Mối quan hệ giữa nợ công và sự phát triển của một quốc gia

Để kích thích tăng trưởng, tạo động lực cho phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nợ công luôn là một trong những công cụ chính sách được ưu tiên hàng đầu của Chính phủ các quốc gia. Tuy nhiên, việc khai thác và kiểm soát kém hiệu quả nguồn lực từ nợ công cũng có thể dẫn tới các cuộc khủng hoảng nợ.

Để kích thích tăng trưởng, tạo động lực cho phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nợ công luôn là một trong những công cụ chính sách được ưu tiên hàng đầu của Chính phủ các quốc gia. Tuy nhiên, việc khai thác và kiểm soát kém hiệu quả nguồn lực từ nợ công cũng có thể dẫn tới các cuộc khủng hoảng nợ, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển, trong bối cảnh ứng phó với đại dịch và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. 

1. Quan điểm lý thuyết về mối quan hệ giữa nợ công và tăng trưởng kinh tế
Cho tới thời điểm hiện tại, các nhà nghiên cứu và những người làm chính sách vẫn thường có những quan điểm rất khác nhau khi xem xét mối quan hệ giữa nợ công và tăng trưởng kinh tế. Trong đó, những quan điểm phổ biến nhất về vấn đề này bao gồm: (1) nợ công không có tác động tới tăng trưởng kinh tế; (2) nợ công có tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế; (3) nợ công có tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế; và (4) nợ công có tác động phi tuyến tính tới tăng trưởng kinh tế.
1.1. Nợ công không có tác động tới tăng trưởng
Quan điểm cho rằng nợ công không có tác động tới tăng trưởng xuất hiện từ thế kỷ XIX và trở nên phổ biến nhờ các nghiên cứu của Barro (1974) và Buchanan (1976) khi các kết quả dựa trên nghiên cứu thực nghiệm của họ chỉ ra rằng trong những điều kiện nhất định, sự phát triển của nền kinh tế không bị ảnh hưởng bởi các quyết định của chính phủ trong việc huy động ngân sách thông qua thuế hoặc các khoản vay, viện trợ không hoàn lại. Barro (1989) một lần nữa làm rõ và phát triển quan điểm này khi lập luận rằng mức nợ công, khi không ảnh hưởng tới khả năng thanh toán dài hạn của chính phủ, chỉ có tác động tới sự phân bổ nguồn lực tài chính giữa các chủ thể của nền kinh tế và không ảnh hưởng tới tăng trưởng. Cụ thể, những thay đổi trong chính sách huy động ngân sách, tiết kiệm của chính phủ (public saving) sẽ được trung hòa bởi những điều chỉnh tương ứng bởi các quyết định tiết kiệm của khu vực tư nhân (private saving). Luồng quan điểm này tuy xuất hiện sớm và đặt nền móng cho nhiều lý luận về kinh tế, chính sách, vẫn tồn tại nhiều hạn chế do dựa trên một số giả thiết mang nặng tính lý thuyết và chưa sát với thực tế (đặc biệt tại các nền kinh tế đang phát triển) như: các thị trường vốn và thị trường tài chính hoạt động một cách hoàn hảo; tốc độ tăng trưởng dân số bất biến; các chủ thể kinh tế luôn ra quyết định một cách hợp lý và khả năng dự báo chính xác các diễn biến của nền kinh tế….
1.2. Nợ công có tác động tiêu cực tới tăng trưởng
Đây là quan điểm cho rằng việc tăng nợ công sẽ làm giảm khả năng đưa ra các quyết định đầu tư tối ưu của các doanh nghiệp tư nhân do đối mặt với các khó khăn trong việc dự báo các yếu tố kinh tế vĩ mô và các chính sách của chính phủ. Những ảnh hưởng tiêu cực của nợ công sẽ trở nên nặng nề hơn khi mức tăng trưởng nợ công ảnh hưởng tới tính ổn định trong các chính sách. Ngoài ra, những tác động tiêu cực của nợ công còn được thể hiện ở sự giảm chi tiêu cho đầu tư của khu vực tư nhân khi chính phủ tăng cường các hoạt động đầu tư (hiệu ứng lấn át). Việc chính phủ tăng cường ngân sách thông qua các khoản nợ sẽ làm giảm khả năng huy động vốn của nền kinh tế, làm tăng lãi suất thực tế, giảm khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp, qua đó ảnh hưởng tới tăng trưởng. Cuối cùng, khi chính phủ huy động ngân sách thông qua các khoản vay thay vì thuế, các doanh nghiệp và hộ gia đình thường có xu hướng đánh giá sai những chính sách ưu đãi về thuế này khi lầm tưởng rằng những thu nhập tăng thêm (đến từ chính sách thuế mang tính khuyến khích) là kết quả từ sự phát triển nội tại của doanh nghiệp, từ đó tăng chi tiêu thay vì tiết kiệm hoặc đầu tư, dẫn đến sự suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
1.3. Nợ công có tác động tích cực tới tăng trưởng
Các nội dung của học thuyết kinh tế Keynes cho rằng nợ công ở mức độ vừa phải sẽ có tác dụng kích thích tăng trưởng kinh tế do mang lại nguồn lực cho chính phủ để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng chi tiêu chính phủ, kích thích tổng cầu hàng hóa, dịch vụ, tạo nhu cầu việc làm và tăng sản lượng của nền kinh tế. Việc tăng cường chi tiêu công, kích thích phát triển kinh tế cũng sẽ khuyến khích khu vực tư nhân tăng cường đầu tư sản xuất kinh doanh. Ngoài học thuyết Keynes, Eisner (1992) cũng cho rằng nợ công khi được duy trì ở mức tăng trưởng hợp lý (thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP) sẽ mang lại những tác động tích cực tới tổng nhu cầu hàng hóa, dịch vụ, nhu cầu lao động, và tăng trưởng kinh tế.
1.4. Nợ công có tác động phi tuyến tính tới tăng trưởng kinh tế
Ngoài các quan điểm trên, có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ phi tuyến tính giữa nợ công và tăng trưởng kinh tế. Theo đó, nợ công khi được duy trì ở mức thấp sẽ mang lại tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế và duy trì tốc độ phát triển kinh tế ở mức cao. Lý thuyết về việc tối ưu hóa tốc độ tăng trưởng kinh tế thông qua mức nợ công được phát triển bởi Sachs (1989) và Krugman (1988) chỉ ra rằng khi nợ công được duy trì dưới một ngưỡng nhất định, hiệu ứng lan tỏa từ các hoạt động đầu tư công sẽ có tác dụng lớn hơn hiệu ứng lấn át, làm tăng các hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh từ khu vực tư nhân, kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nợ công khi vượt một ngưỡng nhất định sẽ có tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế khi các khoản nợ của chính phủ để bù đắp thâm hụt ngân sách sẽ làm giảm khả năng vay vốn của khu vực tư nhân, kìm hãm sự phát triển của các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tương tự, nợ công ở mức thấp sẽ có tác dụng kích thích phát triển kinh tế, nhưng khi vượt một ngưỡng nhất định sẽ mang lại bất ổn cho nền kinh tế do các khoản tiết kiệm tư nhân sẽ tăng lên khi người dân và doanh nghiệp chuẩn bị cho những mức thuế cao hơn trong tương lai để chi trả gốc và lãi cho các khoản nợ công tại thời điểm hiện tại. Do vậy, việc nợ công được duy trì và tăng trưởng ở mức cao sẽ kìm hãm hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của khu vực tư nhân.
2. Các nghiên cứu thực nghiệm về mối quan hệ giữa nợ công và tăng trưởng kinh tế
Có thể thấy, các quan điểm lý luận được nêu ở trên dù khác biệt nhưng cũng đã thể hiện một số đặc điểm có thể quan sát được: (1) mức độ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế tại các ngưỡng nợ công khác nhau và (2) tác động của nợ công có sự khác biệt tùy theo mức độ phát triển của nền kinh tế. Thực tế, những nghiên cứu thực nghiệm dựa trên số liệu về nợ công và tăng trưởng kinh tế của các quốc gia đã bổ sung cho những quan điểm lý thuyết khi chỉ ra và làm rõ các đặc điểm này.
Panizza và Presbitero (2014), trong nghiên cứu dựa trên dữ liệu của các quốc gia phát triển là các quốc gia thành viên của Tổ chức hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), đã đi đến kết luận rằng giữa nợ công và tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia có tồn tại mối quan hệ tương quan nghịch biến. Tuy nhiên nghiên cứu không khẳng định rằng nợ công là nguyên nhân dẫn tới sự suy giảm về tốc độ tăng trưởng kinh tế và khuyến nghị không nên sử dụng tỷ lệ nợ công/GDP làm cơ sở duy nhất để xây dựng, điều chỉnh chính sách. Dù vậy, việc không chứng minh được mối quan hệ nguyên nhân – kết quả giữa tỷ lệ nợ công cao và sự suy giảm tốc độ phát triển kinh tế không có nghĩa rằng một quốc gia có thể phát triển ở bất kỳ mức nợ công nào.
Tương tự, Le Van và Nguyen Van (2018), cũng khẳng định lại mối quan hệ tương quan nghịch biến giữa nợ công và tăng trưởng kinh tế khi kết luận rằng tỷ lệ nợ công có tác động tiêu cực tới tăng trưởng khi vượt ngưỡng 70% GDP. Tương quan nghịch biến này cũng được đề cập trong nghiên cứu của Kharusi và Ada (2015) khi nợ công cho thấy các tác động tiêu cực tới sự phát triển kinh tế; và khuyến nghị Ngân hàng Trung ương Oman (đối tượng nghiên cứu) cần có kế hoạch giám sát sử dụng nợ công một cách hiệu quả thay vì trực tiếp cắt giảm nợ công.
Baum, Checherita-Westphal và Rother (2012) dựa trên dữ liệu của 12 quốc gia Châu Âu trong khoảng thời gian từ 1970 – 2008 đã tiến hành nghiên cứu thực nghiệm về mối quan hệ giữa tỷ lệ nợ công/GDP và tỷ lệ tăng trưởng GDP bình quân đầu người. Kết luận của nghiên cứu cho thấy mối quan hệ phi tuyến tính giữa nợ công và tỷ lệ tăng trưởng GDP bình quân đầu người. Cụ thể, nợ công có tác động tích cực tới tỷ lệ tăng GDP bình quân đầu người tại một quốc gia khi được duy trì ở mức tương đương dưới 90% GDP của quốc gia đó. Khi tỷ lệ nợ công/GDP đạt trên 90%, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người sẽ bị kìm hãm. Cần lưu ý rằng các quốc gia được xem xét trong nghiên cứu này hầu hết là các quốc gia phát triển tại Châu Âu (bao gồm Áo, Bỉ, Phần Lan, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan,…) nên ngưỡng nợ công tương đương 90% có thể không chính xác đối với các nước đang phát triển. Mối quan hệ phi tuyến tính, tác động của nợ công theo ngưỡng nợ công và hoàn cảnh quốc gia cụ thể được thể hiện trong nghiên cứu của Gomez-Puig và Sosvilla-Rivero (2015) khi kết quả nghiên cứu cho thấy nợ công sẽ có tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế khi vượt một ngưỡng nhất định (từ 56% tới 103% tùy theo quốc gia cụ thể, bao gồm Bỉ, Hy Lạp, Ý, Hà Lan, …).
Từ các quan điểm lý thuyết và kết quả nghiên cứu thực nghiệm có thể thấy mức nợ công của mỗi quốc gia có ảnh hưởng tới tốc độ phát triển của quốc gia đó. Việc nợ công mang lại tác động tiêu cực hay tích cực đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào ngưỡng nợ công (so với GDP) mà quốc gia đó đang duy trì. Dù ngưỡng nợ công cụ thể đối với từng quốc gia có thể khác nhau, có thể thấy nợ công sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế khi giá trị nợ công vượt 90% GDP đối với các quốc gia phát triển. Tỷ lệ này sẽ thấp hơn đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Tài liệu tham khảo
Baum, A., Checherita-Westphal, C. and Rother, P. (2012), Debt and Growth: New Evidence for the Euro Area. SSRN Electronic Journal.
Barro, R.J. (1976), Reply to Feldstein and Buchanan, Journal of Political Economy, 84, 343-349.
Barro, R. J. (1989), The Ricardian approach to budget deficits, The Journal of Economic Perspectives, 3, 37-54.
Buchanan, J. M. (1976), Barro on the Ricardian equivalence theorem, Journal of Political Economy, 84, 337-342.
Eisner, R. (1992), Deficits: which, how much, and so what?, The American Economic Review, 82(2), 295-298.
Gómez-Puig, M. and Sosvilla-Rivero, S. (2015), The causal relationship between debt and growth in EMU countries, Journal of Policy Modeling, 37(6), 974-989.
Kharusi, S. and Ada, M. (2018), External Debt and Economic Growth: The Case of Emerging Economy, Journal of Economic Integration, 33(1), 1141-1157.
Krugman, P. (1988), Financing vs. forgiving a debt overhang, Journal of Development Economics, 29, 253-268.
Le Van, C., Nguyen-Van, P., Barbier-Gauchard, A. and Le, D. (2018), Government expenditure, external and domestic public debt, and economic growth. Journal of Public Economic Theory, 21(1), 116-134.
Panizza, U. and Presbitero, A., (2014), Public debt and economic growth: Is there a causal effect?, Journal of Macroeconomics, 41, 21-41.
Sachs, J. D. (1989), The debt overhang of developing countries, In G. A. Calvo, R. Findlay, P. Kouri, & J. B. de Macedo (Eds.), Debt stabilization and development (pp. 80-102). Oxford, UK: Basil Blackwell.
Thời báo Kinh tế Việt Nam (2021), Tiền chưa tiêu hết sao đề xuất vay mới, nâng trần nợ công, truy cập tại https://vneconomy.vn/tien-chua-tieu-het-sao-de-xuat-vay-moi-nang-tran-no-cong.htm


TTBD


Cập nhật : 16:36 - 23/03/2023
In trang này Click here to Print it!