Kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề quản lý nhà nước về Thư viện
Cập nhật : 15:25 - 27/08/2020
Việc quản lý nhà nước về thư viện tại mỗi nước có sự khác nhau, tùy theo tình hình hoạt động thư viện và thể chế chính trị. Tại một số nước Châu Á, cơ quan quản lý nhà nước về thư viện chủ yếu liên quan đến cơ quan có thẩm quyền về văn hóa và giáo dục (ở Trung Quốc là Bộ Văn hóa và Du lịch, ở Đài Loan là Bộ Giáo dục và Đào tạo, ở Hàn Quốc là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…). Ở một số nước Châu Âu, việc quản lý nhà nước về thư viện, mỗi nước có một quy định cụ thể. Ở Đan Mạch, trách nhiệm quản lý nhà nước về thư viện thuộc về Bộ Văn hóa, ở Anh thuộc về Bộ Ngoại giao. Ở Phần Lan, không có sự phân công chuyên trách, các Bộ có liên quan sẽ là cơ quan quản lý hành chính quốc gia cho các dịch vụ thông tin thư viện. Văn phòng tỉnh sẽ là cơ quan quản lý hành chính khu vực.

1. Tại Liên bang Nga
Luật liên bang về Sự nghiệp Thư viện được Đuma Quốc gia (Nga) thông qua ngày 23 tháng 11 năm 1994 đã quy định rõ trách nhiệm và những điều không được làm của các cơ quan nhà nước đối với hoạt động thư viện. Cụ thể, trách nhiệm của Nhà nước trong phát triển sự nghiệp thư viện được quy định tại khoản 1 Điều 15 của Luật đã xác định: 
Các cơ quan nhà nước cấp liên bang  đảm bảo :
1. Đăng ký và kiểm tra việc tuân thủ chế độ bảo quản và sử dụng đặc biệt vốn thư viện thuộc về tài sản văn hoá của các dân tộc Liên bang  Nga.
2. Thành lập và cấp kinh phí cho các thư viện quốc gia và các thư viện cấp liên bang  khác, quản lý các thư viện này.
3. Xác định các nguyên tắc của đường lối Liên bang  trong lĩnh vực đào tạo và đào tạo lại nhân viên thư viện ,việc làm , trả lương, kể cả việc quy định những đảm bảo về mặt xã hội và những khoản ưu đãi đối với nhân viên thư viện.
4. Thành lập và cấp kinh phí cho các cơ quan giáo dục cấp liên bang tiến hành việc đào tạo và đào tạo lại nhân viên thư viện, quản lý các cơ quan giáo dục này.
5. Trợ giúp cho các công trình nghiên cứu khoa học và đảm bảo về mặt nghiệp vụ trong lĩnh vực thư viện, kể cẩ cấp kinh phí cho các hoạt động đó.
6. Thiết lập các tiêu chuẩn và định mức nhà nước của ngành thư viện, tổ chức hệ thống đảm bảo thông tin cho sự nghiệp thư viện.
7. Tổ chức thống kê nhà nước các thư viện.
Đồng thời, tại Khoản 3 của điều này cũng nêu rõ: “Cơ quan chính quyền nhà nước cấp liên bang, cơ quan chính quyền nhà nước cấp Chủ thể Liên bang  và cơ quan tự quản địa phương không có quyền thông qua quyết định và tiến hành các hoạt động dẫn tới sự sút kém trong việc đáp ứng vật chất - kỹ thuật của các thư viện đang hoạt động, những thư viện do ngân sách cấp kinh phí; không có quyền chuyển các thư viện vào những diện tích không đáp ứng các yêu cầu về an toàn lao động, bảo quản vốn thư viện và phục vụ thư viện”.
Có thể nhận thấy sự bảo hộ về chính sách đối với thư viện đã được quy định rất chặt chẽ trong Luật Thư viện của Liên bang Nga về trách nhiệm và những điều không được làm đối với hoạt động thư viện. Sự đảm bảo này là yếu tố tiên quyết để các thư viện có thể duy trì và phát triển. 

2. Tại Hàn Quốc
Luật Thư viện Hàn Quốc cũng đã đặt ra một số điều quy định rõ về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thành lập, nộp lưu chiểu xuất bản phẩm và hỗ trợ cho các thư viện công cộng và thư viện tư nhân, trong văn bản gọi là thư viện công cộng phi chính phủ. Cụ thể là các điều sau:
Điều 4. Trách nhiệm của Nhà nước và Chính quyền địa phương
Nhà nước và chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ phát triển thư viện và xây dựng kế hoạch hành động cần thiết để mọi người dân có thể tiếp cận và sử dụng tri thức, thông tin một cách tự do và không phân biệt đối xử. 
Điều 26 quy định: Trường hợp chính quyền địa phương xuất bản hoặc sản xuất tài liệu, phải nộp lưu chiểu tài liệu phải nộp cho thư viện đại diện vùng trong vòng 30 ngày sau khi tài liệu được xuất bản hoặc sản xuất. Điều này cũng sẽ được áp dụng đối với ấn phẩm sửa đối hoặc tái bản. 
Điều 29. Hoạt động, hỗ trợ của thư viện công cộng thuộc Chính phủ
(1) Nhà nước hoặc chính quyền địa phương có thể trợ cấp một phần kinh phí trong việc thành lập và vận hành thư viện công cộng thuộc Chính phu và thu thập tài liệu thư viện, v.v.. đồng thời, luôn hô trợ khi cần thiết để thiết lập sự phát triển cân bằng, cung như hoạt động hiệu quả của các thư viện công cộng thuộc chính phủ.
(2) Kinh phí hoạt động của thư viện công cộng thuộc chính phủ do địa phương thành lập và quản lý do chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trích từ ngân sách chung của địa phương.
(3) Đối với thư viện công cộng được thành lập và quản lý bởi giám đốc giáo dục theo Điều 32 của Luật Tự chủ Giáo dục Địa phương, chính quyền địa phương sẽ phải chịu một phần kinh phí hoạt động trong phạm vi ngân sách chung của địa phương.
Điều 32. Hỗ trợ cho Thư viện công cộng phi chính phủ
(1) Nhà nước sẽ cung cấp những hỗ trợ cần thiết cho sự phát triển cân đối của các thư viện công cộng phi chính phủ đã đăng ký theo Điều 31 khoản (1).
(2) Chính quyền địa phương sẽ trợ cấp kinh phí hoạt động cho thư viện công cộng phi chính phủ đăng ký theo Điều 31 khoản (1) hoặc cung cấp hỗ trợ cho các vấn đề cần thiết khác cho hoạt động hiệu quả của thư viện công cộng phi chính phủ.
(3) Khi thành lập và hoạt động của thư viện công cộng phi chính phủ, nếu cần thiết, Nhà nước và người đứng đầu chính quyền địa phương có thể cho phép thư viện công cộng phi chính phủ sử dụng hoặc thuê tài sản thuộc sở hữu nhà nước hoặc sở hữu công mà không phải bồi thường thiệt hại theo Luật về tài sản nhà nước, Luật quản lý tài sản công và hàng hóa hoặc các hành vi khác.
Để khuyến khích các thư viện nhỏ, Hàn Quốc đã thông qua một đạo luật riêng và xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ và chính quyền địa phương như sau:
(1) Chính phủ và chính quyền địa phương có trách nhiệm xây dựng các biện pháp cần thiết để khuyến khích thư viện quy mô nhỏ phát triển. 
(2) Để thực hiện trách nhiệm tại khoản (1), Chính phủ và chính quyền địa phương sẽ xây dựng các đề án cần thiết để hỗ trợ hành chính và tài chính. 

3. Tại Nhật Bản
Luật Thư viện Nhật Bản đã xác định trách nhiệm của Nhà nước và các cơ quan của chính quyền địa phương trong việc cung cấp xuất bản phẩm địa phương và các hỗ trợ về ngân sách cho các thư viện, bao gồm cả thư viện tư nhân tại các điều 9, Điều 20, Điều 23 và Điều 27; cụ thể: 
Điều 9.
1. Chính phủ cung cấp 2 bản các ấn phẩm do cục in ấn phát hành vốn được dùng để cung cấp thông tin cho công chúng nói chung và công báo cho các thư viện do các đô, đạo, phủ tỉnh xây dựng. 
2. Nhà nước và các cơ quan của chính quyền địa phương có thể cung cấp miễn phí các tài liệu và xuất bản phẩm do mình xuất bản tùy theo nhu cầu của các thư viện công.  
Điều 20. 
1. Nhà nước trong phạm vi dự toán có thể giúp các thư viện được chính quyền địa phương xây dựng kinh phí cần thiết dành cho cơ sở vật chất của thư viện cũng như một phần các kinh phí khác 
2. Những nội dung cụ thể liên quan đến việc chi trả tiền hỗ trợ nói trên được quy định bằng quy định hành chính. 
 Điều 23. 
Nhà nước trong trường hợp chi trả tiền hỗ trợ theo quy định của điều 20 nếu như ứng với các nội dung dưới đây thì ngừng chi trả tiền hỗ trợ của năm đó và tiền hỗ trợ tự đó về sau, đồng thời phải thu hồi tiền hỗ trợ của các năm đã chi trả. 
- Khi thư viện vi phạm bộ luật này. 
- Khi chính quyền địa phương vi phạm điều kiện nhận tiền hỗ trợ. 
- Khi chính quyền địa phương nhận tiền hỗ trợ bằng phương pháp gian dối. 
 Điều 27. 
Nhà nước và chính quyền địa phương có thể đảm bảo và trợ giúp các vật tư cần thiết cho thư viện tư nhân tùy theo yêu cầu của các thư viện này.

Bên cạnh việc quy về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, Luật thư viện của một số nước cũng có quy định trách nhiệm của các Bộ ngành. Tương đồng như Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc và Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc cũng là những cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về thư viện. Những quy định này không chỉ đặt ra chức năng và quyền hạn của Bộ mà còn thể hiện vai trò của Bộ trong việc định kỳ rà soát để xây dựng và ban hành các Tiêu chuẩn đối với tiện ích và tài liệu thư viện cùng những quy định về đăng ký và sửa đổi đăng ký đối với hoạt động thư viện. 

Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo số 22/BC-BVHTTDL ban hành tháng 1/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Tổng quan kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng pháp luật về thư viện.
2. Hiệp hội thư viện Nhật Bản, https://www.jla.or.jp/
 



 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK