Góp phần quan trọng nâng cao năng lực cho đại biểu

Hoạt động của Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử gần 20 năm qua đã đạt nhiều thành tựu quan trọng và đáng tự hào, giúp đại biểu thực hiện nhiệm vụ tốt hơn ngay từ đầu nhiệm kỳ.

Hoạt động của Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử gần 20 năm qua đã đạt nhiều thành tựu quan trọng và đáng tự hào, giúp đại biểu thực hiện nhiệm vụ tốt hơn ngay từ đầu nhiệm kỳ. Sự nghiệp đổi mới đất nước nói chung, đổi mới hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân nói riêng đòi hỏi tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp để hoạt động bồi dưỡng đại biểu dân cử thực sự thiết thực và hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực cho đại biểu dân cử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quyền lực Nhà nước.

“Luồng gió mới” nỗ lực làm tốt hơn nhiệm vụ được giao
Trước vai trò ngày càng được nâng cao của Quốc hội trong thời kỳ đổi mới, xét thấy nhu cầu bồi dưỡng đại biểu dân cử là cần thiết và cấp bách, ngày 10.11.2004, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khóa XI đã ban hành Quyết định số 514/QĐ/VPQH thành lập Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử trực thuộc Văn phòng Quốc hội. Thời điểm này, Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử được xác định là đơn vị cấp phòng, đảm trách nhiệm vụ giúp lãnh đạo Văn phòng Quốc hội điều phối và tổ chức thực hiện các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn đại biểu dân cử. 
Sau hơn 4 năm hoạt động, nhận thấy Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XII quyết định ban hành Nghị quyết số 591/2008/UBTVQH 12 ngày 03.3.2008 nâng cấp Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử thành đơn vị cấp Vụ trực thuộc Ban Công tác đại biểu để tương xứng với nhiệm vụ, quyền hạn có chức năng nghiên cứu, tham mưu, tổ chức phục vụ Ban Công tác đại biểu trong việc giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội về công tác trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đại biểu dân cử. Điều này tạo nên một “luồng gió mới” thôi thúc tập thể Lãnh đạo và công chức công tác tại Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử nỗ lực làm tốt hơn nữa nhiệm vụ, góp phần nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu dân cử. 
Dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội (từ ngày 10/11/2004 đến ngày 03/3/2008) và Lãnh đạo Ban Công tác đại biểu (từ ngày 03/3/2008 đến nay), Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử đã tham mưu tổ chức nhiều hoạt động hữu ích góp phần nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu dân cử. 
Về tổ chức Hội nghị tập huấn: Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử đã liên tục nỗ lực tham mưu thiết kế có hệ thống các nội dung bồi dưỡng theo tiêu chí đối tượng thụ hưởng và đặc thù theo giai đoạn trong nhiệm kỳ Quốc hội. Từ năm 2005 đến nay, Ban đã tổ chức 142 hội nghị bồi dưỡng, thu hút sự tham dự của khoảng 15.000 lượt đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, lãnh đạo và chuyên viên của Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND của các tỉnh/thành phố trên cả nước . Đồng thời liên tục cập nhật các thông tin bồi dưỡng đến với từng đối tượng đại biểu. Song song với hội nghị chủ động tổ chức cho đại biểu Quốc hội, theo đề nghị của các địa phương, Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử thường xuyên có các hoạt động phối hợp tổ chức bồi dưỡng cho đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Diễn đàn trao đổi thiết thực, sôi nổi
Phát huy vai trò, nhiệm vụ của mình, những năm qua, Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử đã liên tục nỗ lực tham mưu thiết kế có hệ thống nội dung bồi dưỡng theo tiêu chí đối tượng thụ hưởng và đặc thù theo giai đoạn trong nhiệm kỳ; đồng thời, thường xuyên phối hợp tổ chức bồi dưỡng cho đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Cùng với bảo đảm tiến độ, việc nâng cao chất lượng tổ chức các chương trình bồi dưỡng được quan tâm trên tất cả các khâu, nhất là đổi mới hình thức, phương pháp bồi dưỡng, khuyến khích sự tham gia, chia sẻ của các đại biểu… Do đó, các hội nghị bồi dưỡng luôn tạo ra diễn đàn trao đổi thiết thực, sôi nổi, nhận được sự đánh giá cao của đại biểu về tính hữu ích, sự phù hợp của chương trình và khả năng vận dụng vào công việc của đại biểu dân cử. 
Đánh giá công tác bồi dưỡng đại biểu dân cử là hoạt động quan trọng nhưng có tính chất đặc thù về công việc và đối tượng, ngày 27.8.2010, Đảng Đoàn Quốc hội khóa XII đã thông qua Kết luật số 421về Đề án Đổi mới phương pháp bồi dưỡng đại biểu Quốc hội. Theo đó, Ban Công tác đại biểu chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng và thực hiện các chương trình bồi dưỡng đại biểu Quốc hội cả nhiệm kỳ và hàng năm. Thời gian này, Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử tham mưu giúp Ban Công tác đại biểu nghiên cứu, xây dựng khung chương trình bồi dưỡng đại biểu Quốc hội và đã được Đảng đoàn Quốc hội phê duyệt. Khung Chương trình là tiền đề quan trọng cho việc triển khai các hoạt động một cách có kế hoạch, hệ thống, chủ động và hiệu quả; giúp các đại biểu Quốc hội có thể lựa chọn, tham gia theo nhu cầu, đồng thời là cơ sở cho việc xây dựng và bố trí ngân sách đảm bảo cho các hoạt động bồi dưỡng. 
Sau hơn 10 năm hoạt động theo Kết luận số 421 và Khung Chương trình bồi dưỡng đại biểu Quốc hội, ngày 29.11.2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục ban hành Kế hoạch 98/KH-UBTVQH15 về Bồi dưỡng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, kèm theo đó là 2 Khung chương trình bồi dưỡng cho đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Đây là văn bản quan trọng giúp Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử tiếp tục tham mưu mở rộng hoạt động bồi dưỡng cho đại biểu dân cử, gồm cả đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Có thể khẳng định, với gần 20 năm qua, trong đó có 15 năm là đơn vị thuộc Ban Công tác đại biểu, hoạt động bồi dưỡng đại biểu dân cử đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, đáng tự hào, giúp đại biểu thực hiện tốt nhiệm vụ ngay từ đầu nhiệm kỳ. Sự nghiệp đổi mới đất nước nói chung, đổi mới hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân nói riêng đòi hỏi tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp để hoạt động bồi dưỡng đại biểu dân cử thực sự thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực cho đại biểu dân cử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quyền lực Nhà nước.

TTBD
Cập nhật : 13:23 - 24/03/2023
In trang này Click here to Print it!