Khái quát nội dung chính của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng
Cập nhật : 10:55 - 27/08/2020
Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng là một điều ước quốc tế đa phương do các quốc gia và các tổ chức quốc tế thoả thuận xây dựng nên qua quá trình đàm phán. Mục tiêu của Công ước là hình thành một khuôn khổ pháp lý toàn cầu cho sự hợp tác giữa các quốc gia nhằm phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với tình trạng tham nhũng. 

Công ước là văn bản pháp lý quốc tế quan trọng bao gồm những quy định tương đối toàn diện về phòng chống tham nhũng và hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng. Các quy định của Công ước có nội dung phù hợp với những nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; phản ánh kinh nghiệm thực tiễn về phòng, chống tham nhũng ở nhiều châu lục trên thế giới, đặc biệt là châu Âu và châu Mỹ la tinh; phù hợp với tinh thần và nội dung của Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Việt Nam đã ký tháng 12/2000).

Công ước có cấu trúc pháp lý bình thường như cấu trúc pháp lý của tuyệt đại đa số điều ước quốc tế khác, được xây dựng dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, bao gồm phần đầu, phần trung tâm và phần kết. Cụ thể công ước gồm: Lời nói đầu, 8 chương và 71 điều, được thiết kế như sau:
Chương một: Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 4) quy định về: mục đích, sử dụng thuật ngữ, phạm vi áp dụng, bảo vệ chủ quyền.
Chương hai: Các biện pháp phòng ngừa (từ Điều 5 đến Điều 14) quy định về: chính sách và thực tiễn chống tham nhũng, cơ quan phòng, chống tham nhũng; khu vực công; quy tắc ứng xử cho công chức; mua sắm công và quản lý tài chính công; báo cáo công khai; các biện pháp liên quan đến hoạt động truy tố và xét xử; khu vực tư; tham gia của xã hội; các biện pháp chống rửa tiền.
Chương ba: Hình sự hóa và thực thi pháp luật (từ điều 15 đến điều 42) quy định về: hối lộ công chức quốc gia, hối lộ công chức nước ngoài hoặc công chức của tổ chức quốc tế công; tham mưu, biển thủ hoặc các dạng chiếm đoạt tài sản khác bởi công chức; lợi dụng ảnh hưởng để trục lợi, lạm dụng chức năng; làm giàu bất hợp pháp; hối lộ trong khu vực tư; biển thủ tài sản trong khu vực tư; tẩy rửa tài sản do phạm tội mà có; che giấu tài sản; cản trở hoạt động tư pháp; trách nhiệm của pháp nhân; đồng phạm, nỗ lực phạm tội; ý thức, ý định hoặc mục đích là các yếu tố cấu thành tội phạm; thời hiệu; truy tố, xét xử và chế tài; phong tỏa, tạm giữ và tịch thu; bảo vệ nhân chứng, chuyên gia và nạn nhân; bảo vệ người tố giác; hậu quả của hành vi tham nhũng; bồi thường thiệt hại; cơ quan chuyên trách; hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật; hợp tác giữa các cơ quan có thẩm quyền quốc gia; hợp tác giữa cơ quan chức năng quốc gia và khu vực tư nhân; bí mật ngân hàng; hồ sơ hình sự; quyền tài phán.
Chương bốn: Hợp tác quốc tế (từ điều 43 đến điều 50) quy định về: hợp tác quốc tế; dẫn độ; chuyển giao người bị kết án; tương trợ pháp lý; chuyển giao vụ án hình sự; hợp tác thực thi pháp luật; điều tra chung; kĩ thuật điều tra đặc biệt.
Chương năm: Thu hồi tài sản (từ điều 51 đến điều 59) quy định về: quy định chung; phòng ngừa và phát hiện việc chuyển tài sản do phạm tội mà có; các biện pháp thu hồi tài sản trực tiếp; các cơ chế thu hồi tài sản thông qua hợp tác quốc tế trong việc tịch thu; hợp tác quốc tế vì mục đích tịch thu; hợp tác đặc biệt; trả lại và định đoạt tài sản; đơn vị tình báo tài chính; thỏa thuận và dàn xếp song phương và đa phương.
Chương sáu: Hỗ trợ kĩ thuật và trao đổi thông tin (từ điều 60 đến điều 62) quy định về: đào tạo và hỗ trợ kĩ thuật; thu thập, trao đổi và phân tích thông tin về tham nhũng; các biện pháp khác: thực hiện Công ước thông qua phát triển kinh tế và hỗ trợ kĩ thuật.
Chương bảy: Các cơ chế thi hành công ước (từ điều 63 đến điều 64) quy định về hội nghị các quốc gia thành viên; ban thư ký.
Chương tám: Các điều khoản cuối cùng (từ điều 65 đến điều 71) quy định về: thực hiện công ước; giải quyết tranh chấp; ký, phê chuẩn, chấp nhận, phê duyệt và gia nhập; hiệu lực; sửa đổi; bãi bỏ công ước; lưu chiểu và ngôn ngữ. 

Tuy Công ước có khá nhiều nội dung phức tạp, tạo lập một khuôn khổ pháp lý nhằm thúc đẩy và tăng cường các biện pháp phòng và chống tham nhũng một cách hữu hiệu và hiệu quả hơn trên phạm vi toàn cầu; thúc đẩy, tạo điều kiện và hỗ trợ hợp tác quốc tế và trợ giúp kĩ thuật trong việc phòng và chống tham nhũng, kể cả việc thu hồi tài sản; thúc đẩy sự liêm chính, chế độ trách nhiệm và việc quản lý đúng đắn công vụ và tài sản công, nhưng nội dung cốt lỗi của Công ước vẫn tập trung vào 4 nhóm vấn đề cơ bản sau: các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; hình sự hóa và thực thi pháp luật; hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản do tham nhũng mà có.

Về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, Công ước dành Chương hai (từ điều 5 đến điều 14) để quy định các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Tham nhũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự sau khi có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm tham nhũng. Nhưng cộng đồng quốc tế đặt mục tiêu trước tiên và coi là yếu tố quan trọng bậc nhất đó là phải phòng ngừa tham nhũng. Các biện pháp phòng ngừa tại Chương hai của Công ước là những biện pháp được trực tiếp nghiên cứu chọn lọc, xây dựng dựa trên các nghiên cứu sâu sắc của các cơ quan, tổ chức, cá nhân các nước khác nhau về nguyên nhân gây ra tham nhũng. Những biện pháp này cần được áp dụng không chỉ trong khu vực công mà còn cả trong khu vực tư. Để phòng ngừa được tham nhũng, Công ước kêu gọi các nước thành viên công ước phải có giải pháp thích hợp để vận động, lôi kéo toàn xã hội tham gia vào hoạt động phòng ngừa tham nhũng.

Về vấn đề hình sự hóa các hành vi tham nhũng, Công ước yêu cầu các nước thành viên phải quy định là tội hình sự cho tất cả các hành vi tham nhũng và các hành vi khác liên quan nếu pháp luật hình sự của nước thành viên đó chưa có các quy định như vậy. Trong trường hợp pháp luật hình sự trong nước đã có quy định nhưng khác với quy định của Công ước thì nước đó cần cân nhắc để có sự điều chỉnh pháp luật nước mình cho phù hợp. So sánh với các văn kiện pháp lý quốc tế liên quan trước đây đã có, Công ước không chỉ yêu cầu hình sự hóa các hành vi tham nhũng cơ bản như hối lộ công chức nhà nước, tham ô, biển thủ tài sản công…mà còn yêu cầu hình sự hóa tất cả các hành vi biểu hiện tham nhũng kiểu mới như lạm dụng ảnh hưởng trong thi hành cũng công vụ vì vụ lợi, giả mạo trong công tác vì vụ lợi, nhũng nhiễu vì vụ lợi. Công ước cũng yêu cầu các nước thành viên cam kết quy định là tội hình sự đối với các vi phạm liên quan đến hành vi hỗ trợ tham nhũng, kể cả hành vi rửa tiền, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi tham nhũng…

Về hợp tác quốc tế giữa các thành viên, Công ước yêu cầu các nước thành viên phải có sự hợp tác chặt chẽ ở mức độ rộng nhất với các nước thành viên khác trong hoạt động phòng, chống tham nhũng, bao gồm cả hợp tác vì phòng ngừa, hợp tác trong điều tra, truy tố kẻ phạm tội. Các nước thành viên phải sẵn sàng thực hiện các hoạt động tương trợ pháp lý và tư pháp cho nhau trong các lĩnh vực hình sự, kinh tế, thương mại, dân sự theo yêu cầu cụ thể, chuyển cho nhau các chứng cứ phạm tội để sử dụng tại phiên tòa xét xử tội tham nhũng, dẫn độ cho nhau kẻ phạm tội tham nhũng để cung cấp chứng cứ hoặc truy tố hình sự vì tội tham nhũng. Ngoài ra, các nước cũng phải có các quy định pháp luật để có thể tiến hành các hoạt động tịch thu, tạm giữ, kê biên các tài sản do tham nhũng mà có. Việc phát hiện, thu giữ và hoàn trả tài sản do tham nhũng mà có cho chủ sở hữu tài sản đó được Công ước coi là nguyên tắc quan trọng và yêu cầu các nước thành viên phải hợp tác với nhau ở mức độ rộng nhất có thể. Trong trường hợp có hành vi tham ô, biển thủ tài sản công được phát hiện, thì tài sản công đó phải được trả lại cho nhà nước chủ sở hữu tài sản, kể cả khi tài sản đó đã bị chuyển ra nước ngoài hoặc làm biến dạng nó dưới các hình thức khác nhau.

Tài liệu tham khảo:
1. Văn bản Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng.
2. Thanh tra Chính phủ, UNDP, "Thực thi công ước Liên hợp Quốc về chống tham nhũng ở Việt Nam: Những vấn đề lý luận và thực tiễn", NXB Lý luận chính trị, 2015.
3. Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng và khả năng đáp ứng của Việt Nam 
(https://luatminhkhue.vn/cong-uoc-lien-hop-quoc-ve-chong-tham-nhung-va-kha-nang-dap-ung-cua-viet-nam.aspx).

 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK