Mô hình Quản lý tài nguyên nước ở Hàn Quốc và Thái Lan

Những vấn đề về nước, không chỉ là vấn đề riêng của một cộng đồng, một quốc gia mà còn là những vấn đề chung của khu vực, có tính toàn cầu. Việc quản lý các nguồn tài nguyên xuyên biên giới cần phải có sự hợp tác để đạt được các giải pháp quản lý và phát triển tài nguyên nước tối ưu cho tất cả các quốc gia trong lưu vực.

Những vấn đề về nước, không chỉ là vấn đề riêng của một cộng đồng, một quốc gia mà còn là những vấn đề chung của khu vực, có tính toàn cầu. Trên thế giới có khoảng 276 lưu vực sông xuyên biên giới, được chia sẻ bởi 148 quốc gia, cung cấp 60% tổng lưu lượng nước ngọt toàn cầu. Tương tự, đối với nước dưới đất có khoảng 600 tầng chứa nước được chia sẻ bởi nhiều hơn hai quốc gia. Việc quản lý các nguồn tài nguyên xuyên biên giới cần phải có sự  hợp tác để đạt được các giải pháp quản lý và phát triển tài nguyên nước tối ưu cho tất cả các quốc gia trong lưu vực.  Hơn nữa, khan hiếm nước dài hạn, sự không chắc chắn về thủy văn và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt (lũ lụt và hạn hán) được coi là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sự thịnh vượng và ổn định toàn cầu. Hạn hán và khan hiếm nước càng làm trầm trọng thêm các xung đột và tính dễ bị tổn thương hiện nay. 

1. Hàn Quốc:
Hàn Quốc đã được công nhận rộng rãi về sự chuyển mình nhanh chóng từ một quốc gia bị chiến tranh tàn phá thành một trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong lĩnh vực tài nguyên nước, Hàn Quốc cũng là một trong những quốc gia nổi bật tại Châu Á về những thành tựu đạt được trong quá trình chuyển đổi từ giai đoạn nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề sang quản lý nguồn nước chủ động với trình độ kỹ thuật, khoa học công nghệ cao. Luật pháp, thể chế và sự lãnh đạo được hệ thống hóa là những yếu tố then chốt để phát triển và duy trì thành công trong quản lý tài nguyên nước ở Hàn Quốc.
Tương tự như Việt Nam, công tác quản lý tài nguyên nước ở Hàn Quốc trước đây do nhiều Bộ cùng tham gia, trong đó phải kể đến 04 bộ quan trọng nhất là Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải (MOLIT); Bộ Môi trường (MOE); Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn (MAFRA); Bộ Nội vụ và An toàn (MOIS). Bên cạnh đó, quản lý tài nguyên nước cũng được phân cấp với vai trò chủ động của các chính quyền địa phương. Nhiều bộ luật liên quan đến tài nguyên nước đã được ban hành và vận hành bởi 4 Bộ lớn liên quan đến nước nên trên.

Bảng. Các bộ luật liên quan quản lý tài nguyên nước tại Hàn Quốc 
STT Tên luật/chính sách Bộ
1 Khung chính sách về đất đai quốc gia MOLIT
2 Luật Sông ngòi MOLIT
3 Luật Nước ngầm MOLIT
4 Luật Xây dựng Đập và Hỗ trợ, v.v. cho môi trường của chúng MOLIT
5 Luật Quy hoạch và sử dụng đất quốc gia MOLIT
6 Luật Phát triển đô thị MOLIT
7 Khung chính sách về môi trường ME
8 Luật Cấp nước và Lắp đặt công trình nước ME
9 Luật Nước thải ME
10 Luật Chất lượng nước và Bảo tồn hệ sinh thái thủy sinh ME
11 Luật Sắp xếp lại các làng nông nghiệp và làng chài MAFRA
12 Luật duy trì sông nhỏ, suối MOIS
13 Luật Các biện pháp đối phó với thiên tai MOIS
14 Khung chính sách về Quản lý Thiên tai và An toàn MOIS

Việc có quá nhiều bên tham gia vào công tác quản lý tài nguyên nước, đôi khi làm giảm tính hiệu quả và nhất quán của việc thi hành các chính sách của Hàn Quốc. Bên cạnh đó, sự chồng chéo của các kế hoạch, bộ luật cũng khiến việc sử dụng ngân sách kém hiệu quả. Do đó, vào năm 2018, chính phủ Hàn Quốc đã điều chỉnh toàn diện hệ thống quản lý tài nguyên nước quốc gia từ mô hình phân tán trách nhiệm giữa các bộ thành cấu trúc tích hợp với Bộ Môi trường là cơ quan chủ trì duy nhất.
Mục tiêu của cuộc cải cách này là tối đa hóa hiệu quả hành chính trong quản lý tài nguyên nước nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả chi phí, công bằng và bền vững nguồn tài nguyên nước hạn chế của quốc gia. Theo Đạo luật Khung mới về Quản lý tài nguyên Nước, Hàn Quốc sẽ xây dựng Kế hoạch Quản lý tài nguyên nước Quốc gia 10 năm một lần, xác định các mục tiêu chính sách và các biện pháp cụ thể về các vấn đề toàn diện về nước bao gồm chất lượng nước, tài nguyên nước, thảm họa nước, xung đột và ngành nước. Kế hoạch quản lý nước quốc gia đầu tiên được xây dựng vào năm 2020.

2. Thái Lan 
Đến năm 2004, Thái Lan đã lập 25 Ủy ban lưu vực sông cùng các văn phòng và các tiểu ban chuyên môn và tiểu ban địa phương để quản lý tài nguyên nước tại cấp lưu vực. 
Ủy ban lưu vực sông có các nhiệm vụ và quyền hạn sau:
- Kiến nghị lên Ủy ban Tài nguyên nước quốc gia các vấn đề chính sách, kế hoạch, dự án;
- Lập qui hoạch quản lý tài nguyên nước lưu vực sông gồm nước mặt và nước dưới đất; khai thác sử dụng và phòng chống lũ lụt;
- Điều phối việc xây dựng kế hoạch và ngân sách liên quan đến tài nguyên nước lưu vực của các ngành;
- Xác lập yêu cầu dùng nước và ưu tiên phân phối nước;
- Giám sát và đánh giá việc khai thác sử dụng nước mặt và nước dưới đất;
- Hỗ trợ tư vấn cho các địa phương về quản lý tài nguyên nước;
- Thông tin về các hạ tầng và hoạt động khai thác sử dụng nước;
- Giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước;
- Phối hợp với các lưu vực sông lân cận;
- Truyền thông nâng cao nhận thức;
- Ra quyết định lập các tiểu ban. 
Cơ cấu thành viên tiểu ban có đại diện các ngành, các giới và địa phương tham gia hoạt động trực tiếp: các ngành chuyên môn nhà nước ban đầu rất đông (gần 1/2) sau giảm xuống còn khoảng 1/3, còn lại phân bổ cho 5 nhóm đối tượng người dùng nước: nông dân, tư nhân (công nghiệp và dịch vụ), chuyên gia và nhân vật có tiếng, tổ chức phi chính phủ, chính quyền địa phương kể cả cấp xã, làng. 
Tại mỗi Chi cục tài nguyên nước khu vực (Thái Lan không lập cơ quan quản lý tài nguyên nước cấp tỉnh mà lập 10 Chi cục tài nguyên nước khu vực trực thuộc Cục Tài nguyên nước trung ương), trong các Chi cục này đều có tổ chức làm nhiệm vụ Văn phòng giúp việc cho (1 hoặc vài) Ủy ban lưu vực sông.

TTBD
Cập nhật : 13:45 - 24/03/2023
In trang này Click here to Print it!