Một số giải pháp nhằm phát triển đô thị Việt Nam bền vững
Cập nhật : 11:17 - 23/12/2019

Sau 30 năm đổi mới, hệ thống đô thị Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, có một nghịch lý là tốc độ đô thị hóa quá nhanh trong khi chất lượng chưa thực sự tương xứng đã và đang khiến đô thị của nước ta phải đối diện với những thách thức lớn về quy hoạch, môi trường, hạ tầng cơ sở. Để tháo gỡ nút thắt này cần có nhóm giải pháp nhằm phát triển đô thị Việt Nam một cách bền vững.

Theo thống kê, hệ thống đô thị Việt Nam đã có bước phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Tờ trình Dự án Luật Quản lý phát triển đô thị của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 27/3/2018 cho biết, tỷ lệ đô thị hóa tăng từ khoảng 19,6% với 629 đô thị vào năm 1999 lên khoảng 37,5% với 813 đô thị năm 2017, trong đó có: 02 đô thị loại đặc biệt, 19 đô thị loại I, 23 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 84 đô thị loại IV, 640 đô thị loại V. Đô thị hóa tăng nhanh tại các vùng kinh tế trọng điểm, vùng đô thị lớn phân bố đồng đều hơn trên phạm vi cả nước. Khu vực đô thị đã chiếm tỷ trọng chi phối trong tổng GDP, giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất nhập khẩu, tiến bộ khoa học công nghệ và có tác động lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội ở các vùng và cả nước. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

Theo các chuyên gia, chất lượng tăng trưởng đô thị chưa cao; hệ thống hạ tầng chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, dân số, chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Bên cạnh đó, việc triển khai đầu tư phát triển đô thị còn dàn trải. Những bất cập này nếu không được khắc phục và kiểm soát tốt sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy và hậu quả lâu dài cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tại phiên chất vấn chiều ngày 4/6/2019 Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XIV, trả lời chất vấn của ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) về tình hình phát triển đô thị còn nhiều hạn chế, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, nguyên nhân của tình trạng này trước hết do trong thời gian qua, quản lý từ khi xây dựng đến khi thực thi quy hoạch nhưng chất lượng quy hoạch còn hạn chế. Cụ thể gồm chất lượng thấp, trong một số quy hoạch dự báo chưa đúng tốc độ, khả năng tăng trưởng dân số, dẫn đến tính toán sai về cấu trúc không gian, cũng như chỉ tiêu về hạ tầng, các chỉ tiêu khác. Điều này dẫn đến dự án đầu tư thiếu căn cứ thực hiện.

Nguyên nhân thứ hai, theo Bộ trưởng, chất lượng quy hoạch còn thấp, dẫn đến còn thiếu một số điều kiện cụ thể để thực hiện quy hoạch. Ví dụ như nguồn lực để thực hiện hạ tầng đồng bộ với các công trình khác, nguồn lực để giải phóng mặt bằng vốn rất phức tạp. Ngoài ra, chất lượng quy hoạch thấp cũng do hệ thống định mức, quy chuẩn, đơn giá, định mức kỹ thuật xây dựng còn thiếu nên trong tính toán xây dựng quy hoạch có thiếu sót. 

Bộ trưởng cũng thừa nhận, trong tổ chức thực hiện cũng còn yếu, thể hiện qua chậm xây dựng, kế hoạch thực hiện các quy hoạch còn sơ sài; vấn đề công khai quy hoạch, quản lý thực hiện quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc… còn hạn chế. Các cơ quan quản lý nhà nước ở các địa phương tuy có rất cố gắng nhưng còn hạn chế trong kiểm soát trật tự xây dựng đô thị. Do vậy, có tình trạng xây dựng nhà cao tầng trong nội đô, xây dựng một số khu đô thị không đi kèm quy hoạch hạ tầng và hạ tầng xã hội. Khi giải phóng mặt bằng không triệt để thực hiện quy định về điều kiện xây dựng với những nhà còn lại nên để tồn tại tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo ngay các đô thị.

Để tháo gỡ nút thắt này cần có nhóm giải pháp nhằm phát triển đô thị Việt Nam một cách bền vững. Trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiều định hướng quan trọng nhằm thúc đẩy đô thị theo Quy hoạch và kế hoạch: Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam (Quyết định 445/QĐ-TTg ngày 07/04/2009), Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2020 (Quyết định số 758/QĐ-TTg ngày 08/06/2009), Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020 (Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 07/11/2012). Các định hướng chương trình đã cân nhắc kỹ và các chiến lược phát triển liên quan quốc gia như vùng ảnh hưởng của lưu vực sông Mê kông; các trục hành lang giao thông xuyên Á, khai thác vùng thềm lục địa và đại dương; các vùng biên giới với các nước láng giềng… và các vùng lãnh thổ về phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa. Đây là cơ sở để hình thành các vùng đô thị hóa gắn với các vùng phát triển kinh tế - xã hội lớn của đất nước.

1. Phát triển đô thị phải theo định hướng quy hoạch tổng thể
Quy hoạch cần được đặt trong hệ thống phối hợp toàn diện với nhiều ngành liên quan và địa phương chủ quản, để đảm bảo tính khả thi của quy hoạch. Tại Quyết định số 445/QĐ-TTg ban hành ngày 07/04/2009 về phê duyệt điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2050, hệ thống đô thị phải:
- Phù hợp với sự phân bố và trình độ phát triển lực lượng sản xuất, với yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam;
- Phát triển và phân bố hợp lý trên địa bàn cả nước, tạo ra sự phát triển cân đối giữa các vùng. Coi trọng mối liên kết đô thị - nông thôn, bảo đảm chiến lược an ninh lương thực quốc gia; nâng cao chất lượng đô thị, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phù hợp từng giai đoạn phát triển chung của đất nước;
- Phát triển ổn định, bền vững, trên cơ sở tổ chức không gian phù hợp, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai, tiết kiệm năng lượng; bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái;
- Xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật với cấp độ thích hợp hoặc hiện đại, theo yêu cầu khai thác, sử dụng và chiến lược phát triển của mỗi đô thị” (Điều 1, mục 1, Quyết định số 445/QĐ-TTg).

2. Kiểm soát quá trình đô thị hóa đồng thời hạ tầng kỹ thuật phải đáp ứng các chỉ tiêu phát triển đô thị
Cần kiểm soát quá trình đô thị hóa nhằm “Kiểm soát quá trình đô thị hóa công tác quy hoạch xây dựng đô thị phải có giá trị thực tiễn cao, quy chế và thể chế luật lệ phải thích hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội ứng với từng địa phương. Quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quản lý đô thị phát triển là nội dung cần được ưu tiên và nâng tầm nhìn dài hạn. Các định hướng phát triển không gian lãnh thổ và còn là diễn đàn để các thành phần trong toàn xã hội tham gia đóng góp trí tuệ, vật chất và tự giác thực hiện các nội dung phát triển ở phạm vi, địa bàn của từng đô thị.
Đồng thời, hạ tầng kỹ thuật đô thị phải đáp ứng: “Tại các đô thị lớn, cực lớn (đô thị đặc biệt, đô thị loại I và II) có tỷ lệ đất giao thông chiếm từ 20 - 26% đất xây dựng đô thị, các đô thị trung bình và nhỏ (đô thị loại III trở lên) chiếm từ 15 - 20% đất xây dựng đô thị; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng ở các đô thị lớn đạt trên 50% vào năm 2025” (Quyết định số 445/QĐ-TTg).
Dân số đô thị được cấp nước sạch, các tuyến phố chính đô thị được chiếu sáng bảo đảm nước thải và chất thải rắn đô thị được thu gom và xử lý triệt để đạt tiêu chuẩn theo quy định. Đồng thời cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông phát triển mạnh mẽ đáp ứng yêu cầu phát triển của đô thị và hội nhập kinh tế quốc tế.

3. Phát triển đô thị dựa trên mức tăng trưởng dân số đô thị
Năm 2020, dự báo dân số đô thị cả nước khoảng 44 triệu người, chiếm 45% dân số đô thị cả nước; năm 2025, dân số đô thị khoảng 52 triệu người, chiếm 50% dân số đô thị cả nước. Do đó, việc phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị quốc gia qui hoạch dựa trên dự báo mức tăng trường dân số đô thị. “Cần tập trung nguồn lực quốc gia để xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật mang tính chất vùng hoặc liên vùng như các tuyến đường bộ, đường sắt, hệ thống cảng hàng không, cảng biển trong đó có các tuyến đường bộ, đường sắt cao tốc Bắc - Nam, xây dựng mới các tuyến nhánh nối các đô thị với các vùng đô thị hóa cơ bản và các hành lang biên giới, ven biển, hải đảo” (Quyết định số 445/QĐ-TTg).
Trong từng vùng lãnh thổ phải cân đối việc cấp năng lượng, cấp nước, giao thông, thông tin và truyền thông, thoát nước mặt, nước bẩn, vệ sinh môi trường, đáp ứng yêu cầu và mức độ phát triển của vùng và của đô thị.
Cải tạo và xây dựng mới cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong các đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại tùy theo yêu cầu và mức độ phát triển của từng đô thị. Chống lũ, lụt từ xa cho các đô thị; kết hợp quy hoạch tổng thể phát triển thủy lợi, thủy điện trên các lưu vực sông, trong đó khai thác và vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi, thủy điện đầu nguồn.

4. Xây dựng nền hành chính trong sạch
Đặt lợi ích của người dân trên hết, luôn lắng nghe và tiếp thu ý kiến của người dân để xây dựng nên một nền hành chính dân sự chỉ có duy nhất một mục tiêu là vì dân phục vụ. Có trách nhiệm khi sử dụng tiền thuế của người dân vào mục tiêu xây dựng nhà nước và phục vụ nhân dân vì mục tiêu phát triển. Chính sách quản lý đất đai và quy hoạch của nhà nước phải được minh bạch và công bố rộng rãi để người dân cùng tham gia góp ý và giám sát nhằm hạn chế được tối đa tiêu cực trong quy hoạch và xây dựng. Cần xây dựng nên một nền hành chính công minh bạch, có kỹ cương tôn chỉ luật phát cao. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển đô thị bền vững.

5. Tôn trọng môi trường thiên nhiên và lợi ích công cộng
Trong thiết kế tổng thể cần dành một quỹ đất cho công viên, cây xanh để tạo ra môi trường thân thiện với thiên nhiên và điều hòa khí hậu. Ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo nên một không gian kiến trúc xanh và giảm thiểu ô nhiễm. Coi trọng yếu tố môi trường, quy hoạch các ngành nghề trong thành phố thiên về các ngành dịch vụ và công nghiệp xanh, công nghiệp không khói; tận dụng công nghệ hiện đại để tạo nên không gian kiến trúc xanh. 
Bảo vệ và duy trì hệ khung thiên nhiên gắn với đặc điểm của điều kiện tự nhiên trong từng vùng và trong mỗi trường đô thị. Khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai, tiết kiệm năng lượng, nguồn nước, khoáng sản, rừng vào mục đích cải tạo và xây dựng đô thị. 

6. Phát triển kiến trúc cảnh quan đô thị theo định hướng
Cần có sự kết hợp của quy hoạch dài hạn, chính sách đất đai phù hợp, có sự kiểm soát trong phát triển và thiết kế thông minh nhằm phát huy tối ưu tính năng đô thị hóa trong khi vẫn mang tính thẩm mỹ và bảo tồn.
Tổng thể kiến trúc cảnh quan của mỗi vùng và đô thị phải có bản sắc riêng, phù hợp với điều kiện kinh tế, tự nhiên, dân số - xã hội, trình độ khoa học, kỹ thuật, truyền thống văn hóa lịch sử của địa phương và các yêu cầu phát triển mới. Hình thành bộ mặt kiến trúc cảnh quan đô thị mới hiện đại, có bản sắc, góp phần tạo nên hình ảnh đô thị tương xứng với tầm vóc đất nước của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. 

Ths. Lương Văn Liệu
Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Hành chính Quốc gia

Tài liệu tham khảo:
1. Tờ trình Dự án Luật Quản lý phát triển đô thị của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 27/3/2018.
2. Quyết định số 445/QĐ-TTg ban hành ngày 07/04/2009 về phê duyệt điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2050.
3. Quyết định số 758/QĐ-TTg ngày 08/06/2009 về Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2020.
4. Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 07/11/2012 về Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020.
5. Biên bản ghi âm phiên chất vấn chiều ngày 4/6/2019 Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XIV. http://quochoi.vn/hoatdongcuaquochoi/cackyhopquochoi/quochoikhoaXIV/kyhopthu7/Pages/bien-ban-ghi-am.aspx?ItemID=40602 

 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK