Một số điểm lưu ý khi thảo luận, xem xét lựa chọn các phương án chính sách liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ

Phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đồi) rộng, liên quan đến 102 điều luật tại 14 chương. Do đó, các ý kiến thảo luận rất đa dạng và phong phú.
1. Những nội dung còn nhiều ý kiến tranh luận của dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đồi)
Phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đồi) rộng, liên quan đến 102 điều luật tại 14 chương. Do đó, các ý kiến thảo luận rất đa dạng và phong phú. Trong tờ trình, Chính phủ xin ý kiến về 2 vấn đề lớn để Quốc hội thảo luận, đó là:
1/ Về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.
2/ Xử phạt hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Quốc hội đã tập trung thảo luận và nhất trí thông qua với nội dung được thể hiện tại các điều luật cụ thể như sau:
- Về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; Bổ sung 02 điều luật như sau:
+ Điều 86a. Quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước
+ Điều 133a. Quyền của Nhà nước đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.
Tinh thần của điều luật là trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, đồng thời có cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả. Qua đó nhằm khuyến khích biến các kết quả nghiên cứu thành các tài sản được bảo hộ Quyền Sở hữu trí tuệ, tạo tiền đề khai thác thương mại các tài sản này trên thị trường đạt hiệu quả hơn.
- Về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm Quyền Sở hữu trí tuệ
Quốc hội vẫn giữ nguyên quy định tại Điều 211 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2016 về hành vi xâm phạm Quyền Sở hữu trí tuệ bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể là tổ chức, cá nhân thực hiện một trong các hành vi xâm phạm Quyền Sở hữu trí tuệ đối với tất cả các đối tượng của Luật Sở hữu trí tuệ quy định tại Khoản 1 Điều 211 sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mà không giới hạn đối với một số đối tượng của Quyền Sở hữu trí tuệ như một số ý kiến đã nêu.
Đồng thời Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung Điều 212 của Luật Sở hữu trí tuệ về các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả cho phù hợp.
2. Một số điểm lưu ý khi thảo luận, xem xét lựa chọn các phương án chính sách liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ
Các nội dung sửa đổi bổ sung trong Luật Sở hữu trí tuệ có liên quan đến một số điều luật trong Luật Hải quan và Luật Khoa học và công nghệ cũng như Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Giá. Các điều luật của các luật này đã được sửa đổi, bổ sung và nêu cụ thể tại Điều 2 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022.
Tuy nhiên, việc thực thi các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đòi hỏi phải tiếp tục rà soát các quy định có liên quan đến sở hữu trí tuệ trong các luật khác có liên quan để đánh giá tính phù hợp, tính thống nhất của các luật này về nội dung sở hữu trí tuệ và tăng cường tính hiệu lực của các quy định về sở hữu trí tuệ thông qua việc triển khai sâu rộng và thi hành luật, cụ thể:
a. Vấn đề thực thi Quyền sở hữu trí tuệ trong Luật Giao dịch điện tử:
Luật Giao dịch điện tử quy định về chương trình ký điện tử (là chương trình máy tính được thiết lập để hoạt động độc lập hoặc thông qua thiết bị, hệ thống thông tin, chương trình máy tính khác nhằm tạo ra một chữ ký điện tử đặc trưng cho người ký thông điệp dữ liệu; cơ sở dữ liệu điện tử; dữ liệu thông tin; thông điệp dữ liệu… có thể là đối tượng của quyền tác giả được bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ. Do đó, các hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với các đối tượng nêu trên bị xử lý theo Luật Sở hữu trí tuệ.
b. Vấn đề thực thi Quyền sở hữu trí tuệ trong Luật Công nghệ thông tin.
Luật này có quy định về phần mềm (là chương trình máy tính được mô tả bằng hệ thống ký hiệu, mã hoặc ngôn ngữ để điều khiển thiết bị số thực hiện chức năng nhất định), trang thông tin điện tử (Website), số hóa, tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”. Đây là các đối tượng có thể hiện được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan theo Luật Sở hữu trí tuệ.
Khoản 3, Điều 12 của Luật Công nghệ thông tin quy định nghiêm cấm hành vi “xâm phạm Quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động công nghệ thông tin; sản xuất, lưu hành sản phẩm công nghệ thông tin trái pháp luật; giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác; tạo đường dẫn trái phép với tên miền của tổ chức, cá nhân sử dụng hợp pháp tên miền đó”.
Việc bảo vệ Quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin được Nhà nước rất quan tâm. Điều 69 của Luật quy định “Bảo về quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin.”
Việc bảo vệ Quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin phải thực hiện theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và các quy định sau đây:
1. Tổ chức, cá nhân truyền đưa thông tin trên môi trường mạng có quyền tạo ra bản sao tạm thời một tác phẩm được bảo hộ do yêu cầu kỹ thuật của hoạt động truyền đưa thông tin và bản sao tạm thời được lưu trữ trong khoảng thời gian đủ để thực hiện việc truyền đưa thông tin;
2. Người sử dụng hợp pháp phần mềm được bảo hộ có quyền sao chép phần mềm đó để lưu trữ dự phòng và thay thế phần mềm bị phá hỏng mà không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền.”

TTBD

Cập nhật : 13:16 - 24/03/2023
In trang này Click here to Print it!