KINH NGHIỆM VỀ XỬ LÝ KỶ LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC ĐÃ NGHỈ HƯU Ở ĐỨC
Cập nhật : 9:54 - 17/09/2019
 Trong những năm gần đây, cuộc chiến chống suy thoái, chống tự diễn biến, đặc biệt là chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy công quyền đã đưa một loạt cán bộ, công chức viên chức đã về hưu ra xem xét trách nhiệm, kể cả những người đã từng giữ các vị trí lãnh đạo như Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh… Hiện nay, Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, trong đó có bổ sung quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức khi nghỉ hưu. Bộ Nội vụ cho biết, các ý kiến đều tán thành với việc bổ sung quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu, nghỉ việc hoặc đã chuyển công tác nhưng có hành vi vi phạm trong thời gian công tác, nhằm thể chế hóa nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương và sự nghiêm minh của pháp luật1. Tuy nhiên, hình thức kỷ luật đối tượng này như thế nào cho phù hợp lại là câu chuyện cần xem xét kỹ. Đặc biệt là hình thức kỷ luật đối với người đã giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý lúc chưa nghỉ hưu.

Bài viết này chia sẻ kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức trong vấn đề xử lý kỷ luật cán bộ, công chức đã nghỉ hưu.

Tại Đức, Luật Công chức liên bang và Luật Kỷ luật công chức liên bang là 2 đạo luật quan trọng có quy định về xử lý kỷ luật công chức. Những nội dung cơ bản của chế định kỷ luật công chức hưu của Đức bao gồm2
- Công chức đã về hưu vẫn phải chịu trách nhiệm kỷ luật. Trong Luật Công chức liên bang Đức có quy định rõ về kỷ luật đối với công chức hưu. Vì vậy, không hề có cái gọi là băn khoăn liệu công chức về hưu có thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Công chức hay không. Thên vào đó, Điều 1 của Luật Kỷ luật Công chức liên bang cũng khẳng định luật này áp dụng cho công chức và công chức về hưu.
- Công chức đã về hưu chịu trách nhiệm về những vi phạm công vụ của mình lúc đương nhiệm hoặc sau khi về hưu có những vi phạm tương đương như vi phạm công vụ (ví dụ như chống đối chế độ dân chủ tự do theo quy định của Hiến pháp, tham gia các hoạt động làm tổn hại sự tồn tại hoặc an ninh của đất nước…).
- Hình thức kỷ luật của công chức về hưu khác hẳn với công chức đương nhiệm. Công chức đương nhiệm có các hình thức kỷ luật là cảnh cáo, phạt tiền, giảm lương tháng, hạ bậc trong ngạch đang giữ và sa thải. Trong khi đó, công chức đã về hưu có 2 hình thức kỷ luật khác hẳn là giảm lương hưu và truất lương hưu (truất vĩnh viễn). 
- Thẩm quyền quyết định các hình thức kỷ luật đối với công chức hưu cũng có sự khác biệt. Hình thức kỷ luật giảm lương hưu do cơ quan hành chính có liên quan với công chức có thẩm quyền quyết định. Tuy nhiên, đối với hình thức kỷ luật truất lương hưu thì cơ quan phải đệ đơn ra tòa hành chính để tòa xem xét, quyết định.

Theo quy định của pháp luật Đức, đối với hình thức kỷ luật giảm lương hưu thì mức giảm cao nhất là 1/5 lương hưu tháng và có thể kéo dài tối đa là 3 năm. Đối với hình thức kỷ luật truất lương hưu, đây là hình thức tác động vào cả lợi ích vật chất và tinh thần của công chức hưu. Theo đó, công chức hưu mất đi quyền được hưởng lương hưu, kể cả quyền của thân nhân hưởng chế độ theo quy định; mất đi quyền được mang các chức vụ, chức danh đã có trước khi nghỉ hưu. Điều đó có nghĩa là trước khi hưu, ví dụ là chuyên viên cao cấp, là trưởng phòng, vụ trưởng hoặc thứ trưởng, thì với hình thức kỷ luật này từ nay trở đi người bị kỷ luật không có quyền tự giới thiệu và được giới thiệu nguyên là chuyên viên cao cấp, nguyên trưởng phòng, nguyên vụ trưởng hoặc nguyên thứ trưởng nữa.

Với hình thức kỷ luật này, nhà nước biểu thị rõ thái độ của mình đối với vi phạm công vụ của công chức hưu. Nhà nước đoạn tuyệt với anh, anh không còn xứng đáng mang danh, mang cái giá trị tinh thần là công chức, là mang các chức danh, chức vụ lúc còn đương nhiệm. 

Đối với công chức đã về hưu, đây là những hình thức kỷ luật phù hợp, tác động trực tiếp vào những lợi ích mà công chức hưu đang có do nhà nước trao cho cả về vật chất lẫn tinh thần. Lợi ích vật chất mà công chức về hưu đang có từ bao nhiêu năm đi làm của mình được nhà nước trao cho chính là lương hưu. Lợi ích tinh thần mà công chức hưu có chính là giá trị công chức được nhà nước thừa nhận, là cấp bậc chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp; là chức danh lãnh đạo như Trưởng phòng, Vụ trưởng, Bộ trưởng…

TTBD

Chú thích:
1.Nguồn:http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/TT_TINLAPPHAP/View_Detail.aspxItemID=3316 
2.Nguồn:https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/ky-luat-cong-chuc-ve-huu-ta-dang-bi-duc-xu-ngon-o-532587.html


 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK