HỎI – ĐÁP DÀNH CHO ĐẠI BIỂU DÂN CỬ THÁNG 7 – SỐ 2

Câu hỏi: Hội đồng nhân dân cấp xã có những nhiệm vụ, quyền hạn gì khi tiến hành hoạt động giám sát?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 86 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
Một là, thực hiện đúng nội dung, kế hoạch giám sát;
Hai là,  khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và khôi phục lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị vi phạm; trường hợp cơ quan, tổ chức không thực hiện hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã không đồng ý với việc giải quyết thì đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp xem xét giải quyết;
Chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày kết thúc hoạt động giám sát, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã báo cáo kết quả giám sát với Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã cùng cấp.

Câu hỏi: Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã giám sát việc thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo của công dân như thế nào?
Trả lời
Theo quy định tại Điều 87 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân khi nhận được khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm nghiên cứu và chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để xem xét, giải quyết; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết, đồng thời thông báo cho người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị biết.
Trong thời hạn do pháp luật quy định, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải xem xét, giải quyết và thông báo bằng văn bản cho đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã biết kết quả giải quyết; trường hợp không đồng ý với việc giải quyết, đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền gặp người có thẩm quyền giải quyết hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết để yêu cầu giải quyết hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

Câu hỏi: Việc bảo đảm thực hiện hoạt động giám sát được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 88 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện chương trình, kế hoạch giám sát.
Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã có trách nhiệm tham gia đầy đủ Đoàn giám sát mà mình là thành viên.
Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Đoàn giám sát, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã có quyền tổ chức lấy ý kiến, trưng cầu giám định khi cần thiết theo quy định của pháp luật.
Các tổ chức, cá nhân có liên quan, chuyên gia có trách nhiệm tham gia hoạt động giám sát theo yêu cầu, kế hoạch giám sát.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu cho Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu cung cấp.

Câu hỏi: Việc bảo đảm thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát được quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo Điều 89 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, việc bảo đảm thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát được quy định như sau:
Chương trình, kế hoạch giám sát, báo cáo kết quả giám sát, nghị quyết về giám sát, kết luận, kiến nghị giám sát và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát phải được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan tiến hành giám sát hoặc đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng, trừ trường hợp phải bảo đảm bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết về giám sát của Hội đồng nhân dân có giá trị pháp lý bắt buộc thực hiện.
Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát; trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát thì xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Câu hỏi: Việc bảo đảm kinh phí và tổ chức phục vụ hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân cấp xã được quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 90 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, việc bảo đảm kinh phí và tổ chức phục vụ hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân được thực hiện như sau: 
- Kinh phí phục vụ hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã do ngân sách nhà nước bảo đảm.
- Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, bộ phận phục vụ Hội đồng nhân dân cấp xã có trách nhiệm bảo đảm điều kiện vật chất, tổ chức phục vụ hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm đáp ứng yêu cầu phục vụ hoạt động giám sát và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.

Tham khảo:
1. Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015.
2. Nghị quyết 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Cập nhật : 8:54 - 28/09/2020
In trang này Click here to Print it!