HỎI – ĐÁP DÀNH CHO ĐẠI BIỂU DÂN CỬ THÁNG 4 – SỐ 3
Cập nhật : 15:50 - 25/09/2020

Câu hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về vấn đề từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã; Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên Ủy ban nhân dân xã?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 84 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp xã là miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng ban, Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân xã; miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và các Ủy viên Ủy ban nhân dân xã, cụ thể:
- Người được Hội đồng nhân dân bầu nếu vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác mà không thể tiếp tục thực hiện được nhiệm vụ thì có thể xin từ chức;
- Đơn xin từ chức được gửi đến cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Hội đồng nhân dân bầu chức vụ đó. Cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Hội đồng nhân dân bầu chức vụ đó trình Hội đồng nhân dân miễn nhiệm người có đơn xin từ chức tại kỳ họp Hội đồng nhân dân gần nhất;
- Hội đồng nhân dân miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng ban, Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân;
- Hội đồng nhân dân miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng nhân dân; miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy viên Ủy ban nhân dân theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân;
- Kết quả miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phải được phê chuẩn theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi: Hội đồng nhân dân cấp xã thông qua dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo tại kỳ họp Hội đồng nhân dân theo trình tự nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 85 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Hội đồng nhân dân cấp xã thông qua dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo tại kỳ họp Hội đồng nhân dân theo trình tự sau đây:
Bước 1: Đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã trình dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo thuyết trình trước Hội đồng nhân dân;
Bước 2: Đại diện Ban của Hội đồng nhân dân được giao thẩm tra dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo trình bày báo cáo thẩm tra;
Bước 3: Hội đồng nhân dân thảo luận;
Bước 4: Trong quá trình thảo luận tại phiên họp toàn thể, chủ tọa có thể nêu những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định. Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng nhân dân yêu cầu cơ quan hữu quan báo cáo giải trình về những vấn đề mà đại biểu Hội đồng nhân dân quan tâm;
Bước 5: Hội đồng nhân dân biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo bằng cách biểu quyết từng vấn đề, sau đó biểu quyết toàn bộ hoặc biểu quyết toàn bộ một lần.

Câu hỏi: Hội đồng nhân dân biểu quyết bằng hình thức nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 91 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề tại phiên họp toàn thể bằng hình thức biểu quyết. Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền biểu quyết tán thành, không tán thành hoặc không biểu quyết. Đại biểu Hội đồng nhân dân không được biểu quyết thay cho đại biểu Hội đồng nhân dân khác.
Về hình thức biểu quyêt, Hội đồng nhân dân quyết định áp dụng một trong các hình thức biểu quyết sau đây:
- Biểu quyết công khai:
Về biểu quyết công khai, thông thường biểu quyết bằng cách giơ tay: Hội đồng nhân dân quyết định bằng cách giơ tay đối với các vấn đề như: thông qua chương trình làm việc, bầu Ban thẩm tra tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân…
- Bỏ phiếu kín:
Về biểu quyết bằng bỏ phiếu kín: Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 và Nghị quyết 85/2014/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nghiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn quy định rõ một số trường hợp việc biểu quyết phải được thực hiện bằng bỏ phiếu kín đó là:
+ Trường hợp Hội đồng nhân dân bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã, Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên khác của Ủy ban nhân dân cấp xã;
+ Trường hợp Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu;
Ngoài các trường hợp mà pháp luật đã có quy định cụ thể, Hội đồng nhân dân cũng có thể biểu quyết bằng bỏ phiếu kín đối với các vấn đề khác khi thấy cần thiết phải dùng hình thức bỏ phiếu kín.
- Biểu quyết bằng cách khác
Hiện nay, do công nghệ hiện đại, số lượng đại biểu Quốc hội nhiều, Quốc hội áp dụng hình thức bỏ phiếu bằng bấm nút, trên bàn của mỗi đại biểu Quốc hội có hệ thống phím bấm: tán thành – không tán thành – không biểu quyết. Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ít, việc áp dụng biểu quyết bằng giơ tay là phù hợp. 

Câu hỏi: Việc báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri ở cấp xã được quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 90 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, Hội đồng nhân dân cấp xã xem xét báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri ở xã.
Cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị hữu quan có trách nhiệm nghiên cứu, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri và báo cáo với Hội đồng nhân dân cấp xã kết quả giải quyết.
 Tại kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp trình Hội đồng nhân dân báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri ở địa phương trong cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Tại các kỳ họp sau kỳ họp thứ nhất, Thường trực Hội đồng nhân dân phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp trình Hội đồng nhân dân báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri ở địa phương; Thường trực Hội đồng nhân dân báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri ở địa phương đã được gửi đến Hội đồng nhân dân tại kỳ họp trước.
Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng nhân dân thảo luận và ra nghị quyết về việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Tham khảo:
1. Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015.
2. Luật số 47/2019/QH14 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2019.
3. Nghị quyết 85/2014/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nghiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn 


 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK