luật; tính khả thi. Đại biểu nhận diện vấn đề chính sách cần giải quyết, xác định nguyên nhân của vấn đề chính sách, xác định mục tiêu chính sách và thiết kế phương án chính sách để giải quyết vấn đề. Lựa chọn sử dụng các công cụ phân tích thích hợp, ví dụ phân tích chi phí – lợi ích, phân tích chi phí – hiệu quả, đánh giá tác động đối với dự án luật. Để đại biểu xây dựng chính sách từ thông tin được đánh giá thì cần có chuyên gia về xây dựng pháp luật. 
- Bước cuối cùng là cách thức đưa chính sách vào nghị trường, trong thảo luận của Quốc hội. Với thời gian thảo luận rất ngắn, mỗi đại biểu được phát biểu 7  phút trước Quốc hội và có thể phát biểu nhiều hơn trong các cuộc họp Tổ đại biểu (Quốc hội Việt Nam mỗi kỳ họp chia nhóm khoảng 20-25 đại biểu thành một Tổ đại biểu để thảo luận về các nội dung trước khi thảo luận tại phiên họp Quốc hội). Như vậy, cần có cách thức truyền tải thông tin tới các đại biểu khác, tới cơ quan trình chính sách để thuyết phục được đại biểu thông qua chính sách được đề xuất. 

Trong thời đại đổi mới mạnh mẽ về công nghệ, trong đó có công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo thì đại biểu Quốc hội cũng cần xác định lại vai trò của mình, trả lời câu hỏi: thay đổi thế nào để sử dụng tốt nhất công nghệ cho một xã hội công nghệ. Câu trả lời đó là phải xây dựng đại biểu Quốc hội điện tử, đại biểu biết sử dụng công nghệ cho hoạt động của mình. Xin trích câu nói của một đại biểu Quốc hội “tôi đã từng sợ và ghét facebook, nhưng khi tôi tìm hiểu và sử dụng facebook thấy nó có những ích lợi, bây giờ tôi có hơn 14.000 người theo dõi facebook”, đó chính là cử tri điện tử của đại biểu điện tử. 

 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK