SỞ HỮU TRÍ TUỆ TRONG LĨNH VỰC THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG VÀ YÊU CẦU ĐẶT RA CHO CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

Ở nước ta, sở hữu trí tuệ vẫn là vấn đề mới mẻ, nhận thức chung còn những hạn chế nhất định nên chưa được coi trọng đúng mức. Sự phát triển của khoa học công nghệ và tiện ích của môi trường mở là điều kiện thuận lợi để ai đó có ý đồ xấu, thực hiện mục đích trục lợi bằng hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

I. Khái quát
Sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia, là mối quan tâm chung của cả thế giới. Đặc biệt, trong quá trình phát triển, hội nhập sâu và toàn diện như hiện nay, hoạt động sở hữu trí tuệ là phần không thể thiếu của một nền kinh tế phát triển bền vững, là tiền đề cho sự phát triển đất nước về lâu dài. Theo số liệu Liên minh châu Âu công bố về vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ năm 2013 (TTXVN), thì hoạt động kinh tế tổng thể trong EU đạt khoảng 4.700 tỷ euro mỗi năm, trong đó khu vực sở hữu trí tuệ chiếm 39% (26% việc làm trực tiếp và 9% việc làm gián tiếp), ở Mỹ và các nước phát triển đóng góp của sở hữu trí tuệ vào nền kinh tế cũng tương tự. Chính vì vậy, trong đàm phán quốc tế, mới đây nhất là đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), vấn đề sở hữu trí tuệ được coi là vấn đề đàm phán khó khăn và gây nhiều tranh cãi nhất.
Ở nước ta, sở hữu trí tuệ vẫn là vấn đề mới mẻ, nhận thức chung còn những hạn chế nhất định nên chưa được coi trọng đúng mức. Từ khi Internet có mặt tại Việt Nam với sự phát triển nhanh chóng đã có ảnh hưởng tích cực tới nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, thực sự mang lại những hiệu quả to lớn, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ đắc lực cho việc thực hiện chính sách mở cửa, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước. Dịch vụ trên Internet ngày càng phát triển phong phú, đa dạng phục vụ nhu cầu của người dân. Bên cạnh những mặt tích cực, Internet cũng có những mặt trái và đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết, đặc biệt là sở hữu trí tuệ. Sự phát triển của khoa học công nghệ và tiện ích của môi trường mở là điều kiện thuận lợi để ai đó có ý đồ xấu, thực hiện mục đích trục lợi bằng hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hàng ngày, hàng giờ người dùng vẫn tiếp cận những sản phẩm trên mạng, đó có thể là một bản nhạc, một bài hát, một tác phẩm điện ảnh, một ấn phẩm sách... hay thường xuyên hơn là một tác phẩm báo chí trên mạng, song người dùng rất khó nhận biết sản phẩm đó có đáp ứng yêu cầu về sở hữu trí tuệ hay không. Thậm chí họ có biết và biết rất rõ nhưng chủ động lựa chọn vì mục tiêu riêng. Trên thị trường cũng không khó khăn khi bắt gặp những băng đĩa sao chép lậu, những bản sách in lậu, những phần mềm bị bẻ khóa, đã có lúc xuất hiện tình trạng người ta tìm một băng đĩa, một phần mềm hợp pháp khó khăn hơn rất nhiều so với tìm một băng đĩa lậu, phần mềm lậu, đó là thực tế, hiện nay chúng ta vẫn bắt gặp trong cuộc sống.
Vậy, Sở hữu trí tuệ là gì?
Sở hữu trí tuệ là khái niệm pháp lý chỉ sự bảo hộ của nhà nước đối với các thành quả lao động sáng tạo. 
Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.
Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
Quyền liên quan đến quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
Quyền đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu.
Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ là chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ hoặc tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ.
Trong bài giới thiệu này, chỉ trao đổi vấn đề liên quan đến quyền tác giả và quyền liên quan.

II. Hệ thống pháp luật liên quan đến sở hữu trí tuệ
Ở nước ta, các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ được quy định trong Bộ luật Dân sự từ 1995, sau đó được thể hiện trong Luật Sở hữu trí tuệ và nhiều văn bản dưới luật (Nghị định số 100/2006/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan, Nghị định số 103/2006/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, Nghị định 88/2010/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sở hữu trí tuệ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền đối với giống cây trồng, Nghị định số 105/2006/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, Nghị định số 122/2010/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP, Nghị định số 119/2010/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP, Nghị định số 85/2011/NĐ-CP ngày 20/9/2011 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan, Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14/3/2014 của Chính phủ Quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản…).
Về hệ thống chế tài, liên quan đến sở hữu trí tuệ chúng ta có 3 cơ chế:
- Dân sự: Bản chất vấn đề sở hữu trí tuệ là dân dân sự, ở các nước giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ thường sử dụng cơ chế này. Nhưng ở Việt Nam, cơ chế này ít được quan tâm, lựa chọn do có nhiều bất cập: mất nhiều thời gian, hiệu quả không cao, nhiều thủ tục. Trên thực tế chỉ có một số vụ việc giải quyết bằng cơ chế này.
- Hình sự: Giống cơ chế dân sự, cơ chế hình sự hầu như không được áp dụng, một trong những nguyên nhân của vấn đề này là quy định chưa rõ ràng, khó áp dụng.
Điều 170a Bộ luật hình sự quy định: Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan
1. Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm:
a) Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;
b) Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ bốn trăm triệu đồng đến một tỷ đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Trên thực tế chưa có văn bản nào hướng dẫn quy mô thương mại là thế nào? phạm vi thế nào? gây thiệt hại ở mức nào? do đó trong suốt quá trình tồn tại của điều luật này, nó hầu như không được áp dụng.
Bất cập này được khắc phục trong Bộ luật hình sự 2015 với quy định tại Điều 225 như sau:
Điều 225. Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan
“1. Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;
b) Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;
c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”
Tuy nhiên, hiện tại Bộ luật này đang tạm dừng thi hành để chỉnh sửa một số điều chưa phù hợp thực tiễn, không khuyến khích phát triển.
- Hành chính: đây là cơ chế được sử dụng nhiều nhất, các tổ chức, cá nhân bị xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan thường chọn cơ chế này do thủ tục đơn giản, nhanh gọn, hiệu quả.
Chế tài hành chính hiện nay quy định tại Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Một số điều khoản liên quan trực tiếp đến quá trình xử lý của lực lượng thanh tra thông tin và truyền thông là:
Điều 9. Hành vi xâm phạm quyền đứng tên, đặt tên tác phẩm
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tác phẩm mà không nêu tên thật, bút danh tác giả, tên tác phẩm hoặc nêu không đúng tên thật hoặc bút danh tác giả, tên tác phẩm trên bản sao tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng thông tin sai lệch đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này;
b) Buộc sửa lại đúng tên tác giả, tên tác phẩm trên bản sao tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có thông tin sai lệch về tên tác giả, tên tác phẩm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.
Điều 10. Hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tự ý sửa chữa, cắt xén tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xuyên tạc tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng thông tin sai sự thật đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này;
b) Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.
Điều 11. Hành vi xâm phạm quyền công bố tác phẩm
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi công bố tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.
Điều 12. Hành vi xâm phạm quyền làm tác phẩm phái sinh
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.
Điều 15. Hành vi xâm phạm quyền phân phối tác phẩm
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi phân phối tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.
Điều 17. Hành vi xâm phạm quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng
1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.
Điều 18. Hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm
1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.
Điều 25. Hành vi xâm phạm quyền phát sóng hoặc truyền theo cách khác đến công chúng cuộc biểu diễn chưa được định hình
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi phát sóng hoặc truyền theo cách khác đến công chúng cuộc biểu diễn chưa được định hình mà không được phép của chủ sở hữu quyền của người biểu diễn, trừ trường hợp cuộc biểu diễn đó nhằm mục đích phát sóng.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc dỡ bỏ bản sao cuộc biểu diễn vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.
Điều 26. Hành vi xâm phạm quyền phân phối đến công chúng bản gốc hoặc bản sao cuộc biểu diễn
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi phân phối đến công chúng bản gốc hoặc bản sao cuộc biểu diễn mà không được phép của chủ sở hữu quyền của người biểu diễn.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc dỡ bỏ bản sao cuộc biểu diễn dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.
Điều 27. Hành vi xâm phạm quyền sao chép bản ghi âm, ghi hình
1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép bản ghi âm, ghi hình mà không được phép của chủ sở hữu quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc dỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.
Điều 28. Hành vi xâm phạm quyền phân phối đến công chúng bản gốc hoặc bản sao bản ghi âm, ghi hình
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi phân phối đến công chúng bản gốc hoặc bản sao bản ghi âm, ghi hình mà không được phép của chủ sở hữu quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc dỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.
 Điều 29. Hành vi sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng mà không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định;
3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại trong cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ bưu chính viễn thông, môi trường kỹ thuật số mà không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc dỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số đối với hành vi quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.
Điều 30. Hành vi xâm phạm quyền phát sóng, tái phát sóng chương trình phát sóng
1. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi phát sóng, tái phát sóng chương trình phát sóng mà không được phép của chủ sở hữu quyền của tổ chức phát sóng.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc dỡ bỏ bản sao bản định hình chương trình phát sóng vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.
Điều 31. Hành vi xâm phạm quyền phân phối đến công chúng chương trình phát sóng
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi phân phối đến công chúng bản sao chương trình phát sóng mà không được phép của chủ sở hữu quyền của tổ chức phát sóng.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc dỡ bỏ bản sao chương trình phát sóng dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.
Điều 32. Hành vi xâm phạm quyền định hình chương trình phát sóng
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi định hình chương trình phát sóng mà không được phép của chủ sở hữu quyền của tổ chức phát sóng.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc dỡ bỏ bản sao chương trình phát sóng dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.
Điều 33. Hành vi xâm phạm quyền sao chép chương trình phát sóng
1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép bản định hình chương trình phát sóng mà không được phép của chủ sở hữu quyền của tổ chức phát sóng.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc dỡ bỏ bản sao chương trình phát sóng dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.
Điều 34. Hành vi trích ghép bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi trích ghép bản ghi âm, ghi hình mà không được phép của chủ sở hữu quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi trích ghép chương trình phát sóng mà không được phép của chủ sở hữu quyền của tổ chức phát sóng.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc dỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.
Có thể nói, vấn đề SHTT được nhà nước ta rất quan tâm từ việc xây dựng hệ thống pháp luật chuyên ngành đến công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện. Về cơ bản, các vấn đề liên quan đến SHTT đã được pháp luật điều chỉnh ở văn bản luật có giá trị pháp lý cao (Bộ luật dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ). Tuy vậy, việc triển khai trong thực tiễn vẫn còn vướng mắc. Ví dụ vào thời điểm Nghị định số 47/2009/NĐ-CP CP ngày 13/05/2009 Quy định XPVPHC về quyền tác giả, quyền liên quan còn hiệu lực, Nghị định này quy định thẩm quyền cho rất nhiều lực lượng như thanh tra văn hóa, thể thao và du lịch, hải quan, quản lý thị trường, công an, UBND các cấp nhưng không quy định thẩm quyền cho thanh tra Thông tin và Truyền thông đã gây ra nhiều khó khăn trong quá trình xử lý vi phạm. Hiện nay, quy định về nhà cung cấp dịch vụ trung gian (Cho thuê chỗ, cho thuê máy chủ…) chưa gắn được trách nhiệm của họ trong việc chủ động ngăn chặn hành vi vi phạm, họ cung cấp dịch vụ và thu tiền, hầu như không phải chịu chế tài gì khi người khác sử dụng dịch vụ của họ để kinh doanh thu lợi trái pháp luật. 

III. Cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan tham gia thực thi về sở hữu trí tuệ
1. Cơ quan quản lý nhà nước
Theo Luật sở hữu trí tuệ, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ , để thực hiện thẩm quyền của mình, Chính phủ giao 3 cơ quan tham gia công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này là:
Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm trước Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và thực hiện quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về quyền tác giả và quyền liên quan.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng.
Ngoài ra, các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ. Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ tại địa phương theo thẩm quyền.
Một điều dễ nhận thấy là các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ xảy ra chủ yếu ở môi trường báo chí, xuất bản, viễn thông, internet, là lĩnh vực thuộc quyền quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và truyền thông, nhưng Bộ Thông tin và truyền thông không được giao thẩm quyền quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.
2. Cơ quan thực thi
- Thanh tra
- Công an
- Hải quan
- Quản lý thị trường
- Tòa án
- UBND các cấp

IV. Các quy định của ngành thông tin và truyền thông liên quan đến sở hữu trí tuệ
Trong các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành thông tin và truyền thông, quyền tác giả, quyền liên quan cũng được quy định khá đầy đủ:
- Tại Khoản 16 Điều 2 Nghị định số 132/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông nêu nhiệm vụ của Bộ: “Phối hợp và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm báo chí, chương trình phát thanh, truyền hình đã mã hóa, xuất bản phẩm, tem bưu chính, sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông; đối với các phát minh, sáng chế thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của Bộ.”. 
- Tại Điều 12 Luật Công nghệ thông tin quy định các hành vi bị nghiêm cấm:
3. Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động công nghệ thông tin; sản xuất, lưu hành sản phẩm công nghệ thông tin trái pháp luật; giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác; tạo đường dẫn trái phép đối với tên miền của tổ chức, cá nhân sử dụng hợp pháp tên miền đó.”
- Tại Điều 24 Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng có quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp:
“Tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp có quyền và nghĩa vụ sau đây:
5. Thực hiện quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ liên quan đến việc cung cấp và sử dụng thông tin.

V. Thực trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan ở nước ta
Các loại hình vi phạm trong hoạt động báo chí, xuất bản và trên môi trường mạng diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.
Đặc biệt là trên môi trường mạng, trong những năm gần đây, các loại hình dịch vụ trên mạng phát triển mạnh từ học tập, nghiên cứu đến mua sắm, giải trí đều có thể thực hiện trên mạng. Riêng trong lĩnh vực điện ảnh, âm nhạc, theo con số được một số tổ chức đưa ra ở Việt Nam có khoảng hơn 400 website tiếng Việt đang công khai chiếu hàng chục ngàn bộ phim trên Internet, hơn 200 website nhạc tên miền “.vn”, nhiều website cung cấp các ấn phẩm của nhà xuất bản mà không được phép, chưa tính đến số website sử dụng tên miền quốc tế. Tuy nhiên chỉ có số ít thực hiện nghĩa vụ trả phí bản quyền, gây thiệt hại lớn cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, tạo hình ảnh rất xấu về thị trường trong nước. Chủ thể quyền bị xâm phạm không chỉ là tổ chức, cá nhân trong nước mà bao gồm cả tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Có thể nói chưa có nhiều người tìm kiếm được lợi nhuận từ hoạt động cung cấp dịch vụ này, tuy vậy, kinh doanh trên môi trường mạng là một xu hướng đang phát triển mạnh, có nhiều tiềm năng, có sức hút với nhiều người. Trong điều kiện thiết lập kênh cung cấp dịch vụ khá dễ dàng, cùng với việc khó khăn về các nguồn thu và nhiều khó khăn khác nên người kinh doanh tìm mọi cách trốn tránh để thu lợi, trong nhiều trường hợp họ không thực hiện nghĩa vụ trả phí bản quyền cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm. Để làm được điều đó họ sử dụng nhiều thủ đoạn để đối phó với chủ thể quyền, với cơ quan quản lý. Cách thức phổ biến nhất hiện nay là khi website bị xử lý đóng cửa họ mở một website khác với cách thức cung cấp thông tin tương tự nhưng thay đổi tên doanh nghiệp, tên người điều hành, quản lý. Một số đối tượng thì đăng ký tên miền quốc tế nhưng dấu danh tính, hoặc cố tình khai báo thông tin không đúng để tránh sự kiểm tra, hoặc không thông báo việc sử dụng tên miền quốc tế tại Việt Nam. Cá biệt có đối tượng sử dụng tên miền quốc tế, đặt server ở nước ngoài và cung cấp dịch vụ vào trong nước, có trường hợp họ sử dụng kỹ thuật ẩn IP. Tình trạng vi phạm bản quyền trên Internet diễn ra trên diện rộng và đang có chiều hướng gia tăng. 
Thực trạng này đã được ICTnew ngày 3/7/2014 nêu rõ: “Tuy nhiên, những trường hợp bị xử phạt này chỉ như "muối bỏ biển". Hành vi công khai chiếu các bộ phim và các chương trình truyền hình không có bản quyền diễn ra hết sức phổ biến. Hàng trăm website trong nước vẫn cố tình vi phạm bản quyền, hàng ngàn bộ phim, chương trình truyền hình được “xài chùa” trên Internet nhằm thu món lợi bất chính”.
Vì vậy, cuộc chiến chống vi phạm bản quyền trên Internet rất cam go, cần phải tiến hành lâu dài và thường xuyên, không thể giải quyết triệt để trong một sớm một chiều.
Nguyên nhân:
1. Việc phân định thẩm quyền quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ phân tán, rời rạc, chưa thật sự hợp lý. Bản chất của quản lý quyền tác giả, quyền liên quan là quản lý nội dung nhưng lại phân tán ở hai bộ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông. Hầu như vấn đề bản quyền thường phát sinh trong hoạt động báo chí, xuất bản, hoạt động thông tin trên mạng, là lĩnh vực do Bộ Thông tin và truyền thông quản lý. Vì vậy khi có vụ việc xảy ra sẽ khó xử lý nếu không phối hợp. Trên thực tế có sự trông chờ, đùn đẩy giữa hai ngành ở một số địa phương.
2. Nhận thức chung của xã hội về vấn đề sở hữu trí tuệ còn hạn chế, nhiều người chưa hiểu quy định pháp luật, không biết trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Nhiều người nghĩ đơn thuần khi sử dụng tác phẩm người khác chỉ cần ghi rõ nguồn và tác giả là đủ. Nhiều người chỉ vì mục đích mua được sản phẩm với giá rẻ hơn nên chủ động tìm mua những sản phẩm bất hợp pháp để sử dụng. Trong khi người dùng quá dễ dãi trong sử dụng sản phẩm vi phạm bản quyền thì tác giả, chủ sở hữu tác phẩm cũng chưa quyết tâm trong việc bảo vệ quyền hợp pháp của mình.
Bên cạnh đó môi trường mở đòi hỏi tính tự giác rất cao của người cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ, dẫn đến công tác quản lý trong lĩnh vực này gặp rất nhiều khó khăn, thử thách.
3. Người sử dụng dịch vụ trên Internet hầu như chưa có thói quen trả tiền, phần lớn là sử dụng miễn phí, do vậy đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian không thu được phí từ người dùng, họ phải tìm cách bù đắp chi phí từ các nguồn thu khác như quảng cáo, điều này tạo ra áp lực với họ nhất là khi hầu hết người cung cấp dịch vụ đều chưa có lãi, khiến họ tìm mọi cách có thể để giảm chi phí trong đó có việc trốn tránh nghĩa vụ trả phí bản quyền cho chủ sở hữu. 
4. Còn nhiều bất cập trong việc tiếp cận và trả phí bản quyền. Trong nhiều trường hợp, bản thân đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian cũng mong muốn trả phí cho chủ sở hữu để kinh doanh hợp pháp, nhưng không tiếp cận được chủ sở hữu hoặc không đàm phán được do kỹ năng, do thiếu sự chuẩn bị. Mặt khác, trong nhiều trường hợp bên mua và bên bán không đạt được thoả thuận về mức phí do quan điểm khác nhau. Bên cạnh đó các hiệp hội chưa có sự phối hợp để tập trung đầu mối đàm phán, thu phí, người cung cấp dịch vụ phải tiếp xúc nhiều chủ thể, mất nhiều thời gian, công sức.
5. Lực lượng thanh tra mỏng, công tác thanh tra, kiểm tra chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục, mới dừng lại ở việc xử lý sự vụ, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý. Hoạt động phối hợp giữa các ngành liên quan còn lỏng lẻo, chưa có cơ chế rõ ràng. Việc xử lý các vụ việc vi phạm bị phát hiện chưa nghiêm minh, mức xử phạt thấp không đủ sức răn đe.

VI. Thực trạng hoạt động thanh tra, kiểm tra
Đối với lĩnh vực này, lực lượng thanh tra chuyên ngành thông tin và truyền thông chưa tiến hành thanh tra, kiểm tra thường xuyên, quyết liệt, sự phối hợp chưa chặt chẽ. Hành vi vi phạm pháp luật chưa được xử lý nghiêm minh, chưa mang tính răn đe, cảnh báo. Vi phạm sở hữu trí tuệ khá phổ biến và không khó nhận biết, song hoạt động thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực này chưa được chú trọng đúng mức, mới dừng lại ở các vụ việc đơn lẻ, sự vụ, chưa có cuộc thanh diện rộng nào để đánh giá tình hình một cách sâu sắc, toàn diện.
Trong vài năm trở lại đây, thanh tra thông tin và truyền thông, chủ yếu là thanh tra Bộ chỉ xử lý khoảng 10 trường hợp vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan với số tiền phạt khoảng 80 triệu đồng, cảnh cáo 4 trường hợp, ngoài ra đóng cửa và tịch thu một số tên miền “.vn”. Trong đó có vi phạm về quyền tác giả tác phẩm điện ảnh, âm nhạc, báo chí. Rõ ràng con số này không phản ảnh trung thực tình hình vi phạm, làm cho con người quen với việc ứng xử bàng quang, sử dụng sản phẩm bất hợp pháp, pháp luật không được coi trọng. Nếu không kịp thời khắc phục sẽ gây tác động xấu đến đời sống xã hội trên nhiều phương diện.
Về hoạt động phối hợp: Trong 10 năm qua, các bộ ngành có liên quan đã triển khai nhiều hoạt động phối hợp ở nhiều cấp độ khác nhau để tăng cường quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan. Việc phối hợp được các bộ thể hiện dưới nhiều hình thức phối hợp thanh tra, kiểm tra, tham gia ký kết chương trình hành động hoặc ban hành thông tư liên tịch. Chương trình hành động số 168/CTHĐ/VHTT-KHCN-NN&PTNN-TC-TM-CA giai đoạn 2006 - 2010 về hợp tác phòng và chống xâm phạm quyền SHTT gồm 6 bộ sau đó có bổ sung  Bộ Bưu chính viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông). Chương trình này được tiếp tục thực hiện giai đoạn hai 2012-2015 và được bổ sung hai thành viên mới là Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Năm 2012, Bộ TTTT, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đã ban hành Thông tư liên tịch số 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL ngày 19/6/2012 quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông, theo đó các doanh nghiệp viễn thông, Internet, DataCenter, mạng xã hội trực tuyến, tìm kiếm thông tin có trách nhiệm từ chối và gỡ bỏ các nội dung thông tin vi phạm về bản quyền. Ở thời điểm này, môi trường mạng là môi trường rất rộng lớn, không có biên giới với rất nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, rất nhiều tiện ích phục vụ nhu cầu con người, đồng thời cũng ẩn chưa nhiều diễn biến phức tạp, trong đó có vấn đề sở hữu trí tuệ. Vì vậy, việc ban hành thông tư liên tịch này có ý nghĩa rất quan trọng, nó quy định trách nhiệm cụ thể của cơ quan quản lý và đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian, góp phần từng bước ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng xâm phạm SHTT.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng có nhiều chỉ thị chỉ đạo lĩnh vực này như Chỉ thị 36/CT-TTg ngày 31/12/2008 về việc tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, Chỉ thị số 1762/CT-TTg ngày 4/11/2009 về triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự ...
Tuy nhiên, hoạt động phối hợp vẫn mang nặng tính hình thức, rời rạc.

VII. Giải pháp
- Tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các bộ và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về nội dung. Xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và đàm phám với chủ sở hữu quyền.
- Khuyến khích tác giả, chủ sở hữu tác phẩm áp dụng các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ sản phẩm của mình, nỗ lực hơn trong việc đấu tranh bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, phối hợp với cơ quan chức năng để phát hiện và xử lý kịp thời hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
- Cải tiến những bất cập trong việc thu phí bản quyền, mức phí cần hài hoà các lợi ích tác giả, người cung cấp dịch vụ, người dùng. Tập trung một đầu mối để đàm phán, ký kết.
- Đối với tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông cần hình thành các Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan và Tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình.
- Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao hơn nữa nhận thức của các tầng lớp nhân dân về sở hữu trí tuệ, tạo chuyển biến tích cực trong xã hội.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh những đối tượng có hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan, những trường hợp vi phạm ở quy mô lớn cần xem xét để xử lý hình sự. Xây dựng cơ chế phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm giữa Bộ Thông tin và truyền thông và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

VIII. Nội dung thanh tra quyền tác giả, quyền liên quan
1. Thỏa thuận cho phép sử dụng tác phẩm của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, thực hiện thỏa thuận về tài chính với tác giả, chủ sở hữu tác phẩm. 
2. Quyền nhân thân:
- Đặt tên cho tác phẩm
- Thể hiện tên thật hoặc bút danh của tác giả
- Công bố tác phẩm 
- Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm
- Dẫn nguồn.
3. Quyền tài sản:
- Làm tác phẩm phái sinh
- Sao chép tác phẩm
- Phân phối, nhập khẩu tác phẩm
- Truyền đạt tác phẩm đến công chúng 
- Thời hạn sử dụng, phạm vi sử dụng, số lượng cho phép

TTBD
Cập nhật : 13:53 - 24/03/2023
In trang này Click here to Print it!