HỎI – ĐÁP DÀNH CHO ĐẠI BIỂU DÂN CỬ THÁNG 3 – SỐ 1

Bản sao tác phẩm mỹ thuật là gì?
HỎI – ĐÁP DÀNH CHO ĐẠI BIỂU DÂN CỬ THÁNG 3 – SỐ 1


Câu hỏi: Ai được hưởng thù lao, nhuận bút đối với tác phẩm báo nói, báo hình?
Trả lời:
- Nhuận bút là khoản tiền do bên sử dụng tác phẩm trả cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả khi tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm (sau đây gọi chung là tác phẩm) được sử dụng.
- Thù lao là khoản tiền do bên sử dụng tác phẩm trả cho người thực hiện công việc có liên quan đến tác phẩm.
Theo quy định tại Điều 9 Nghị định 18/2014/NĐ-CP đối tượng hưởng nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm báo nói, báo hình như sau:
- Tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả có tác phẩm được cơ quan báo nói, báo hình sử dụng.
- Biên kịch, đạo diễn, nhạc sĩ (không kể phần nhạc qua băng tư liệu) - đối với báo nói.
- Biên kịch, đạo diễn, quay phim, người dựng phim, nhạc sĩ (không kể phần nhạc qua băng tư liệu), họa sĩ - đối với báo hình.
- Lãnh đạo cơ quan báo nói và báo hình, phát thanh viên, biên tập viên, diễn viên sân khấu, điện ảnh và các loại hình nghệ thuật khác, đạo diễn chương trình, người chỉ huy dàn dựng âm nhạc, người thiết kế ánh sáng, trợ lý nghệ thuật, đạo diễn và chuyên viên kỹ thuật âm thanh, quay phim kỹ xảo được trả thù lao.

Câu hỏi: Bản sao tác phẩm mỹ thuật là gì?
Trả lời: 
Định nghĩa bản sao tác phẩm mỹ thuật được quy định tại Khoản 8 Điều 2 Thông tư số 01/2018/TT-BVHTTDL hướng dẫn Nghị định số 113/2013/NĐ-CP về hoạt động mỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, theo đó: 
Bản sao tác phẩm mỹ thuật là bản sao chép toàn bộ tác phẩm mỹ thuật, có kích thước lớn hơn hoặc nhỏ hơn tác phẩm gốc, có ghi chữ “bản sao” và các thông tin vào mặt sau tác phẩm: tên tác giả, tên tác phẩm, chất liệu, năm sáng tác tác phẩm gốc, tên người sao chép, ngày, tháng, năm sao chép.

Câu hỏi: Đối tượng nào được tổ chức thi sáng tác tác phẩm mỹ thuật?
Trả lời:
Đối tượng tổ chức thi sáng tác tác phẩm mỹ thuật được quy định cụ thể tại Điều 4, Thông tư số 01/2018/TT-BVHTTDL hướng dẫn Nghị định số 113/2013/NĐ-CP về hoạt động mỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, theo đó: 
Đối tượng tổ chức thi sáng tác tác phẩm mỹ thuật quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 113/2013/NĐ-CP bao gồm:
1. Các Bộ (Cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ), Ban, Ngành, Đoàn thể Trung ương;
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan đơn vị trực thuộc có chức năng hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật;
3. Các Hội Văn học nghệ thuật;
4. Nhà Văn hóa; Trung tâm Văn hóa, Thể thao;
5. Doanh nghiệp có chức năng hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật, văn hóa nghệ thuật;
6. Các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật;
7. Các tổ chức, cá nhân Việt Nam có chức năng hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật, văn hóa nghệ thuật theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi: Thông báo tổ chức thi sáng tác tác phẩm mỹ thuật được quy định như thế nào?
Trả lời:
Thông báo tổ chức thi sáng tác tác phẩm mỹ thuật được quy định tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 01/2018/TT-BVHTTDL hướng dẫn Nghị định số số 113/2013/NĐ-CP về hoạt động mỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, theo đó: 
Việc thông báo bằng văn bản về tổ chức thi sáng tác tác phẩm mỹ thuật quy định tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 113/2013/NĐ-CP thực hiện theo quy định sau:
- Tổ chức, cá nhân Việt Nam có nhu cầu tổ chức thi sáng tác tác phẩm mỹ thuật quy mô toàn quốc, khu vực phải gửi thông báo bằng văn bản và hồ sơ thông báo theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 113/2013/NĐ-CP đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm).
- Tổ chức, cá nhân có nhu cầu tổ chức thi sáng tác tác phẩm mỹ thuật quy mô cấp tỉnh, phải gửi thông báo bằng văn bản và hồ sơ thông báo theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 113/2013/NĐ-CP đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao.

Câu hỏi: Những tác phẩm, tài liệu nào cần phải được thẩm định nội dung trước khi tái bản?
Trả lời:
Căn cứ theo Điều 24 Luật Xuất bản năm 2012 thì những tác phẩm, tài liệu cần phải được thẩm định nội dung trước khi tái bản được quy định như sau:
“Tác phẩm, tài liệu sau đây nếu nội dung có dấu hiệu vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Xuất bản 2012 thì nhà xuất bản phải tổ chức thẩm định trước khi đăng ký xuất bản để tái bản:
- Tác phẩm, tài liệu xuất bản trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945; tác phẩm, tài liệu xuất bản từ năm 1945 đến năm 1954 trong vùng bị tạm chiếm;
- Tác phẩm, tài liệu xuất bản từ năm 1954 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 ở miền Nam Việt Nam không do Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cho phép;
- Tác phẩm, tài liệu xuất bản ở nước ngoài”.
Tại khoản 1 Điều 10 của Luật Xuất bản 2012 có quy định như sau:
   “Nghiêm cấm việc xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm có nội dung sau đây:
- Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc;
- Tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục;
- Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định;
- Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Câu hỏi: Quyền của người biểu diễn theo Luật Sở hữu trí tuệ
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 29 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì quyền của người biểu diễn được quy định cụ thể như sau:
- Người biểu diễn đồng thời là chủ đầu tư thì có các quyền nhân thân và các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn; trong trường hợp người biểu diễn không đồng thời là chủ đầu tư thì người biểu diễn có các quyền nhân thân và chủ đầu tư có các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn.
- Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây:
+ Được giới thiệu tên khi biểu diễn, khi phát hành bản ghi âm, ghi hình, phát sóng cuộc biểu diễn;
+ Bảo vệ sự toàn vẹn hình tượng biểu diễn, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn.
- Quyền tài sản bao gồm độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền sau đây:
+ Định hình cuộc biểu diễn trực tiếp của mình trên bản ghi âm, ghi hình;
+ Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp cuộc biểu diễn của mình đã được định hình trên bản ghi âm, ghi hình;
+ Phát sóng hoặc truyền theo cách khác đến công chúng cuộc biểu diễn của mình chưa được định hình mà công chúng có thể tiếp cận được, trừ trường hợp cuộc biểu diễn đó nhằm mục đích phát sóng;
+ Phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao cuộc biểu diễn của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được.
- Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng các quyền quy định tại khoản 3 Điều 29 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 phải trả tiền thù lao cho người biểu diễn theo quy định của pháp luật hoặc theo thoả thuận trong trường hợp pháp luật không quy định.
  
TTBD
Cập nhật : 14:01 - 24/03/2023
In trang này Click here to Print it!