Gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức lao động quốc tế và những tác động đối với Việt Nam (Phần 1)
Cập nhật : 15:19 - 27/08/2020
Ngày 14 tháng 6 năm 2019, tại kỳ họp thứ bảy Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 năm 1949 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về Quyền tổ chức và Thương lượng tập thể, khẳng định quyết tâm hội nhập và phát triển bền vững của Việt Nam.

Việc gia nhập Công ước số 98 được các đại biểu đánh giá là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước ta trong hội nhập quốc tế về lao động-xã hội, khẳng định quyết tâm và nỗ lực trong thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên ILO; đồng thời tạo thuận lợi cho việc tham gia Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU.

Gia nhập Công ước số 98 góp phần củng cố và tăng cường cơ sở pháp lý để người lao động và người sử dụng lao động thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể một cách thực chất, hiệu quả hơn, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Cơ chế thương lượng tập thể hiệu quả góp phần làm giảm thiểu tác động tiêu cực của toàn cầu hóa, tác động tích cực đến nâng cao năng suất lao động, giúp cho nền kinh tế phát triển bền vững và bảo đảm công bằng xã hội tốt hơn, góp phần ổn định an ninh-chính trị, kinh tế-xã hội.

Công ước 98 của ILO về quyền tổ chức và thương lượng tập thể
Quyền tổ chức và thương lượng tập thể (1949) Công ước số 98 được thông qua ngày 01 tháng 7 năm 1949 là một công ước của tổ chức lao động quốc tế. Đây là một trong tám công ước cơ bản của ILO thuộc khuôn khổ Tuyên bố năm 1998 về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động , trong đó bao gồm: tự do hiệp hội và công nhận hiệu quả của quyền thương lượng tập thể; xóa bỏ mọi hình thức lao động cưỡng bức và bắt buộc; xóa bỏ lao động trẻ em; xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp. Tất cả các quốc gia thành viên của ILO có nghĩa vụ tôn trọng và áp dụng các nguyên tắc được đề cập tới trong Tuyên bố 1998.

Công ước gồm 6 điều, 3 nội dung cơ bản của Công ước số 98 là:
1. Người lao động phải được hưởng sự bảo vệ thích đáng trước những hành vi phân biệt đối xử liên quan đến mọi khía cạnh việc làm của họ vì lý do tham gia thành lập, gia nhập hoặc hoạt động công đoàn hợp pháp (Điều 1). 
2. Các tổ chức của người lao động và của người sử dụng lao động phải được hưởng sự bảo vệ thích đáng chống lại mọi hành vi can thiệp của bên kia hoặc của những phái viên hay thành viên của bên kia trong quá trình thành lập, hoạt động hoặc điều hành hoạt động của mình (Điều 2). 
3. Xác lập nguyên tắc tự nguyện và thiện chí trong thương lượng tập thể, đồng thời nhắc tới trách nhiệm của nhà nước trong việc khuyến thích và thúc đẩy xây dựng cơ chế thương lượng tập thể được thực hiện một cách tự nguyện.

Tác động về chính trị, quốc phòng, an ninh
Tiêu chuẩn lao động quốc tế căn bản về áp dụng quyền tổ chức và thương lượng tập thể quy định trong Công ước số 98 thể hiện giá trị tiến bộ của nhân loại về lao động, phản ánh kết quả đấu tranh lâu dài của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam – là một quốc gia thành viên của Tổ chức Lao động Quốc tế. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, vấn đề bảo đảm quyền lợi của người lao động hài hòa với quyền lợi của người sử dụng lao động ngày càng được coi trọng trên cơ sở người lao động là người trực tiếp làm ra các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong thương mại nên họ cũng phải được hưởng lợi, chia sẻ thành quả lao động và được bảo đảm các điều kiện lao động cơ bản. Nếu Việt Nam gia nhập Công ước số 98 thì các giá trị tiến bộ của nhân loại về lao động được thi hành, góp phần duy trì sự tương hỗ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội và đặc biệt tăng cường lòng tin của người lao động vào Đảng, nhà nước, là cơ sở cốt lõi để ổn định chính trị - xã hội. 

Việc gia nhập Công ước số 98 của ILO sẽ góp phần củng cố và tăng cường cơ sở pháp lý để người lao động và người sử dụng lao động tiến hành thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể, tăng cường quan hệ lao động hài hòa, tạo ra môi trường lao động ổn định và có thể dự báo được các tác động bởi vì xung đột giữa người sử dụng lao động và người lao động có thể được giải quyết thông qua thương lượng tập thể và đối thoại xã hội để tìm ra giải pháp chung có lợi cho cả hai bên. Bên cạnh đó, nghiên cứu và kinh nghiệm của quốc tế cho thấy rằng đối thoại xã hội hiệu quả giúp doanh nghiệp và chính phủ đưa ra quyết định đúng đắn  và kịp thời hơn căn cứ trên những thông tin thường xuyên thu thập được được, giúp đảm bảo an ninh trong chính doanh nghiệp, địa phương và quốc gia. 

Hệ thống thương lượng tập thể minh bạch, hiệu quả góp phần làm cho phân chia thu nhập công bằng hơn ở cấp độ xã hội. Đây chính là chức năng quan trọng của quan hệ lao động. Trên thực tế việc hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu có xu hướng nới rộng khoảng cách giữa các thành phần kinh tế khác nhau và tăng biến động trong một xã hội, điều này có thể đe dọa sự gắn kết xã hội và bền vững lâu dài của phát triển kinh tế. Chính vì vậy, cơ chế thương lượng tập thể hiệu quả có thể làm giảm thiểu các tác động tiêu cực của toàn cầu hóa và hài hòa quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động. Quan hệ lao động ổn định, hài hòa có tác động tích cực đến nền kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa và góp phần đáng kể đảm bảo thực hiện tốt công bằng xã hội. Đây cũng chính là chủ trương đường lối mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, công bằng xã hội chính là một trong các yếu tố tiên quyết của một nền chính trị - an ninh ổn định, củng cố vững chắc niềm tin của người dân đối với chế độ xã hội chủ nghĩa.  

Với tư cách quốc gia thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), theo Tuyên bố năm 1998 của ILO về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, dù Việt Nam gia nhập hay chưa gia nhập đều phải có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện một cách có hiệu quả các quyền và nguyên tắc cơ bản này. Việc Việt Nam gia nhập Công ước số 98 sẽ là dấu mốc quan trọng, tăng cường cam kết chính trị của Việt Nam về việc thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ quốc gia thành viên ILO. Đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang hội nhập kinh tế - quốc tế một cách sâu rộng, đã tham gia vào Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và chuẩn bị tiến tới việc tham gia Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), việc gia nhập Công ước số 98 nói riêng và các Công ước cơ bản còn lại của ILO nói chung là một việc làm cần thiết trong thời điểm hiện nay. Hơn nữa , yêu cầu về việc tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế căn bản đồng thời yêu cầu thực hiện các nỗ lực một cách liên tục và chắc chắn tiến tới gia nhập các công ước cơ bản còn lại của ILO tiếp tục được nhắc lại tại Chương về Thương mại và phát triển bền vững tại Hiệp định EVFTA. Và trong Hiệp định CPTPP cũng có quy định các nước thành viên cam kết thông qua và duy trì trong luật và trên thực tế những tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản theo Tuyên bố năm 1998 của ILO.  

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo:
1. Bản tin Quan hệ lao động số 29, Quý II/2019 của Trung tâm Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động.
2. Báo cáo số 152/BC-CP ngày 02/5/2019 của Chính phủ Về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK