Ngô Tự Nam
Nguyên Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu
Đại biểu dân cử bao gồm đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là trung tâm của Quốc hội và của Hội đồng nhân dân các cấp. Hoạt động của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp góp phần quan trọng quyết định chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp – cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung ương và địa phương. Hoạt động của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp có phạm vi rất rộng, không chỉ có các vấn đề mà cử tri và nhân dân địa phương quan tâm, mà còn là những vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia, đến vận mệnh đất nước.
Cách đây 20 năm, Ban Công tác đại biểu - cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thành lập. Có những cột mốc đáng nhớ qua 20 năm phát triển và trưởng thành: cột mốc đầu tiên khi Ban Công tác đại biểu được thành lập, cột mốc kỷ niệm 10 năm ngày thành lập và nay là cột mốc chúng ta chuẩn bị kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Ban Công tác đại biểu.
20 năm qua, hoạt động bồi dưỡng đại biểu dân cử càng ngày càng có những chuyển biến tích cực góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Với vai trò, vị trí trung tâm trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, các vị đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đã phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, có chất lượng vào những nội dung, quyết sách được bàn bạc, thảo luận, xem xét thông qua tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Trong lời kêu gọi toàn dân tham gia bầu cử của Bác Hồ đăng trên Báo Cứu quốc số 134 ra ngày 5/1/1946, Bác Hồ đã viết: “Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào, phải luôn luôn ghi nhớ và thực hành câu: vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi ích chung, quên lợi riêng…”. Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân không chỉ là một chức danh, mà đó là một trọng trách hết sức tự hào và cao quý do nhân dân và cử tri giao phó. Khi đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân phát biểu, đó không còn là tiếng nói của cá nhân đại biểu, mà đó là tiếng nói, tiếng lòng đại diện cho cử tri, nhân dân địa phương và nhân dân cả nước.
Một trong những tiêu chí quan trọng quy định tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đã được quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; Luật Tổ chức chính quyền địa phương là đại biểu phải có kiến thức, năng lực, kinh nghiệm công tác. Đại biểu dân cử phải có đủ khả năng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và của địa phương. Trước những trách nhiệm to lớn đó, đại biểu dân cử phải thường xuyên học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ, để không phụ sự kỳ vọng, tin tưởng, tín nhiệm và mong đợi của cử tri và nhân dân.
Trong suốt 20 năm qua, nhất là 10 năm trở lại đây, công tác bồi dưỡng đại biểu dân cử đã có sự phát triển, đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động trên cơ sở các quy định về chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử. Kết quả hoạt động của Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử đã được nêu cụ thể trong Báo cáo Tổng kết 10 năm hoạt động và Báo cáo Tổng kết công tác hằng năm của Ban Công tác đại biểu và của Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử.
Thời gian tới, để công tác bồi dưỡng đại biểu dân cử đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân, tôi xin tham gia một số ý kiến góp ý sau đây:
Thứ nhất, hoạt động bồi dưỡng phải góp phần truyền cảm hứng cho đại biểu.
Theo tôi, đây là yêu cầu rất quan trọng đối với Ban Công tác đại biểu và Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử thông qua việc triển khai xây dựng chương trình bồi dưỡng, thời gian tổ chức các lớp bồi dưỡng một cách khoa học, phù hợp, tạo cảm hứng cho đại biểu, để đại biểu tích cực tham gia các hoạt động bồi dưỡng, tiếp thu có hiệu quả các nội dung báo cáo viên truyền đạt. Đối với đội ngũ báo cáo viên khi được mời tham gia truyền đạt cần thông qua việc trình bày nội dung để truyền cảm hứng cho đại biểu.
Thứ hai, cần thiết phải cập nhật những kiến thức mới, văn bản mới của Đảng, Quốc hội, Chính phủ để thông tin kịp thời đến đại biểu.
Thực tế cho thấy, có rất nhiều văn bản mới được ban hành có tác động rất mạnh đến đại biểu, ví dụ như Kết luận của Bộ Chính trị về công tác xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có Kết luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong một nhiệm kỳ Quốc hội, mà trong đó có nhiều ý kiến chỉ đạo cần phải có quyết tâm cao, biện pháp cụ thể, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật thì mới có thể thực hiện được, như: “…xây dựng hệ thống pháp luật…đủ sức cạnh tranh quốc tế”.
Thứ ba, Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử và mỗi Báo cáo viên cần thường xuyên nghiên cứu, cập nhật thông tin để thực hiện yêu cầu: truyền đạt cái đại biểu cần, chứ không chỉ truyền đạt cái Báo cáo viên có.
Để thực hiện việc này, thời gian qua Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử thuộc Ban Công tác đại biểu đã kịp thời cung cấp cho các Báo cáo viên các văn bản như Nghị quyết, Chỉ thị của cấp ủy, chính quyền, Hội đồng nhân dân địa phương nơi tổ chức lớp bồi dưỡng để Báo cáo viên nghiên cứu, bổ sung vào nội dung trình bày, kịp thời giải đáp câu hỏi mà đại biểu nêu… Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử đã phối hợp chặt chẽ với Hội đồng nhân dân các địa phương để kịp thời nắm bắt được những nội dung mà đại biểu hỏi, đề nghị làm rõ để cung cấp trước cho Báo cáo viên có sự chủ động nghiên cứu, giải đáp kịp thời cho đại biểu. Khắc phục việc có một số ý kiến đại biểu hỏi tại hội nghị tập huấn nhưng chậm được trả lời.
Thứ tư, thông qua hoạt động bồi dưỡng góp phần nâng cao bản lĩnh, sự tự tin của đại biểu dân cử.
Vì nhiều lý do, một số đại biểu chưa thể hiện rõ bản lĩnh khi tham gia hoạt động đại biểu như: ít tham gia phát biểu ý kiến xây dựng pháp luật, nghị quyết, thảo luận về kinh tế - xã hội, chất vấn, tham gia hoạt động giám sát…
Cần phát huy phương pháp kết hợp giữa phần trình bày nội dung kiến thức chuyên môn với việc tổ chức việc thực hành diễn tập các phiên thảo luận, phiên chất vấn, phiên giải trình…để đại biểu “sắm vai”, để đại biểu thêm mạnh dạn, tự tin. Khắc phục thực tế còn có hội nghi bồi dưỡng mà báo cáo viên “độc diễn”, còn học viên chỉ ngồi nghe, không phát biểu, thậm chí khi được mời phát biểu cũng “không có ý kiến gì”, hoặc khi có ý kiến thì rụt rè, ngại ngùng, không tự tin cả về nội dung nói, cũng như cử chỉ, thái độ, ánh mắt…