Gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức lao động quốc tế và những tác động đối với Việt Nam (Phần 2)
Cập nhật : 15:20 - 27/08/2020
Tác động về kinh tế - xã hội
Việc gia nhập và triển khai thực hiện Công ước số 98 sẽ tạo ra cơ sở pháp lý cho người lao động và người sử dụng lao động thiết lập các tiêu chuẩn lao động khác trong quan hệ lao động. Ví dụ đại diện của người lao động và người sử dụng lao động có thể thương lượng về tiền lương, thời gian làm thêm, thời gian nghỉ phép năm…Đây chính là nền tảng cho sự vận hành của thị trường lao động tại Việt Nam phù hợp với quy luật khách quan của kinh tế thị trường, không bị “lệch chuẩn”, rút ngắn thời gian định hình một mô hình quan hệ lao động “chuẩn”, giúp cho sự phát triển đi theo đúng hướng tiến tới xây dựng quan hệ lao động hiện đại ở Việt Nam. Việc gia nhập Công ước 98 sẽ giúp Việt Nam hội nhập bình đẳng với quốc tế thông qua các tiêu chuẩn lao động cơ bản, là cầu nối hữu cơ giữa quan hệ lao động của Việt Nam với quan hệ lao động ở các nước trên thế giới. Điều này rất cần thiết trong bối cảnh của Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế và thị trường lao động đang bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi hội nhập kinh tế quốc tế và tái cơ cấu nền kinh tế. 

Kinh nghiệm quốc tế và các nghiên cứu so sánh quốc tế cho thấy hệ thống quan hệ lao động hài hòa, ổn định và hiệu quả sẽ tạo ra lợi ích cho tất cả các bên liên quan. Khi tiếng nói của người lao động được người đại diện và công đoàn của họ chuyển tải qua cơ chế đối thoại thường xuyên và thương lượng tập thể sẽ giúp cho các quyết định kinh doanh trở nên có chất lượng hơn, phù hợp và hiệu quả hơn. Nó cũng giúp cho các cơ quan có thẩm quyền có thể thu nhận được những phản ánh, góp ý thường xuyên của đại diện người lao động và người sử dụng lao động. Điều này tốt cho doanh nghiệp và tốt cho việc quản trị thị trường lao động. 

Việc Việt Nam gia nhập và thi hành Công ước số 98 sẽ không làm tăng chi phí xã hội. Trong hệ thống các tiêu chuẩn lao động quốc tế có những tiêu chuẩn được gọi là tiêu chuẩn “cash standards” phân biệt với “core standards” ví dụ như tiêu chuẩn về tiền lương tối thiểu, về thời giờ làm việc, về bảo hiểm xã hội…Việc thi hành các tiêu chuẩn này đương nhiên sẽ phát sinh chi phí cho người sử dụng lao động, do vậy việc thi hành chúng phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện kinh tế - xã hội ở mỗi quốc gia khác nhau. Ngược lại, việc thi hành các tiêu chuẩn lao động quốc tế căn bản (core standards), trong đó có Công ước số 98 không làm phát sinh chi phí, không làm tăng giá thành lao động và không làm ảnh hưởng đến người sử dụng lao động. 

Có nhiều quan điểm khác nhau về ảnh hưởng của việc thi hành tiêu chuẩn lao động quốc tế căn bản, trong đó có Công ước số 98 đến khả năng thu hút  đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và ngược lại. Quan điểm thông thường cho rằng, các doanh nghiệp FDI được hấp dẫn bởi những quốc gia có điều kiện lao động thấp mà họ có thể tận dụng nguồn nhân công giá rẻ tại đó. Trên thực tế những quốc gia có điều kiện lao động thấp, những nơi mà các tiêu chuẩn lao động quốc tế căn bản chưa được thi hành không phải là những quốc gia thu hút được nhiều FDI nhất. Về mặt lý thuyết, điều kiện lao động thấp thường gắn liền với năng suất lao động thấp mà điều này không hề hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Mặt khác, khi xem xét địa điểm để đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài thường đánh giá cao quy mô và mức độ tăng trưởng của thị trường, sau đó đến sự ổn định về chính trị và xã hội, chất lượng của lực lượng lao động. Nhà đầu tư coi các yếu tố trên quan trọng hơn các yếu tố như tiêu chuẩn lao động thấp, chi phí lao động rẻ. Hơn thế nữa, việc thi hành các tiêu chuẩn lao động quốc tế còn góp phần tăng khả năng thu hút FDI của quốc gia.

Trong trường hợp tiêu chuẩn quy định tại Công ước số 98 về áp dụng quyền tổ chức và thương lượng tập thể, việc thi hành tiêu chuẩn này cho phép người lao động và người sử dụng lao động được tham gia nhiều hơn vào quá trình lập chính sách, tăng cường năng lực của người lao động trong quá trình thương lượng tập thể. Từ đó nâng cao tiếng nói của người lao động, tạo cơ chế bảo vệ người lao động tránh khỏi việc bị bóc lột, xây dựng quan hệ lao động ổn định, hài hòa, lành mạnh là một trong những cơ sở để duy trì sự ổn định về chính trị và xã hội của quốc gia – điều kiện tiên quyết để thúc đẩy kinh tế và thu hút FDI. 

Về mặt thực tế, các nghiên cứu thực nghiệm không tìm thấy được bất kỳ bằng chứng nào thể hiện mối liên hệ giữa tiêu chuẩn lao động thấp và sự tăng trưởng thông qua FDI. Mà ngược lại, việc vi phạm các tiêu chuẩn lao động quốc tế căn bản sẽ dẫn đến việc suy giảm FDI và làm giảm tăng trưởng của nền kinh tế. Tỷ lệ FDI thường cao hơn ở những quốc gia có điều kiện lao động tốt hơn, ở những quốc gia mà tiêu chuẩn lao động quốc tế được thi hành tốt hơn, những quốc gia mà quyền của người lao động được bảo vệ tốt hơn. Thực tế là FDI của các nước phát triển – nơi các tiêu chuẩn lao động quốc tế được thi hành tốt hơn – cao hơn FDI của các nước đang phát triển – nơi các tiêu chuẩn lao động quốc tế chưa được thi hành hoặc được thi hành chưa tốt. 

Nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy có mối quan hệ tích cực giữa việc tăng trưởng xuất khẩu với việc tăng cường thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản. Việc vi phạm các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản không những không tăng cường lợi thế so sánh quốc gia mà ngược lại làm giảm hiệu quả sản xuất, tăng chi phí và giảm năng suất lao động. Việc thi hành các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản sẽ thúc đẩy hiệu quả kinh tế, trong đó có xuất khẩu. Thực tế cũng cho thấy các quốc gia phát triển – nơi các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản được thi hành tốt hơn thì cũng chính là các quốc gia đang thống trị nền thương mại toàn cầu. 

Các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản là các quyền cơ bản của người lao động tại nơi làm việc, những quyền này gắn chặt với quyền con người được thừa nhận rộng rãi trên phạm vi toàn cầu. Tính đến thời điểm hiện nay, các nghiên cứu về tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản không những không tìm thấy tác động tiêu cực của việc thực hiện các tiêu chuẩn này đến khả năng cạnh tranh của quốc gia mà ngược lại những nghiên cứu đều chứng minh rằng việc áp dụng, thực hiện và thi hành tốt các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản góp phần ổn định kinh tế, xã hội, thúc đẩy khả năng cạnh tranh của quốc gia. 

Việc thi hành tiêu chuẩn về áp dụng quyền tổ chức và thương lượng tập thể trong Công ước số 98 là cơ sở để bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động cũng như của người sử dụng lao động, từ đó xây dựng hệ thống quan hệ lao động hài hòa, ổn định từ cấp cá nhân đến doanh nghiệp và cấp quốc gia. Thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản làm tăng cường khả năng cạnh tranh của quốc gia trên cả phương diện thu hút FDI và xuất khẩu. Đồng thời, thực hiện tiêu chuẩn này lâu dài sẽ góp phần xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao. Lực lượng lao động có chất lượng là tài sản, nguồn vốn quý giá nhất của mỗi quốc gia trong quá trình toàn cầu hóa.  

Tài liệu tham khảo:
1. Bản tin Quan hệ lao động số 29, Quý II/2019 của Trung tâm Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động.
2. Báo cáo số 152/BC-CP ngày 02/5/2019 của Chính phủ Về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK