Thực trạng về thanh niên kỹ năng thấp ở Việt Nam
Cập nhật : 16:04 - 27/12/2019

Mặc dù tăng trưởng kinh tế khá và ổn định trong thập niên vừa qua, thanh niên Việt Nam vẫn không có nhiều cơ hội tìm được việc làm có chất lượng. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên luôn cao hơn đáng kể so với tỷ lệ thất nghiệp chung. Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động Quý II năm 2018 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thì trong Quý I năm 2017, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên là 7,1% so với 2,2% tỷ lệ thất nghiệp chung. Một trong những nguyên nhân là phần lớn thanh niên chưa đáp ứng được yêu cầu trình độ và kỹ năng của thị trường lao động. Để giải quyết việc làm của thanh niên có trình độ thấp, cần phải có giải pháp phát triển kỹ năng toàn diện, trong đó, việc xem xét các chính sách từ phía cầu, đặc biệt là khu vực tư nhân và các doanh ngiệp vừa và nhỏ, là rất cần thiết.

1. Tỷ lệ thanh niên kỹ năng thấp ở Việt Nam đạt mức cao
Thanh niên Việt Nam là lực lượng xã hội to lớn, là nhân tố quan trọng quyết định tương lai của đất nước. Để thanh niên tham gia nhiều hơn và có hiệu quả hơn vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế, họ cần phải được đào tạo cả về học vấn, chuyên môn kĩ thuật, kỹ năng sống, chăm sóc sức khỏe để phát triển toàn diện, cũng như được tạo môi trường thuận lợi và các cơ hội để tiếp cận với việc làm ổn định phù hợp. Mặc dù chính phủ Việt Nam đã có khá nhiều chính sách hỗ trợ các đối tượng yếu thế tham gia đào tạo nghề, nhưng vẫn còn tình trạng thanh niên phải bỏ học, thiếu kỹ năng và không tìm được việc làm hoặc có việc làm chất lượng thấp.

Theo số liệu Điều tra lao động việc làm năm 2017 của Tổng cục thống kê, năm 2017 Việt Nam có gần 13,4 triệu thanh niên trong độ tuổi từ 15 đến 24 và gần 20 triệu người trong độ tuổi từ 16 đến 30. Trong đó, số thanh niên kỹ năng thấp ở nhóm tuổi 14 đến 24 là 11,93 triệu người (Chiếm 89,31% tổng số người trong nhóm tuổi); Ở nhóm tuổi 16 đến 30 là 16,14 triệu người (chiếm 80,05%).

Tỷ lệ nam thanh niên có kỹ năng thấp cao hơn nữ: 91,92% so với 86,09% ở nhóm 15 đến 24 tuổi và 84,31% so với 77,09% ở nhóm tuổi 16 đến 30. Tỷ lệ thanh niên có kỹ năng thấp ở khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị. Đặc biệt, tỷ lệ này trầm trọng hơn ở vùng Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và trung du miền núi phía Bắc.

Trong nhóm thanh niên từ 15 đến 24 tuổi mà kỹ năng thấp, có gần 6 triệu người đang làm việc chiếm 50,53%, trong đó, 371 nghìn người đang thất nghiệp chiếm 3,11% và 4,8 triệu người đang đi học chiếm 40,58%. Trong nhóm từ 16 đến 30 tuổi kỹ năng thấp có gần 11 triệu người đang làm việc (chiếm 67,96%), 469 nghìn người đang thất nghiệp chiếm 2,91% và 3,7 triệu người đang đi học (chiếm 23,1%).

Thanh niên có kỹ năng thấp và đã bỏ học hay nói cách khác là có kỹ năng thấp và hiện nay không đi học ở bất kỳ cấp học nào, chính là nhóm đang làm việc hoặc đang đi tìm việc làm. Năm 2017 có khoảng 6,3 triệu thanh niên nhóm tuổi 15 đến 24 là người có kĩ năng thấp và bỏ học, chiếm 53,6% tổng số thành viên trong nhóm tuổi này. Con số này ở nhóm từ 16 đến 30 là 11,4 triệu người và chiếm 70,9%.

Theo nhiều chuyên gia, hạn chế về trình độ học vấn là rào cản lớn nhất để những thành viên có thể tham gia vào chương trình đào tạo nghề chính quy bậc trung và bậc cao cũng như đào tạo để đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng. Chính sách ưu tiên tuyển sinh đầu vào trường trung cấp, cao đẳng đối với một số đối tượng còn khó khăn. Tuy nhiên, trên thực tế có gần 30% thanh niên không thể tiếp cận với cấp trình độ này do chưa đáp ứng được yêu cầu đầu vào về trình độ học vấn để tham gia tuyển sinh. Đặc biệt, ở một số vùng tỷ lệ này còn ở mức cao như Tây Nguyên, chiếm 42 % đối với nhóm từ 15 đến 24 tuổi và 41,4% đối với nhóm từ 16 đến 30 tuổi; và đồng bằng sông Cửu Long là 46 % đối với nhóm từ 15 đến 24 tuổi và 47,1% đối với nhóm từ 16 đến 30 tuổi.

Hệ thống giáo dục hiện tại của Việt Nam khuyến khích thanh niên ở độ tuổi 15 đến 19 học bậc Trung học phổ thông và những thanh niên ở độ tuổi 20 đến 24 tuổi tiếp tục học nghề, cao đẳng hoặc đại học. Tuy nhiên trong thực tế có một lượng lớn thành viên không tiếp tục theo học ở những trình độ đào tạo cao hơn. Lý do chủ yếu mà thanh niên trong độ tuổi 16 đến 24 phải dừng học là do điều kiện kinh tế không cho phép họ tham gia học tiếp; 19,1% phải bỏ học để kiếm tiền nuôi gia đình; 17,6% bỏ học do không có tiền đóng học phí. Các lý do khiến thanh niên phải bỏ học khác bao gồm: bản thân không muốn học tiếp, không vượt qua được kỳ thị, khả năng học yếu, không đủ sức khỏe, trường học quá xa và lập gia đình sớm. (Theo báo cáo Điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam lần thứ 2 (SAVY 2) của Tổng cục dân số năm 2010).

Báo cáo quốc gia về thanh niên Việt Nam (UNDP và Bộ nội vụ năm 2015) cũng chỉ ra tỷ lệ bỏ học trong thanh niên lứa tuổi 16 đến 19 (lứa tuổi mà đáng ra thanh niên cần tiếp tục theo học những bậc học cao hơn nữa để có thể được đào tạo chuyên môn kĩ thuật tốt hơn, tạo cơ hội kiếm việc làm và thu nhập ổn định; góp phần nâng cao chất lượng lực lượng lao động của Việt Nam và các hoạt động kinh tế xã hội) khá cao ở các tỉnh tập trung ở vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ có điều kiện kinh tế khó khăn. Đáng chú ý, có những tỉnh ở khu vực này có trên 50% thanh niên lứa tuổi 16 đến 19 không tham gia các bậc học cao hơn nữa.

2. Đẩy mạnh chính sách giáo dục nghề nghiệp cho thanh niên có kỹ năng thấp
Chính sách giáo dục nghề nghiệp đã được khẳng định rõ trong Hiến pháp Việt Nam 2013, các luật giáo dục nghề nghiệp, Bộ Luật lao động, Luật việc làm, Luật thanh niên... và các chính sách hiện hành. Các chính sách đã hướng tới đảm bảo quyền học tập của thanh niên, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên hoàn thành giáo dục phổ cập, tăng cường tiếp cận với đào tạo nghề và giáo dục bậc cao hơn. Chính phủ đã có nhiều chính sách tạo cơ hội cho người lao động nói chung và thanh niên nói riêng tiếp cận với đào tạo nghề nâng cao kỹ năng. Tất cả thanh niên có trình độ học vấn tối thiểu là Trung học cơ sở đều có cơ hội tham gia chương trình đào tạo nghề bậc trung và bậc cao. Đối với một số nhóm yếu thế như người dân tộc thiểu số, vùng hội nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, người thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo...thì Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ về vật chất để tạo điều kiện cho họ có thể tham gia chương trình đào tạo nghề này. Trong trường hợp họ không thể đáp ứng hoặc không có nhu cầu tham gia chương trình đào tạo nghị lực trung và bực cao thì vẫn có cơ hội nâng cao kỹ năng thông qua các khóa đào tạo ở bậc sơ cấp tại các cơ sở đào tạo hoặc tham gia đào tạo kèm cặp, học việc tại doanh nghiệp. 

Ngoài ra còn có các chính sách đào tạo nghề gắn với việc làm cũng được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người lao động nói chung và thanh niên nói riêng. Khuyến khích các doanh nghiệp đào tạo nghề và tạo việc làm cho thanh niên thông qua các hỗ trợ như ưu đãi thuế, chương trình hỗ trợ tín dụng. Chính sách ưu đãi tín dụng đối với một số nhóm ưu tiên sau khi học nghề để tự phát triển sản xuất kinh doanh, tự tạo việc làm thông qua các chương trình mục tiêu về việc làm, giảm nghèo và khởi nghiệp.

Thời gian tới, giáo dục nghề nghiệp cho thanh niên cần tập trung vào các hình thức sau:
- Đào tạo nghề chính quy: ưu tiên tuyển sinh đầu vào các trường đào tạo trung cấp cao đẳng; cấp học bổng, chi phí mua đồ dùng cá nhân; thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, lệ phí đối với một số nhóm đối tượng theo luật giáo dục nghề nghiệp…
- Đào tạo nghề trong doanh nghiệp: người sử dụng lao động doanh nghiệp được khuyến khích thành lập cơ sở dạy nghề hoặc mở lớp dạy nghề tại nơi làm việc để đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động; ưu đãi thuế, vốn (do Nhà nước hỗ trợ tài chính), hỗ trợ về đất đai, ưu đãi tín dụng, các khoản chi cho hoạt động đào tạo nghề nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế; hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kĩ năng nghề để duy trì việc lành theo Bộ Luật lao động, Luật việc làm, Luật giáo dục nghề nghiệp.
- Đào tạo nghề trong các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội cho một số nhóm đối tượng ưu tiên như phụ nữ, lao động nông thôn, thanh niên xuất ngũ, lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định trong Luật việc làm, Luật giáo dục nghề nghiệp và các văn bản hướng dẫn. Các nội dung hỗ trợ như hỗ trợ học nghề, ngoại ngữ; hiểu biết phong tục tập quán pháp luật của Việt Nam và nước tiếp nhận lao động; đào tạo nghề ngắn hạn với việc làm; hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ kĩ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động... Với các hộ trợ học phí, tiền ăn, tiền đi lại, hỗ trợ tín dụng tự tạo việc làm…

Tham khảo:
1. Các số liệu từ báo cáo Điều tra lao động việc làm năm 2017 của Tổng cục thống kê, năm 2017.
2. Báo cáo Điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam lần thứ 2 (SAVY 2) của Tổng cục dân số năm 2010.
3. Báo cáo quốc gia về thanh niên Việt Nam (UNDP và Bộ nội vụ năm 2015)
4. Bản tin cập nhật thị trường lao động Quý II năm 2018 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.


 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK