NHỮNG LÝ DO CẦN THIẾT PHẢI SỬA ĐỔI LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ NĂM 2019

Một số quy định pháp luật liên quan đến điều kiện và mức độ bảo hộ các đối tượng SHTT chưa bảo đảm sự hài hòa thỏa đáng và cân bằng giữa quyền của chủ sở hữu và quyền lợi của công chúng như phạm vi tình trạng kỹ thuật để đánh giá tính mới của sáng chế
NHỮNG LÝ DO CẦN THIẾT PHẢI SỬA ĐỔI LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ NĂM 2019

1 – Thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về hoàn thiện thể chế về SHTT
Cụ thể:
- Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm BCHTW Đảng Khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN trong đó có chủ trương “hoàn thiện thể chế về SHTT theo hướng khuyến khích sáng tạo, đảm bảo tính minh bạch và độ tin cậy cao; quyền SHTT được bảo vệ và thực thi hiệu quả”.
- Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đã xác định rõ: “Hoàn thiện pháp luật về SHTT, bảo hộ và khai thác hiệu quả, hợp lý các tài sản trí tuệ do Việt Nam tạo ra; khuyến khích thương mại hóa và chuyển giao SHTT, đặc biệt là đối với các sáng chế tại Việt Nam trên cơ sở tuân thủ pháp luật trong nước và bảo đảm lợi ích an ninh quốc gia. Khuyến khích các công ty đa quốc gia đặt các cơ sở nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam.”
- Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ là phải “hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về bảo hộ SHTT”, “tăng cường công tác bảo hộ và thực thi quyền SHTT”. Đây cũng là một trong các nhiệm vụ chung được đặt ra trong Chiến lược của Đảng về phát triển Kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

2 – Khắc phục các bất cập trong thực tiễn thi hành Luật SHTT năm 2019
1.1. Lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan
- Một số quy định về QTG, QLQ; quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu, chương trình máy tính,… còn chưa cụ thể, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
- Một số thủ tục đăng ký QTG, QLQ được quy định chưa phù hợp với tình hình mới về cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
- Một số nội dung quy định về việc bảo đảm hài hòa lợi tích giữa chủ thể QTG, QLQ với tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng và công chúng hưởng thụ trong các trường hợp giới hạn và ngoại lệ QTG, QLQ chưa đáp ứng yêu cầu thúc đẩy khai thác sử dụng, làm nền tảng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên QTG, QLQ.
- Luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về quyền hạn và trách nhiệm của tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ.
- Quy định về hành vi xâm phạm QTG, QLQ và thực thi trên môi trường số còn chưa đồng bộ, nhất quán gây khó khăn cho việc xử lý.
- Quy định của Luật hiện hành về việc trả thù lao, tiền nhuận bút đối với việc khai thác, sử dụng tác phẩm … rất khó áp dụng trong thực tiễn do Luật Giá chưa có quy định về trường hợp điều tiết giá của Nhà nước dẫn đến hậu quả gây cản trở hoạt động đưa tác phẩm, đối tượng QLQ đến công chúng …
1.2. Lĩnh vực quyền SHCN
- Các quy định liên quan đến quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra trên cơ sở Nhà nước bố trí kinh phí chưa tạo được động lực thực sự cho việc tạo ra, khai thác và thương mại hóa các đối tượng này.
- Một số quy định của Luật hiện hành liên quan đến thủ tục xác lập quyền SHCN chưa thực sự rõ ràng và hợp lý như quy định về ý kiến của người thứ ba đối với đơn đăng ký xác lập quyền SHCN, yêu cầu đối với hồ sơ đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, phạm vi kiểm soát an ninh đối với sáng chế… Bên cạnh đó còn thiếu các quy định đặc thù về trì hoãn công bố đơn kiểu dáng công nghiệp; giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực SHCN…
Một số quy định pháp luật liên quan đến điều kiện và mức độ bảo hộ các đối tượng SHTT chưa bảo đảm sự hài hòa thỏa đáng và cân bằng giữa quyền của chủ sở hữu và quyền lợi của công chúng như phạm vi tình trạng kỹ thuật để đánh giá tính mới của sáng chế. Thiếu một số căn cứ để hủy bỏ hiệu lực Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Chưa có quy định về trường hợp chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo quyết định bắt buộc để xuất khẩu. Quy định giải quyết xung đột quyền giữa nhãn hiệu với một số đối tượng khác; phạm vi xem xét, đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng chưa rõ ràng. Thiếu quy định xử lý trường hợp nhãn hiệu đăng ký không trung thực với dụng ý xấu…
- Quy định về đại diện SHCN và giám định SHCN chưa hoàn toàn phù hợp với Luật Doanh nghiệp cũng như thực tiễn hành nghề.
- Các quy định liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
2.3. Lĩnh vực đối với giống cây trồng
- Việc quy định đặt tên giống có điểm chưa cụ thể, gây khó khăn cho quá trình thẩm định tên đối với giống cây trồng.
- Các quy định về quyền tạm thời đối với giống cây trồng; hành vi xâm phạm quyền đối với giống cây trồng chưa bao quát hết các tình huống có thể xảy ra; quyền giữ giống của nông dân chưa có quy định thỏa đáng nhằm hài hòa giữa lợi ích của chủ sở hữu và nông dân.
- Một số nội dung chưa giao Chính phủ quy định chi tiết, quy định về tính mới đối với giống cây trồng chưa hài hòa với công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới và Luật của Việt Nam.

3 – Thực thi các cam kết về SHTT theo các điều ước quốc tế.
Trong thời gian vừa qua Việt Nam đã ký kết nhiều FTA song phương và đa phương; như:
- FTA Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA, có hiệu lực từ 20/12/2015).
- FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu (VN-EAEU FTA, có hiệu lực từ ngày 05/10/2016).
- Các FTA thế hệ mới như:
+ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/01/2019).
+ FTA giữa Việt Nam với Liên Minh Châu Âu (EVFTA, có hiệu lực từ ngày 01/08/2020)
+ FTA giữa Việt Nam và Vương Quốc Anh và Bắc Ai Len (UKVFTA có hiệu lực từ ngày 01/05/2021).
Trong các hiệp định nêu trên, đều có các quy định về bảo hộ SHTT cụ thể mà mỗi nước thành viên có nghĩa vụ phải thực thi. Việc thực thi các cam kết trong các FTA nêu trên dẫn đến việc phải sửa đổi, bổ sung Luật SHTT, như:
- Bảo hộ nhãn hiệu âm thanh, bảo đảm thông tin và thời gian cho chủ bằng sáng chế thực thi quyền trước khi sản phẩm được phép đưa ra thị trường, thẩm quyền chủ động tiến hành các thủ tục kiểm soát biên giới của cơ quan Hải quan Việt Nam.
- Bảo hộ độc quyền dữ liệu thử nghiệm nông hóa phẩm.
- Bỏ quy định văn bằng bảo hộ ghi nhận các tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.
- Cơ chế đền bù cho việc giảm thời hạn bảo hộ hữu hiệu của bằng sáng chế do sự chậm trễ bất hợp lý trong việc cấp phép lưu hành thị trường…

TTBD
Cập nhật : 16:22 - 23/03/2023
In trang này Click here to Print it!