ĐẠI BIỂU DÂN CỬ VỚI VIỆC THỰC HIỆN LUẬT THANH NIÊN

Quốc hội đã ban hành Luật thanh niên năm 2020, để triển khai thực hiện Luật thanh niên, với nhiệm vụ, quyền hạn của mình thì Quốc hội thực hiện quyền giám sát và Hội đồng nhân dân thực hiện quyền quyết định (ban hành nghị quyết về thanh niên) và quyền giám sát.
Quốc hội đã ban hành Luật thanh niên năm 2020, để triển khai thực hiện Luật thanh niên, với nhiệm vụ, quyền hạn của mình thì Quốc hội thực hiện quyền giám sát và Hội đồng nhân dân thực hiện quyền quyết định (ban hành nghị quyết về thanh niên) và quyền giám sát.

I. GIÁM SÁT THỰC HIỆN LUẬT THANH NIÊN
Cơ sở pháp lý thực hiện giám sát Luật thanh niên là Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Chủ thể tiến hành giám sát là: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội (trong đó trách nhiệm giám sát của Ủy ban Văn hóa – Giáo dục là rất quan trọng), Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội. 

Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân (trong đó trọng tâm là Ban Văn hóa – xã hội), Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Đối tượng giám sát của Quốc hội: việc thực hiện Luật thanh niên; hoạt động của Chính phủ, Bộ Nội vụ, các Bộ, ngành trong việc thực hiện Luật thanh niên; việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Bộ Nội vụ về thanh niên (ví dụ như Nghị định của Chính phủ về thanh niên xung phong, về thanh niên tình nguyện…; Thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ); Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về lĩnh vực thanh niên (ví dụ nội dung về thanh niên trong nghị quyết kinh tế - xã hội (nếu có); nghị quyết chuyên đề về thanh niên). Khi xét thấy cần thiết, tiến hành giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Đối tượng giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh: việc thực hiện Luật thanh niên ở tỉnh, thành phố; hoạt động của Ủy ban nhân dân, Sở Nội vụ, sở, ngành khác trong việc thực hiện Luật thanh niên; văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (quyết định). Khi xét thấy cần thiết, tiến hành giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Nội dung giám sát: Nội dung giám sát bám vào quy định trong Luật thanh niên và trách nhiệm của các chủ thể với việc thực hiện Luật thanh niên. Quốc hội và Hội đồng nhân dân thực hiện quyền giám sát trên nhiều nội dung, tuy nhiên, một số nội dung cần tập trung giám sát là:
- Giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà Luật thanh niên quy định phải ban hành

Ví dụ như giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và giám sát trách nhiệm của các cơ quan trong việc ban hành văn bản về thanh niên:
+ Chính phủ có ban hành và nội dung nghị định quy định chi tiết thi hành Điều 10 (đối thoại với thanh niên), Điều 22 (Chính sách đối với thanh niên xung phong), Điều 23 (Chính sách với thanh niên tình nguyện), Điều 26 (cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi). 
+ Đối với địa phương là việc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có ban hành Nghị quyết chuyên đề về thanh niên hay không, nội dung của nghị quyết có phù hợp với Luật thanh niên và văn bản của cơ quan cấp trên hay không. 

- Giám sát văn bản quy phạm pháp luật khác có nội dung về thanh niên
- Giám sát các cơ quan thực hiện công việc mà Luật thanh niên quy định phải làm

Ví dụ như Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm đối thoại với thanh niên ít nhất mỗi năm một lần về các vấn đề liên quan đến thanh niên.
Trách nhiệm của Chính phủ (Điều 37), Bộ Nội vụ (Điều 38), các Bộ, cơ quan ngang Bộ (Điều 39), Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Điều 40).

- Giám sát các tổ chức (nếu xét thấy cần thiết) về việc thực hiện công việc mà Luật thanh niên quy định
Ví dụ như trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Điều 31), Tổ chức xã hội (Điều 32), tổ chức kinh tế, doanh nghiệp (Điều 33), cơ sở giáo dục (Điều 34)…

Thời điểm tiến hành giám sát: Chương trình giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có nhiều nội dung, mỗi giai đoạn sẽ có những nội dung trọng tâm riêng, do đó, nội dung giám sát về thanh niên cần cân nhắc tiến hành trong thời điểm nào để đảm bảo nguồn lực thực hiện, hiệu quả giám sát. 
Để giám sát Luật thanh niên thường xuyên, cần phân bổ chủ thể tiến hành giám sát, ví dụ, Quốc hội 1-2 nhiệm kỳ tiến hành 1 lần giám sát; Ủy ban Thường vụ Quốc hội 1-2 nhiệm kỳ tiến hành 1 lần giám sát; Ủy ban Văn hóa – Giáo dục 1 nhiệm kỳ tiến hành 1 lần giám sát; Đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện giám sát theo chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Văn hóa – Giáo dục hoặc tự mình giám sát; đại biểu Quốc hội giám sát thường xuyên. 
Hội đồng nhân dân giám sát 1 lần trong nhiệm kỳ; Thường trực Hội đồng nhân dân giám sát 1 lần trong nhiệm kỳ; Ban Văn hóa – xã hội giám sát 1 hoặc 2 lần trong nhiệm kỳ; đại biểu Hội đồng nhân dân thường xuyên giám sát. 

Hình thức giám sát: để thực hiện giám sát thường xuyên Luật thanh niên cần đa dạng các hình thức giám sát như: thành lập Đoàn giám sát; hoạt động giải trình; hoạt động chất vấn; xem xét báo cáo về lĩnh vực thanh niên; … Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn chuyên đề về lĩnh vực thanh niên, đại biểu Quốc hội vào bất kỳ thời điểm nào gửi chất vấn bằng văn bản về nội dung thực hiện Luật thanh niên.
Hình thức giám sát của Hội đồng nhân dân cũng tương tự như hình thức giám sát của Quốc hội. 

II. HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CẤP TỈNH BAN HÀNH NGHỊ QUYẾT
Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành nghị quyết có nội dung về thanh niên trong 3 loại nghị quyết, đó là nghị quyết kinh tế - xã hội hàng năm và từng giai đoạn; nghị quyết chuyên đề về thanh niên; các nghị quyết khác (ví dụ như nghị quyết về phân bổ ngân sách, nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn trong đó có nguồn kinh phí cấp cho thanh niên, các công trình phục vụ thanh niên). Trong nội dung này, chỉ tập trung vào 2 loại nghị quyết đó là nghị quyết kinh tế - xã hội hàng năm và từng giai đoạn, nghị quyết chuyên đề bởi vì đây là 2 nội dung được quy định trong Luật thanh niên.

Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:
a) Ban hành nghị quyết về phát triển thanh niên tại địa phương để thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với thanh niên;
b) Quyết định các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển thanh niên trong nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hằng năm và từng giai đoạn
(Khoản 1 Điều 40 Luật thanh niên)

Nghị quyết kinh tế - xã hội 
- Qua tổng kết nghị quyết kinh tế  - xã hội của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trong nhiệm kỳ 2016-2021 cho thấy các nội dung trong nghị quyết kinh tế - xã hội các tỉnh không hoàn toàn giống nhau, có sự đa dạng phù hợp với từng địa phương, nhưng tựu chung lại có các nội dung chính sau:
1.Chỉ tiêu kinh tế (GRDP, Cơ cấu kinh tế, xuất khẩu , đầu tư phát triển,  ngân sách, du lịch, thành lập mới DN)
2.Chỉ tiêu xã hội (tăng dân số, hộ nghèo, BHYT, trường chuẩn, cấp cơ sở, thất nghiệp, việc làm mới, diện tích nhà ở, bác sỹ, giường bệnh) 
3.Chỉ tiêu môi trường (nước thải, nước sạch, chất thải, rừng, nước thải bệnh viện)
4.Cải cách hành chính (PAPI, PAR-Index, PCI)
5.Chỉ tiêu nông thôn mới
Chưa có địa phương nào ban hành nghi quyết kinh tế - xã hội có nội dung về thanh niên. 
- Những nội dung về thanh niên có thể đưa vào nghị quyết kinh tế - xã hội là: 
- Việc làm cho thanh niên, hoặc vấn đề tạo mới việc làm nói chung bởi đa số việc làm mới sẽ hướng tới đối tượng thanh niên độ tuổi 20-30 được thụ hưởng. 
- Dạy nghề cho thanh niên, hoặc chỉ tiêu về dạy nghề nói chung bởi đối tượng thanh niên độ tuổi 16-25 sẽ là đối tượng chính tham gia học nghề.
- Sức khỏe và sức khỏe sinh sản của thanh niên. 
- Đào tạo kỹ năng sống cho thanh niên
- Các điểm vui chơi cho thanh niên 
- Chỉ tiêu về cơ cấu đại biểu trẻ tuổi trong Hội đồng nhân dân các cấp
- …….

Nghị quyết chuyên đề về thanh niên
- Qua rà soát cho thấy chưa có tỉnh, thành phố nào Hội đồng nhân dân ban hành nghị quyết chuyên đề về thanh niên trong các năm gần đây. Do vậy, việc ban hành Nghị quyết chuyên đề về thanh niên cần chuẩn bị kỹ về cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, các địa phương trao đổi, học tập kinh nghiệm của nhau về việc ban hành Nghị quyết chuyên đề.

- Nghị quyết chuyên đề về thanh niên phải đạt được các mục tiêu:
+ Đảm bảo sự quản lý của nhà nước về thanh niên
+ Thúc đẩy hoàn thiện thanh niên về thể chất, trình độ chuyên môn và tỉnh thần, ý thức.
+ Tạo điều kiện để thanh niên thực hiện các hoạt động (việc làm, khởi nghiệp, thể thao, văn hóa …), thực hiện trách nhiệm của thanh niên với nhà nước, gia đình và xã hội. 
+ Quy định trách nhiệm rõ ràng của cơ quan nhà nước trong việc đảm bảo thực hiện nghị quyết và trách nhiệm của các tổ chức xã hội, trong đó vai trò của Đoàn thanh niên là quan trọng. 

- Nội dung nghị quyết chuyên đề về thanh niên phụ thuộc các yếu tố sau:
+ Điều kiện kinh tế - xã hội từng địa phương
+ Đặc điểm riêng của địa phương (vùng, miền, văn hóa …)
+ Điều kiện về ngân sách thực hiện nghị quyết 
+ Yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội
+ Năng lực của thanh niên ở địa phương
- Thời điểm ban hành nghị quyết chuyên đề: Luật thanh niên có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, do vậy sau thời điểm này bắt buộc Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố phải ban hành nghị quyết chuyên đề về thanh niên. Tuy nhiên, luật không quy định thời hạn chậm nhất phải ban hành. Theo dự kiến, việc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân sẽ tiến hành vào khoảng giữa tháng 5/2021, do vậy, nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân 2016-2021 sẽ khó có điều kiện để ban hành nghị quyết chuyên đề về thanh niên bởi việc ban hành nghị quyết cần có sự nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng. Nếu ban hành trong nhiệm kỳ này, đỏi hỏi Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phải có nỗ lực rất lớn. 

- Kiến nghị và đề xuất: Để có sự thống nhất chung trong toàn quốc về việc ban hành nghị quyết chuyên đề về thanh niên, Ủy ban Văn hóa – Giáo dục và Bộ Nội vụ cần phối hợp tổ chức Hội nghị với đại diện của Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Đoàn thanh niên các tỉnh, thành phố. Trên cơ sở đó có hướng dẫn để các địa phương thực hiện về: Thời điểm chậm nhất ban hành nghị quyết; nội dung cơ bản của nghị quyết.
Ủy ban Văn hóa – Giáo dục yêu cầu Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố đã ban hành nghị quyết chuyên đề về thanh niên cần gửi Nghị quyết tới Ủy ban để giám sát, đồng thời Ủy ban sao gửi tới Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố để học tập kinh nghiệm.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2021-2026, Ủy ban Văn hóa – Giáo dục và Bộ Nội vụ cần tổ chức Hội nghị tổng kết việc ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố theo quy định của Luật thanh niên về 3 nội dung:
+ Ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển thanh niên
+ Quyết định các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển thanh niên trong Nghị quyết kinh tế - xã hội
+ Phân bổ dự toán ngân sách để thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển thanh niên 

Cập nhật : 9:20 - 28/09/2020
In trang này Click here to Print it!