CÁC CHÍNH SÁCH GIÁO DỤC NỔI BẬT CỦA SINGAPORE TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ (PHẦN 2)
Cập nhật : 8:50 - 28/09/2020
4. Các kế hoạch tổng thể về công nghệ thông tin (IT)
Kế hoạch này được Chính Phủ Singapore bắt đầu thực hiện từ năm 1997 với mục tiêu khai thác thế mạnh của công nghệ thông tin và truyền thông để giúp học sinh, sinh viên tiếp cận với các nguồn thông tin mới và giúp cho việc học tập có thể diễn ra bất cứ lúc nào và ở bất cứ đâu. 
Các kế hoạch tổng thể được chia thành các giai đoạn và các mục tiêu khác nhau. Ví dụ với kế hoạch tổng thể 1,2 Singapore hướng tới việc trang bị cơ sở hạ tầng, các thiết bị công nghệ cơ bản tại các trường học nhằm phổ cập việc sử dụng công nghệ trong giảng dạy trên cả nước với các giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 1 của kế hoạch tổng thể này là lựa chọn một số trường sử dụng công nghệ vào việc giảng dạy
- Giai đoạn 2: Đến năm 1998, 90 trường học sử dụng công nghệ vào giảng dạy 
- Giai đoạn 3: Đến năm 1999, tất cả các trường còn lại hoặc 250 trường học sẽ sử dụng công nghệ vào giảng dạy.
- Đến năm 2002, tỷ lệ máy tính trên học sinh là cứ 2 học sinh có 1 máy tính và 30% thời gian giảng dạy sử dụng công nghệ. 
Theo Báo cáo cạnh tranh thế giới năm 2001 – 2002, Singapore đứng thứ hai trên thế giới sau Phần Lan về khả năng truy cập internet tại trường học. 

5. Giáo dục quốc gia
Kế hoạch (chính sách) Giáo dục Quốc gia được đưa ra bởi Phó Thủ tướng Lý Hiển Long vào ngày 17 tháng 5 năm 1997 hướng tới việc giúp học sinh, sinh viên và những người trẻ tuổi hiểu biết tốt hơn về lịch sử của đất nước, củng cố các cam kết công dân và bảo vệ các giá trị cốt lõi của Singapore. 
Giáo dục Quốc gia khắc sâu sự hiểu biết về những thách thức và tính dễ bị tổn thương chỉ có ở Singapore. Nó nhấn mạnh các giá trị cốt lõi của sự hòa hợp dân chủ, đa chủng tộc và đa tôn giáo. Giáo dục Quốc gia không được giảng dạy như một môn học riêng biệt trong trường học mà được đưa vào chương trình tiểu học. Ví dụ một số hoạt động nhằm thực hiện kế hoạch giáo dục quốc gia như lễ chào cờ hàng ngày và tuyên thệ trung thành (hoặc cam kết), các chuyến thăm của học sinh đến các cơ sở quan trọng của nhà nước. 
Giáo dục Quốc gia bao gồm bốn sự kiện cốt lõi hàng năm - Ngày Quốc phòng toàn diện, Ngày Quốc tế Hữu nghị, Ngày Hòa hợp chủng tộc và Ngày Quốc khánh. Ngày Quốc phòng toàn diện được tổ chức vào ngày 15 tháng 2 hàng năm để kỷ niệm sự sụp đổ của Singapore vào tay người Nhật năm 1942. Vào ngày này, các hoạt động được tổ chức trong trường học nhằm nhắc nhở học sinh rằng Singapore có thể được bảo vệ và đáng được bảo vệ, bản thân người dân Singapore phải có trách nhiệm để bảo vệ Singapore. Ngày Quốc tế Hữu nghị được tổ chức tại các trường học vào Thứ Sáu thứ ba của Học kỳ II. Đây là ngày dành riêng cho sự hiểu biết về mối quan hệ của Singapore với các nước láng giềng, ngày này nhằm mục đích nuôi dưỡng trong học sinh tinh thần hữu nghị và hợp tác giữa những người khác nhau. Ngày Hòa hợp chủng tộc, được kỷ niệm vào ngày 21 tháng 7 hàng năm, đánh dấu cuộc bạo động chủng tộc nổ ra ở Singapore vào ngày này năm 1964, nhắc nhở học sinh rằng sự phân chia xã hội làm suy yếu xã hội, chủng tộc và tôn giáo sẽ luôn là những lỗi tiềm ẩn trong xã hội Singapore. Đây là một ngày để sinh viên suy ngẫm và ăn mừng thành công của quốc gia với tư cách là một xã hội hài hòa, được xây dựng dựa trên sự đa dạng văn hóa. Quốc khánh vào ngày 9 tháng 8, kỷ niệm sự độc lập của Singapore khỏi Malaysia và sự nổi lên của nó với tư cách là một quốc gia có chủ quyền. 

6. Lựa chọn và đào tạo lãnh đạo học đường 
Singapore ưu tiên phát triển các hiệu trưởng giỏi nhằm đảm bảo cung cấp cơ hội học tập chất lượng cao và công bằng cho học sinh.  Để chuẩn bị cho lãnh đạo của trường tại Singapore, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trực tiếp kiểm soát các trường về nhiệm vụ tổng thể và tầm nhìn, chương trình giảng dạy và các chức năng nhiệm vụ của giáo viên, chương trình phát triển nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên để họ thăng tiến nghề nghiệp.
Các nhà lãnh đạo trường học tương lai được các trường học chủ động lựa chọn. Hiệu trưởng nhà trường có nhiệm vụ theo dõi, cung cấp cơ hội cho các giáo viên có mong muốn phát triển; hỗ trợ, truyền cảm hứng và lựa chọn những người ưu tú nhất. Đối với những giáo viên được đánh giá là có khả năng đảm nhận chức vụ cao hơn đòi hỏi họ phải đảm nhiệm các nhiệm vụ hành chính ngoài việc giảng dạy. Các giáo viên này có thể được bổ nhiệm làm người đứng đầu nhà trường hoặc người đứng đầu bộ phận, nếu họ chứng minh được khả năng lãnh đạo thì họ sẽ được kiểm tra năng lực trước khi được xem xét làm hiệu trưởng. Trong quá trình đó, các ứng viên tiềm năng phải tham dự các cuộc phỏng vấn tại Bộ Giáo dục và Đào tạo để đánh giá sự phù hợp cho vị trí lãnh đạo của trường.
Các cán bộ nguồn lãnh đạo trường học được lựa chọn qua các cuộc phỏng vấn và các bài tập về lãnh đạo để tham dự chương trình bồi dưỡng về “Quản lý và Lãnh đạo trường học” tại Học viện Giáo dục Quốc gia Singapore (NIE). Từ năm 2001 trở lại đây, tất cả các ứng cử viên tiềm năng cho hiệu trưởng trường phải trải qua 6 tháng đào tạo toàn thời gian tại Học viện Giáo dục Quốc gia (NIE) về “Chương trình Lãnh đạo Giáo dục”.

7. Lựa chọn và đào tạo giáo viên
Dạy học là nghề rất được kính trọng ở Singapore, Singapore xác định chọn người để đào tạo thành giáo viên từ một phần ba học sinh tốt nghiệp phổ thông đạt kết quả cao nhất. Mỗi năm, Singapore tính toán số lượng giáo viên cần thiết và đặt chỉ tiêu thích hợp cho chương trình đào tạo sư phạm. Trung bình, chỉ có 1/10 - 1/8 ứng viên được chấp nhận sau quá trình tuyển chọn gắt gao. Những người trúng tuyển phải đạt số điểm ít nhất là ở giữa thang điểm của kỳ thi A-level - kỳ thi khó nhất đối với học sinh Singapore. Ngoài ra, họ phải trải qua những buổi phỏng vấn nghiêm ngặt, tập trung vào phẩm chất cá nhân của một giáo viên giỏi, đánh giá sâu về thành tích học tập, những đóng góp cho trường và cộng đồng. Hiện nay ở Singapore, chỉ có một cơ sở đào tạo giáo viên duy nhất là Viện Giáo dục Quốc gia (NIE), bao gồm cả chương trình cử nhân và sau đại học. Trong đó, NIE nằm trong Đại học Công nghệ Nanyang - một trong những trường đại học uy tín nhất cả nước. Hầu hết thí sinh có một bằng cử nhân về môn sẽ dạy trước khi nộp đơn ứng tuyển, sau đó phải hoàn thành một trong những chương trình đào tạo sư phạm tại NIE và vượt qua bài kiểm tra trình độ đầu vào để trở thành giáo viên. Các chương trình đào tạo phụ thuộc vào trình độ của ứng viên, có thể kéo dài từ hai đến bốn năm. NIE tập trung vào sư phạm và kết nối giữa các môn học chứ không đào tạo chuyên sâu trong một môn cụ thể. Điều này có nghĩa để trở thành giáo viên ở Singapore, người họcphải đạt trình độ cao ở môn sẽ dạy, đồng thời trải qua ít nhất một năm được hướng dẫn đầy đủ về nghiệp vụ sư phạm. Chương trình đào tạo giáo viên được cập nhật liên tục để phản ánh nhu cầu thay đổi của hệ thống giáo dục Singapore. Trong quá trình đào tạo, các giáo viên tương lai nhận được khoản trợ cấp hàng tháng tương đương 60% lương khởi điểm giáo viên, đồng thời học phí của họ được Bộ Giáo dục chi trả. Sau khi hoàn thành chương trình, họ phải cam kết làm việc ít nhất ba năm trong ngành.
Trên đây là những chính sách giáo dục nổi bật đã đóng góp vào sự phát triển mãnh mẽ của nền kinh tế Singapore trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Và hơn thế nữa những chính sách này đã giúp cho Singapore - một quốc gia nhỏ bé và dễ bị tổn thương ở Châu Á- trở thành một trường hợp tiêu biểu về chất lượng của nền giáo dục mà các quốc gia khác trong đó có Việt Nam có thể học tập. 

Tài liệu tham khảo:
1. Creative and Critical Thinking in Singapore Schools Chiam Ching Leen, Helen Hong, Flora Ning Hoi Kwan, Tay Wan Ying, 2014
2. Speech by Prime Minister Goh Chok Tong at the opening of the 7th international conference on thinking on Monday, 2 June 1997, at 9 am at the Suntec city convention centre ballroom. 
3. The Education System in Singapore: The Key to its Success, Prof S Gopinathan Curriculum, Teaching & Learning Academic Group, 2011
4. From School to Economy: Innovation and Enterprise in Singapore By Pak Tee Ng and Charlene Tan Assistant Professors, Policy and Leadership Studies Academic Group, National Institute of Education, Nanyang Technological University, Singapore, The Innovation Journal: The Public Sector Innovation Journal, Volume 11(3), article 5.
5. https://www.asiaone.com/lifestyle/8-changes-singapore-education-system-you-should-know-about-year
6. https://eresources.nlb.gov.sg/history/events/44fa0306-ddfe-41bc-8bde-8778ff198640
7. https://www.moe.gov.sg/about
 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK