Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng dành cho đại biểu HĐND các cấp tỉnh Bạc Liêu, ngày 20/6/2023

Tại hội nghị, hơn 200 đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được nghe các báo cáo viên là nguyên đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, chuyên gia kinh nghiệm trong hoạt động của cơ quan dân cử trao đổi các chuyên đề chuyên sâu và cần thiết đối với hoạt động đại biểu.

Ngày 20/6/2023, tại thành phố Bạc Liêu, Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử thuộc Ban Công tác đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng năm 2023 cho đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 của tỉnh Bạc Liêu. 

Dự khai mạc Hội nghị có đồng chí Lê Thị Ái Nam - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Bạc Liêu; đồng chí Bùi Tấn Bảy, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu; đồng chí Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử và các báo cáo viên: đồng chí Phạm Phương Thảo, Nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân, nguyên Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIV; đồng chí Ngô Tự Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội khóa XII, Nguyên Phó Trưởng Ban  Công tác đại biểu …




Tại hội nghị, hơn 200 đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được nghe các báo cáo viên là nguyên đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, chuyên gia kinh nghiệm trong hoạt động của cơ quan dân cử trao đổi các chuyên đề như: Hội đồng nhân dân với công tác quản lý đô thị; Hội đồng nhân dân trong lĩnh vực tư pháp; Hội đồng nhân dân trong lĩnh vực đất đai …

Trong bài phát biểu khai mạc, đồng chí Bùi Tấn Bảy, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh, năm 2023, Bạc Liêu tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình Tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2025; đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức đánh giá, xác định Chỉ số cải cách hành chính của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các cấp theo hướng toàn diện, đa chiều, công khai minh bạch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đánh giá, xác định Chỉ số cải cách hành chính. Đồng thời, tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nâng cao thứ hạng Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); tiếp tục giữ ổn định tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện; đồng thời kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong các cơ quan, đơn vị đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. 



Chính quyền tỉnh Bạc Liêu xác định năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu của nửa nhiệm kỳ và tạo đà tăng tốc cho giai đoạn cuối trong thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, vì vậy, ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo rất quyết liệt. Theo số liệu Tổng cục Thống kê ước tính quý I năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bạc Liêu tăng 7,01% so cùng kỳ, đứng thứ 03/13 tỉnh, thành phố khu vực vùng đồng bằng sông Cửu Long (chỉ sau Hậu Giang và Cà Mau).

Trình bày chuyên đề về Hội đồng nhân dân trong công tác quản lý đô thị, báo cáo viên Phạm Phương Thảo khẳng định: đô thị là lĩnh vực rộng lớn gồm nhiều khía cạnh của xã hội, kinh tế, tài chính, đời sống người dân… Quản lý đô thị có nhiều mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ cụ thể nhằm phát triển bền vững. Hội đồng nhân dân cần có sự quan tâm đúng mức trong xem xét quyết định vấn đề này, cũng như đẩy mạnh hoạt động giám sát nhằm tạo điều kiện cho đô thị phát triển đúng hướng, có bản sắc, không ngừng nâng cao đời sống người dân. Các đại biểu cần lưu ý đến những chỉ số định hướng phát triển đô thị của tỉnh Bạc Liêu như sau: Đến năm 2025: 13 đô thị, sàn nhà ở: 28 m2/người, cây xanh: 6 m2 - 8m2/ người,  kinh tế đô thị: 75%; Đến năm 2030: 16 đô thị, sàn nhà ở: 32 m2/người, cây xanh: 8m2 -10m2/ người, kinh tế đô thị: 85%.

Tại chuyên đề Hội đồng nhân dân trong lĩnh vực tư pháp, báo cáo viên Nguyễn Văn Pha dành nhiều thời gian chia sẻ với Hội nghị những kinh nghiệm của bản thân khi tiến hành giám sát các vụ án cụ thể. Về nguyên tắc, việc phân định đúng, sai của một vụ án thuộc thẩm quyền của các cơ quan tố tụng. Vì thế giám sát của Quốc hội, của Hội đồng nhân dân không phải là việc làm thay chức năng điều tra của cơ quan điều tra, cơ quan kiểm sát hay cơ quan xét xử. Hội đồng nhân dân, vì thế, không có trách nhiệm (và cũng không có quyền) sửa chữa những sai sót, vi phạm trong các bản án, quyết định mà thông qua hoạt động giám sát, Hội đồng nhân dân đưa ra những kết luận, kiến nghị để các cơ quan tư pháp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Đối với chuyên đề Hội đồng nhân dân trong lĩnh vực đất đai, đây là một nội dung khó, khá phức tạp mà các đại biểu thường xuyên nhận được ý kiến, kiến nghị từ cử tri. Báo cáo viên Ngô Tự Nam đã nêu ra một số quy định liên quan đến trách nhiệm của Hội đồng nhân dân trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần tiếp tục được làm rõ hơn, như: trách nhiệm của Hội đồng nhân dân trong việc thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương; trong việc thông qua bảng giá đất; trong việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và trong việc giám sát việc thi hành pháp luật về đất đai.



Qua phiếu đánh giá, đa số các đại biểu tham dự Hội nghị đều khẳng định các nội dung tập huấn đã cung cấp cho đại biểu Hội đồng nhân dân các thông tin, kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động, giám sát của đại biểu dân cử giai đoạn hiện nay. Hội nghị cũng là dịp để các vị đại biểu Hội đồng nhân dân học hỏi, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả và cả những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân, nhất là trong lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp mà các chuyên đề đợt tập huấn này đã đề cập …, qua đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.

TTBD

Cập nhật : 14:27 - 20/06/2023
In trang này Click here to Print it!