ASEAN đối mặt với nhiều thách thức để duy trì liên kết nội khối
Cập nhật : 16:31 - 02/01/2020

Năm 2017, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN kỷ niệm 50 hình thành và phát triển. Từ một hiệp hội gồm 5 quốc gia ban đầu, ASEAN đã phát triển, mở rộng bao gồm 10 quốc gia Đông Nam Á hoạt động trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN. Ngày 31/12/2015, ASEAN đã bước sang một giai đoạn phát triển mới khi chính thức hình thành cộng đồng với ba trụ cột về chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. Đây là tiền đề quan trọng để tổ chức này đẩy mạnh hơn nữa hoạt động hợp tác, liên kết và nâng cao sức mạnh tổng hợp của mình. Tuy nhiên, tổ chức này cũng bộc lộ còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình thực hiện hóa cộng đồng. Trong đó tính gắn kết giữa các nước thành viên là một trong những thách thức nổi bật đối với sự phát triển của ASEAN.

Trong khoảng hai thập niên gần đây, những biến đổi trong cục diện Đông Nam Á đã khiến khu vực này trở thành nơi kiểm chứng nhiều vấn đề lý luận thuộc các học thuyết khác nhau. Cụ thể là, các nước thành viên dựa vào chính ASEAN để duy trì môi trường hòa bình, ổn định và cân bằng quyền lực trong khu vực. Đồng thời để đối phó với những áp lực từ bên ngoài. Trong các cơ chế hợp tác đa phương, ASEAN đóng vai trò trung tâm, làm cầu nối cho nhiều mối quan hệ hợp tác vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển. Việc này tạo thuận lợi cho khu vực, tập trung cho mục tiêu phát triển. Nó cũng tăng cường vị thế của các nước thành viên ASEAN vì khi sự tùy thuộc lẫn nhau gia tăng, sức mạnh của một quốc gia không phải lúc nào cũng được quyết định bởi năng lực tài chính và vị thế, mà còn bởi khả năng liên kết.

Do nằm ở vị trí trung tâm trong cấu trúc hợp tác khu vực, ASEAN có nhiều lợi thế trong kết nối với các chủ thể khác trong hệ thống Thế giới và tranh thủ các điều kiện thuận lợi để phát triển. Tuy nhiên, việc duy trì vị trí này không phải là nhiệm vụ dễ dàng khi tình hình thế giới và khu vực hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn ngày càng gia tăng và chi phối không nhỏ tới việc lựa chọn chính sách của các nước thành viên ASEAN. Theo đó, xây dựng một cộng đồng ASEAN hợp tác sâu sắc và chặt chẽ hơn là yêu cầu cấp thiết để đảm bảo phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn khối, đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu của cộng đồng.

Trong những năm gần đây, các nhà lãnh đạo ASEAN ưu tiên đẩy mạnh hợp tác giữa các nước thành viên, xác định đây là khâu quan trọng giúp hiệp hội cùng cố vai trò trung tâm của mình trong định hình cấu trúc khu vực. ASEAN đã hai lần thông qua kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN (MPAC) Tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 17 (2010) và lần thứ 28 (2016) với những chương trình hành động cụ thể hơn, thực chất hơn trên cơ sở nhận diện chính xác những thách thức đến từ bên ngoài cũng như bên trong khối.

Tuy nhiên ASEAN cũng gặp nhiều thách thức liên quan đến việc duy trì hoạt động và củng cố vị thế. Thực tế trong giai đoạn hiện nay, những ưu thế từ nguồn lao động trẻ, nhân công giá rẻ của các nước đang phát triển, trong đó có các quốc gia Đông Nam Á đang bị đe dọa nghiêm trọng. Đây là thách thức chung, đòi hỏi các nước thành viên phải chung tay đưa ra được những đối sách phù hợp nhằm tránh nguy cơ tụt hậu so với các khu vực khác trên thế giới. Tại hội thảo quốc tế về ASEAN diễn ra tại Hà Nội ngày 9/6/2017, Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã nhận định, Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 là một trong những thách thức lớn nhất đối với ASEAN trong tương lai. Những phát minh, sáng chế lớn của thế giới hiện không nằm ở các nước thành viên ASEAN và nếu không nắm bắt được công nghệ mới, Đông Nam Á sẽ bị lạc hậu về chất, chứ không phải về lượng.

Năm 2017, thế giới cũng chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của làn sóng chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ và chống toàn cầu hóa kéo theo những dịch chuyển địa - chính trị to lớn, trong đó nổi bật là sự kiện nước Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (Brexit) và sự chuyển giao quyền lực chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ và một số nước khác. Liên minh Châu Âu EU vốn được xem là một mô hình hợp tác mẫu mực, ở đó có nhiều điểm tiến bộ mà ASEAN mong muốn theo đuổi. Thế nhưng việc Anh rời khỏi EU đặt ra câu hỏi cho các nhà lãnh đạo ASEAN về mô hình phát triển, cũng như khả năng duy trì mức độ gắn kết giữa các thành viên của Hiệp hội trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi lên nắm quyền đã tuyên bố rút khỏi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (TPP), kêu gọi đầu tư vào Mỹ và gia tăng kiểm soát đường biên giới. Sự kiện này gây ảnh hưởng tiêu cực tới tiến trình hợp tác của các đối tác kinh tế trên thế giới với Mỹ, và các nước ASEAN không phải là ngoại lệ.

Trước áp lực từ những nền kinh tế lớn khác như Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, ASEAN cần phải nêu cao tinh thần đoàn kết và duy trì sự thống nhất trong toàn khối để đảm bảo được kết quả của 19 vòng đàm phán trong vòng 4 năm qua đến kết quả cuối cùng vào cuối năm 2017 theo kế hoạch, đảm bảo lợi ích của tất cả các bên tham gia.

Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hoạt động của Trung Quốc liên quan đến biển Đông tiếp tục là một phép thử đối với sự đoàn kết nội khối của ASEAN khi mức độ liên quan của các nước thành viên khác nhau. Nếu thiếu đi quyết tâm chính trị thì ASEAN khó có thể giữ vững những nguyên tắc hoạt động nói chung và trong quan hệ với các nước bên ngoài khối nói riêng. Thực tế những sáng kiến hợp tác phát triển kinh tế như "một vành đai, một con đường" và "khuôn khổ hợp tác ASEAN - Trung Quốc 2+7" có thể được Trung Quốc sử dụng nhằm lôi kéo các nước thành viên ASEAN trong tập hợp lực lượng phục vụ mục đích địa - chính trị của mình.

Cùng với đó, ASEAN cũng phải đối mặt với những thách thức từ chính bên trong, ảnh hưởng tới hiệu quả liên kết, hợp tác giữa các nước thành viên trong những chương trình hành động chung.

Trước hết, ASEAN là một tổ chức liên chính phủ hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, nơi mà mọi quyết định của ASEAN đều có sự tham gia đóng góp của tất cả các nước thành viên. Nguyên tắc này giúp đảm bảo sự bình đẳng về mặt chủ quyền giữa các quốc gia thành viên và ngăn ngừa việc bất cứ quốc gia thành viên nào bị gạt ra bên lề trong các quyết định quan trọng của nhóm. Đây là điểm khác biệt giữa ASEAN và các tổ chức khu vực khác như liên minh châu âu EU, thể chế siêu quốc gia, có thể ra phán quyết buộc các nước thành viên phải tuân thủ. Tuy nhiên, nguyên tắc đồng thuận cũng làm suy yếu khả năng của ASEAN trong việc hành động một cách hiệu quả nhằm giải quyết một số vấn đề an ninh. Ví dụ, ASEAN đã không thể đưa ra được một phản ứng thống nhất trước các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 vào Mỹ cũng như cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ dẫn dắt sau đó, đặc biệt là ở khu vực Trung Đông. Tiếp đó, vào năm 2012, khi Campuchia làm Chủ tịch, ASEAN cũng không ra được tuyên bố chung về biển Đông trong Hội nghị Ngoại trưởng là biểu hiện rõ ràng về sự thiếu đoàn kết trong nội khối ASEAN. Các phát triển này cho thấy nguyên tắc duy trì khoảng cách cân bằng trong quan hệ với các nước lớn của ASEAN khó áp dụng trong thực tiễn.

Thứ hai, các nước thành viên ASEAN có nhiều khác biệt về lịch sử, nguồn gốc dân tộc và sắc tộc, về văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo, thể chế chính trị, ưu tiên chính sách và trình độ phát triển kinh tế. Trong đó, chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế được xem là một trong những rào cản lớn nhất cần phải có biện pháp khắc phục trong thời gian trước mắt. Thực tế, để triển khai được các sáng kiến kết nối ASEAN, các quốc gia thành viên phải huy động một nguồn lực vốn rất lớn, thậm chí vượt quá khả năng kinh tế của mình. Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển UNCTAD dự tính mỗi năm ASEAN phải đầu tư ít nhất 110 triệu USD vào các hạng mục công trình điện, giao thông, viễn thông, nước và vệ sinh, chưa kể các dự án xuyên biên giới. Không chỉ vậy, chi phí đầu tư của các nước cho các hạng mục này cũng khác nhau do chênh lệch về chất lượng cơ sở hạ tầng sẵn có. Như vậy, để đạt được sự đồng thuận giữa các quốc gia trong nỗ lực nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển đòi hỏi thời gian và sự nhất trí cao của các quốc gia thành viên ASEAN.

Thứ ba, một số quốc gia thành viên của ASEAN đang phải đối mặt với nhiều thách thức về an ninh truyền thống và phi truyền thống. Đặc biệt, các tổ chức khủng bố quốc tế sau khi bị thất bại nặng nề đang chuyển về hoạt động ở khu vực Đông Nam Á. Có thể nói, việc giữ vững môi trường ổn định để phát triển vẫn được xác định là ưu tiên hàng đầu đối với các nước trong khu vực Đông Nam Á trong tình hình hiện nay. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa để có thể đảm bảo duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực.

Thứ tư, cộng đồng mà các nước thành viên ASEAN đang chung tay xây dựng là cộng đồng hướng tới người dân. Việc xây dựng cộng đồng ASEAN chỉ thực sự thành công khi có sự đồng thuận của người dân. Do vậy việc nâng cao nhận thức của người dân về cộng đồng nhằm thống nhất về ý chí và hành động có ý nghĩa hết sức quan trọng, làm tiền đề triển khai thành công các chương trình hợp tác giữa các nước. Trong những năm gần đây, các nước đã tăng cường công tác tuyên truyền về cộng đồng ASEAN nhưng nhận thức của người dân các nước vẫn chưa thực sự được nâng cao.

Trên đây là những rào cản, thách thức chủ yếu đối với tiến trình liên kết, hợp tác của 10 quốc gia Đông Nam Á nhằm hướng tới xây dựng cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm. Để khắc phục những khó khăn này, ASEAN cần phát huy tối đa tiềm lực của các nước thành viên trên tinh thần đoàn kết, hợp tác khắc phục kịp thời những vấn đề nảy sinh.

Tham khảo:
1. ASEAN in 2016, Jakarta Post, 2016.
2. Học viện Ngoại giao, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế Số 4, tháng 12/2017.

 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK