HỎI ĐÁP DÀNH CHO ĐẠI BIỂU DÂN CỬ THÁNG 5 – SỐ 3

Trước khi chính thức hoạt động, Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam cần phải đảm bảo các điều kiện gì?

Câu hỏi: Nhà nước ta có những chính sách gì trong việc phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm?
Trả lời:  

Điều 5 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định rõ những chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm như sau:

- Nhà nước bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm và các tổ chức hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
- Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
- Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô đầu tư trở lại nền kinh tế, tái đầu tư, xây dựng thị trường bảo hiểm.
- Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện đối với việc triển khai và tham gia các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, các sản phẩm bảo hiểm vi mô và các sản phẩm bảo hiểm vì mục tiêu an sinh, xã hội.

Câu hỏi: Trước khi chính thức hoạt động, Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam cần phải đảm bảo các điều kiện gì?
Trả lời: 

Điều 73 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định, điều kiện trước khi chính thức hoạt động, như sau:
- Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải chính thức hoạt động trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép thành lập và hoạt động, trừ trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Đối với trường hợp bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải báo cáo bằng văn bản và được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản về việc gia hạn thời gian chính thức hoạt động; thời gian gia hạn tối đa là 12 tháng.

- Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải đáp ứng các quy định sau đây để chính thức hoạt động:
+ Chuyển số vốn gửi tại tài khoản phong tỏa thành vốn điều lệ hoặc vốn được cấp;
+ Xây dựng cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý, kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, hệ thống quản trị rủi ro phù hợp với hình thức hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; bầu, bổ nhiệm người đại diện theo pháp luật; bầu, bổ nhiệm các chức danh đã được Bộ Tài chính chấp thuận về nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 70 của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022;
+ Ban hành các quy chế quản lý nội bộ về tổ chức hoạt động, quy chế nội bộ về quản trị rủi ro và các quy trình nghiệp vụ cơ bản theo quy định pháp luật;
+ Ký quỹ đầy đủ theo quy định của Luật này tại ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam;
+ Có trụ sở, cơ sở vật chất, kỹ thuật, hệ thống công nghệ phù hợp với quy trình nghiệp vụ về kinh doanh bảo hiểm;
+ Thực hiện công bố nội dung giấy phép thành lập và hoạt động quy định tại khoản 2 Điều 72 của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022.

- Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải thông báo cho Bộ Tài chính về việc đáp ứng các quy định tại khoản 2 Điều này ít nhất 15 ngày trước ngày chính thức hoạt động. Bộ Tài chính có quyền đình chỉ việc chính thức hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam khi chưa đáp ứng các quy định tại khoản 2 Điều 73 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022.

- Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không được tiến hành hoạt động kinh doanh bảo hiểm trước ngày chính thức hoạt động.

Câu hỏi: Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm bị thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động trong trường hợp nào?
Trả lời: 

Điều 75 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động, như sau:
- Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam bị thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:
+ Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động có thông tin gian lận để có đủ điều kiện được cấp giấy phép;
+ Quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 73 của Luật này mà không bắt đầu chính thức hoạt động;
+ Bị chia, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, chấm dứt hoạt động;
+ Hoạt động không đúng với nội dung tại giấy phép thành lập và hoạt động;
+ Sau khi Tòa án quyết định tuyên bố doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm phá sản;
+ Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài của chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam bị phá sản hoặc bị thu hồi giấy phép.

- Đối với các trường hợp bị thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động quy định tại các điểm a, c, d và e khoản 1 Điều 75 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải dừng ngay việc giao kết hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng tái bảo hiểm mới;doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải thực hiện chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm; việc chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm không áp dụng đối với các hợp đồng bảo hiểm vô hiệu theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022.

- Quyết định thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam được Bộ Tài chính công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính.

Câu hỏi: Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định về thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm như thế nào?
Trả lời: 

Điều 35 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm, như sau:
Đối với các hợp đồng bảo hiểm có thời hạn trên 01 năm, trong thời hạn 21 ngày kể từ ngày nhận được hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có quyền từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm. Trường hợp bên mua bảo hiểm từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm sẽ bị hủy bỏ, bên mua bảo hiểm được hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng sau khi trừ đi chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường,trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Câu hỏi: Các loại hình bảo hiểm được pháp luật công nhận?
Trả lời: 

Khoản 1 Điều 7 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định có các loại hình bảo hiểm sau:
- Bảo hiểm nhân thọ;
- Bảo hiểm sức khỏe;
- Bảo hiểm phi nhân thọ.

TTBD
Cập nhật : 12:04 - 29/05/2023
In trang này Click here to Print it!