Tin Hội nghị “Bình đẳng giới trong lập pháp ở Việt Nam” ngày 18-19/1/2021 tại Cà Mau


Trong hai ngày 18 và 19/1/2021, tại Cà Mau, Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội nghị tập huấn về bình đẳng giới trong lập pháp ở Việt Nam. Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh và Điều phối viên Chương trình bền vững xã hội, Ngân hàng Thế giới Ahmed Eiweida đồng chủ trì Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh: Việt Nam tự hào là đất nước sớm quan tâm đến bình đẳng giới. Điều này được thể hiện rõ khi ngày 2.9.1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa thì đến ngày 8.9.1945, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký Sắc lệnh số 14 về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên để bầu Quốc hội, trong đó quy định: “Tất cả các công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền tuyển cử và ứng cử…”. Tiếp đó, đến bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 của Việt Nam đã khẳng định nguyên tắc: Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể Nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo.



Năm 2006, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Bình đẳng giới, trong đó đặt ra nhiệm vụ lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Ngày 24.12.2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2351/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Thực tiễn cho thấy, việc lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật tại Việt Nam đã được thực hiện, từng bước đạt yêu cầu và hiệu quả. 

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân qua các lần sửa đổi, bổ sung cũng ngày càng có nhiều quy định nhằm bảo đảm bình đẳng giới trong bầu cử. Trong đó, Luật sửa đổi năm 2001 quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến số lượng đại biểu Quốc hội là nữ. Đến Luật năm 2015 đã quy định cụ thể hơn từ giai đoạn ứng cử, đó là: Số lượng nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bảo đảm ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là nữ…

Điều phối viên Ahmed Eiweida cho rằng, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong việc lồng ghép bình đẳng giới trong luật pháp. Điều này đã giúp bình đẳng giới ở Việt Nam đạt được những kết quả tích cực trong thực tế. Tuy nhiên, Điều phối viên Ahmed Eiweida cũng nhận định, hiện nay đang có nhiều thách thức đặt ra đòi hỏi Việt Nam cần thay đổi và thích ứng để đạt được những kết quả tốt hơn nữa trong thực hiện bình đẳng giới.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, chuyên gia từ các bộ, ngành trao đổi, cung cấp thông tin về bình đẳng giới trong hoạt động lập pháp ở Việt Nam; tập trung xem xét sâu hơn vấn đề bình đẳng giới trong pháp luật về lao động; dữ liệu bình đẳng giới phục vụ cho công tác xây dựng pháp luật; cách sử dụng các công cụ phân tích giới để đánh giá tác động của dự luật cũng như giải quyết các thách thức khi triển khai các quy định pháp luật về bình đẳng giới…

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận của hội nghị, trên cơ sở theo dõi, đánh giá và tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội nghị, Ban công tác đại biểu đưa ra một số khuyến nghị nhằm tăng cường hiệu quả cho hoạt động tập huấn các lần tiếp theo như sau:
Thứ nhất, về tổ chức học online: 
Hình thức tổ chức học online là hình thức mới, chưa được áp dụng nhiều trong bồi dưỡng cho các đại biểu dân cử tại Việt Nam. Mặt khác, cơ sở hạ tầng internet tại Việt Nam chưa được đồng đều giữa các địa phương. Do đó, Ban công tác đại biểu đề xuất bên tổ chức Ngân hàng thế giới tổ cần đảm bảo một số các nội dung cụ thể:
- Thu gọn chương trình học trực tuyến với thời gian ngắn hơn. Theo nghiên cứu của Trung tâm, thời gian phù hợp cho mỗi mô - đun chỉ nên từ 20-30 phút vì đó là khoảng thời gian đại biểu có thể tập trung cao để lắng nghe và tiếp nhận thông tin hiệu quả.
- Rà soát lại nội dung tập huấn cho phù hợp và chính xác hơn. Cụ thể, rà soát lại cách phân loại các cơ quan tổ chức bộ máy Nhà nước tại Việt Nam, cập nhật các thông tin mới (một số căn cứ pháp luật, nội dung thống kê đã cũ ),...
- Linh hoạt và ngắn gọn các yêu cầu kỹ thuật khi tham gia học trực tuyến, cung cấp tài liệu kèm theo bài giảng một cách thuận lợi hơn. Đảm bảo cung cấp nguồn tài nguyên ổn định trong quá trình tham gia các khóa trực tuyến..
- Dung lượng các slide của bài giảng cần nhẹ hơn để phù hợp với hạ tầng cơ sở mạng của các địa phương. Trên thực tế, tại nhiều địa phương, các đại biểu tham gia học online khó tải được một số trang học, do đó phải mất rất nhiều thời gian để hoàn thành các khóa học khiến cho đại biểu khó khăn hoàn thành khóa học.
Thứ hai, về tổ chức lớp học trực tiếp. 
- Nên phối hợp sớm hơn trong quá trình xây dựng chương trình tập huấn để soạn thảo nội dung cô động hơn, sát với nhu cầu của đối tượng tham gia tập huấn. Cách thức tổ chức và dẫn dắt vấn đề của các trợ giảng cần điều chỉnh để có sự phù hợp với thành phần tham gia tập huấn là đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
- Bên cạnh đó, theo ý kiến của nhiều đại biểu tham dự hội nghị, chương trình hội nghị cần thiết kế thêm các bài tập thảo luận và các hình thức thực hành khác; tăng cường tổ chức các hội nghị tại nhiều địa phương với sự tham gia của nhiều đại biểu từ các địa phương chéo vùng hơn; tổ chức các buổi thực tế giúp  đại biểu liên hệ giữa những thực tế với lý thuyết được chia sẻ tại hội nghị,...
TTBD

Cập nhật : 15:17 - 20/07/2021
In trang này Click here to Print it!