TỔ CHỨC CỦA HĐND CẤP TỈNH QUA CÁC THỜI KỲ LỊCH SỬ (PHẦN 2 )

Tổ chức HĐND cấp tỉnh giai đoạn 1992 - 2013
Từ năm 1986, công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đề xướng đã đạt được những thành tựu bước đầu quan trọng. Quốc hội đã quyết định ban hành Hiến pháp mới năm 1992 để đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới. Hiến pháp năm 1992 có 5 điều quy định về HĐND. Các chế định này vẫn trên cơ sở kế thừa quan điểm của các bản Hiến pháp trước đó, trong đó tiếp tục quy định HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên, nhiệm kỳ của mỗi khoá HĐND các cấp được tăng lên là năm năm.

Sau khi Hiến pháp năm 1992 được ban hành, ngày 21/6/1994, Luật Tổ chức HĐND và UBND; Quy chế hoạt động của HĐND các cấp được Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành ngày 25/6/1996. Tiếp đó, ngày 25/12/2001, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi), Luật Tổ chức HĐND và UBND được Quốc hội đã thông qua ngày 10/12/2003; Quy chế hoạt động của HĐND được Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành ngày 02/4/2005. Những văn bản pháp luật này là cơ sở cho tổ chức và hoạt động của HĐND trong điều kiện đổi mới của đất nước.

Về Thường trực HĐND cấp tỉnh: Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 1994 đã quy định Thường trực HĐND cấp tỉnh gồm có Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, đến Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, Thường trực HĐND được bổ sung thêm chức danh Uỷ viên thường trực. Thành viên của Thường trực HĐND cấp tỉnh không thể đồng thời là thành viên của UBND cùng cấp. Thực tế cho thấy, việc bổ sung thêm chức danh Uỷ viên thường trực đã tạo điều kiện thuận lợi để bảo đảm tính thường xuyên, liên tục trong hoạt động của Thường trực HĐND nói riêng và của HĐND nói chung trong thời gian giữa hai kỳ họp, thực hiện nguyên tắc làm việc tập thể, quyết định theo đa số. 

Về các ban của HĐND cấp tỉnh: Luật 2003 đã quy định cụ thể hơn việc thành lập Ban, theo đó HĐND cấp tỉnh thành lập ba ban: Ban Kinh tế và Ngân sách, Ban Văn hoá - Xã hội, Ban Pháp chế; nơi nào có nhiều dân tộc thì có thể thành lập Ban Dân tộc. Số lượng thành viên của mỗi Ban do HĐND cấp tỉnh quyết định; thành viên của các Ban của HĐND không thể đồng thời là thành viên của UBND cùng cấp.

Văn phòng giúp việc HĐND cấp tỉnh: Trước năm 2007, Văn phòng UBND cấp tỉnh là cơ quan giúp việc cho Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND cấp tỉnh. Đến ngày 11 tháng 12 năm 2007, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 545/2007/NQ-UBTVQH12 thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh là cơ quan giúp việc Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh.

Về đại biểu HĐND cấp tỉnh: Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 đã có 12 điều quy định về đại biểu HĐND. Theo đó, đại biểu HĐND nói chung, đại biểu HĐND cấp tỉnh nói riêng vẫn được quy định là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương, gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật và tham gia vào việc quản lý nhà nước; có nhiệm vụ tham dự đầy đủ các kỳ họp, phiên họp của HĐND, tham gia thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND... 

Về tổ chức của Tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh: Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 quy định các đại biểu HĐND được bầu ở một hoặc nhiều đơn vị bầu cử hợp thành Tổ đại biểu HĐND. Tổ đại biểu đã góp phần gắn kết hoạt động của từng đại biểu riêng lẻ trong việc thực hiện các nhiệm vụ tiếp dân, nghiên cứu pháp luật, nghiên cứu tài liệu, tiếp xúc cử tri, thu thập ý kiến và nguyện vọng của cử tri, báo cáo cử tri về kết quả kỳ họp. 

Tổ chức HĐND cấp tỉnh giai đoạn 2013 đến nay
Trên cơ sở Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng với kết quả tổng kết thực tiễn qua  25 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đã đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; nhằm thể chế hóa đầy đủ hơn, sâu sắc hơn quan điểm của Đảng và nhà nước ta về đề cao chủ quyền nhân dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và đảm bảo tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Hiến pháp năm 2013, trong đó đối với chế định HĐND đã có bước kế thừa và mở rộng so với Hiến pháp năm 1992. Theo đó việc tổ chức của bộ máy chính quyền địa phương (HĐND, UBND) phải phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Mô hình tổ chức chính quyền địa phương được đổi mới, quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ phân định rõ ràng, qua đó tạo ra sự năng động trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, đặc biệt là phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền địa phương. Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, trong đó có nhiều điểm mới.

Về Thường trực HĐND cấp tỉnh: Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định Thường trực HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được mở rộng hơn so với trước, gồm: Chủ tịch HĐND, hai Phó Chủ tịch HĐND, các Ủy viên là Trưởng ban của HĐND và Chánh Văn phòng HĐND. Chủ tịch HĐND tỉnh, thành phố có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, thành phố là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, Chánh Văn phòng HĐND không còn là Ủy viên thường trực HĐND cấp tỉnh. Luật sửa đổi cũng quy định “Trường hợp Chủ tịch HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thì có một Phó Chủ tịch HĐND; trường hợp Chủ tịch HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách thì có hai Phó Chủ tịch HĐND”. 

Về các ban của HĐND cấp tỉnh: HĐND thành phố trực thuộc Trung ương được thành lập 4 Ban, trong đó ngoài các Ban: Pháp chế, Kinh tế - ngân sách, Văn hóa - xã hội, thì Luật lần này đã bổ sung thêm Ban Đô thị cho phù hợp với sự phát triển đô thị ở các địa phương này. 

HĐND tỉnh thành lập Ban pháp chế, Ban kinh tế - ngân sách, Ban văn hóa - xã hội; nơi nào đông đồng bào dân tộc thì thành lập Ban dân tộc theo hướng dẫn của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ban của HĐND tỉnh gồm có Trưởng ban, không quá hai Phó Trưởng ban và các Ủy viên. Số lượng Ủy viên của các Ban của HĐND tỉnh do HĐND tỉnh quyết định. Trưởng ban của HĐND tỉnh có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; Phó Trưởng ban của HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 quy định: Trường hợp Trưởng ban của HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thì Ban có một Phó Trưởng ban; trường hợp Trưởng ban của HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách thì Ban có hai Phó Trưởng ban.

Văn phòng giúp việc HĐND cấp tỉnh: Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và Nghị định số 48/2016/NĐ-CP đã thành lập Văn phòng HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tách ra từ Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh. Đến Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Tổ chức Quốc hội, cơ quan này có tên gọi mới là Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND. 

Về đại biểu HĐND cấp tỉnh: Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã quy định cụ thể về số lượng đại biểu HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tương xứng với điều kiện, đặc điểm của mỗi địa phương, nhưng số lượng từ 50 đại biểu đến không quá chín mươi lăm đại biểu; riêng HĐND thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh được bầu một trăm linh năm đại biểu. Đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, số lượng đại biểu HĐND tỉnh từ 50 đại biểu đến không quá 85 đại biểu.

Về tổ chức của Tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh: Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định: Các đại biểu HĐND tỉnh được bầu ở một hoặc nhiều đơn vị bầu cử hợp thành Tổ đại biểu HĐND. Số lượng Tổ đại biểu HĐND, Tổ trưởng và Tổ phó của Tổ đại biểu HĐND do Thường trực HĐND tỉnh quyết định.

Với bề dày lịch sử 75 năm hình thành và phát triển, cơ cấu tổ chức bộ máy của HĐND cấp tỉnh ngày càng được đổi mới, hoàn thiện. Đây là điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND, trọng tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương để tạo chuyển biến về kinh tế xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, tăng cường công tác dân nguyện, qua đó khẳng định vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.
Cập nhật : 8:59 - 28/09/2020
In trang này Click here to Print it!