MỘT SỐ QUY ĐỊNH TRONG HỆ THỐNG PHÁP LUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM HIỆN NAY VỀ XÂY DỰNG NỀN KINH TẾ ĐỘC LẬP, TỰ CHỦ (PHẦN 2)

2. Một số quy định pháp lý của Việt Nam hiện nay đảm bảo mục tiêu xây dựng kinh tế độc lập, tự chủ
Như trình bày ở trên, một trong ba yếu tố quan trọng để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ là phải xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Trong vấn đề này, điều quan trọng nhất là cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý để mọi tổ chức kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế đều được khuyến khích phát triển lâu dài, hợp tác, cạnh tranh bình đẳng và tạo lập nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong những năm gần đây, Quốc hội Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng để tạo hành lang pháp lý toàn diện nhằm hướng tới đảm bảo điều kiện pháp lý, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. 

Trong đó, để đảm bảo xây dựng kinh tế độc lập tự chủ, không thể không nói đến vai trò của Hiến pháp khi đề cập đến vấn đề này. Ngày 28/11/2013, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua bản Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Hiến pháp năm 2013). Bản Hiến pháp năm 2013 đã thể chế hóa cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Bản Hiến pháp năm 2013 là đạo luật gốc, là văn kiện đặc biệt quan trọng thể hiện tập trung ý chí của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, tạo cơ sở chính trị - pháp lý vững chắc cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế nhằm xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Hiến pháp năm 2013 quy định Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát huy nội lực, hội nhập, hợp tác quốc tế; gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Điều 50). Về thành phần kinh tế: Hiến pháp năm 2013 không nêu cụ thể các thành phần kinh tế như Hiến pháp năm 1992, cách thể hiện này phù hợp với tính chất, nội dung quy định của một đạo luật gốc. Về tên gọi và vai trò của từng thành phần kinh tế sẽ được quy định tại các đạo luật chuyên ngành và các chính sách cụ thể khác của nhà nước thì sẽ phù hợp và chính xác hơn.

Khoản 1 Điều 51 Hiến pháp năm 2013 quy định: “1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. 2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.” Điều đó thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước về các thành phần kinh tế là chủ thể của nền kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật, tự do kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh theo quy định của pháp luật, chứ không có sự phân biệt, đối xử giữa các thành phần kinh tế, các chủ thể kinh tế khác nhau, qua đó nhằm huy động toàn diện, đồng bộ tất các các nguồn lực để xây dựng và phát triển đất nước.

Lần đầu tiên trong hiến pháp ghi nhận vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân một cách tương xứng với sự đóng góp to lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế, đồng thời khẳng định rõ ràng và nhất quán về tài sản hợp pháp để đầu tư, sản xuất kinh doanh được nhà nước bảo vệ và không bị quốc hóa, cụ thể tại Khoản 3 Điều 51 Hiến pháp năm 2013: “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa”.

Trong lĩnh vực pháp luật kinh doanh, để cụ thể hóa quyền tự do kinh doanh và đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng, hiện nay, mọi loại hình doanh nghiệp ở nước ta, bao gồm cả doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối đều hoạt động theo Luật doanh nghiệp. Luật doanh nghiệp là cơ sở pháp lý chung để thành lập và tổ chức, hoạt động các loại hình doanh nghiệp, đã thực sự tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, thể chế hóa sâu sắc đường lối đổi mới của đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước, mở rộng và phát triển quyền tự do kinh doanh trên tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp tục đổi mới chức năng của nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với các cam kết quốc tế, góp phần xây dựng và tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, ổn định, thông thoáng, có sức cạnh tranh cao so với khu vực.  Đặc biệt, Luật Doanh nghiệp 2020 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2021) vừa được Quốc hội thông qua với nhiều thay đổi về khuôn khổ quản trị công ty cũng như tăng khả năng bảo vệ quyền cổ đông và nhà đầu tư, qua đó giúp tăng năng lực cạnh tranh và huy động vốn của doanh nghiệp. 

Bên cạnh Luật doanh nghiệp, để khuyến khích hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo nhằm tăng khả năng cạnh tranh, độc lập tự chủ của quốc gia trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cũng đã được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Luật này có một số điều dành riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp, thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy phong trào “Quốc gia khởi nghiệp”. Khoản 2 Điều 3 của Luật DNNVV định nghĩa “DNNVV khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh”.

Về lĩnh vực đầu tư, cùng với sự ra đời song song của Luật doanh nghiệp là Luật đầu tư. Cuối năm 2018, Việt Nam tiến hành tổng kết 30 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trải qua 30 năm với nhiều làn sóng đầu tư, đến nay, khu vực FDI đã trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, thông qua sự góp mặt của 26 nghìn dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 326 tỷ USD, vốn thực hiện đạt hơn 180 tỷ USD. Đóng góp của khu vực FDI vào kinh tế - xã hội Việt Nam ngày càng đáng kể, tương đương khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và khoảng 20% GDP. Các doanh nghiệp (DN) FDI đóng góp tới 72,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, tức là cứ 10 đồng xuất khẩu của Việt Nam thì có tới hơn 7 đồng là của khu vực FDI . Bên cạnh các mặt tích cực nêu trên thì hiệu ứng lan tỏa của khu vực FDI đối với các lĩnh vực của nền kinh tế lại chưa được như kỳ vọng, tình trạng các doanh nghiệp vi phạm sở hữu trí tuệ, chuyển giá, trốn thuế, rửa tiền… cũng là bài toán khó đối với các nhà hoạch định chính sách. Luật đầu tư cần xây dựng theo hướng đảm bảo thu hút đầu tư nước ngoài phải thực sự đem lại lợi ích cho quốc gia, chú trọng thiết kế chính sách khuyến khích chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI cho khu vực trong nước, qua đó cải thiện năng lực công nghệ, năng lực cạnh tranh và cuối cùng là năng suất lao động của doanh nghiệp trong nước. Mặt khác, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cần chú trọng chất lượng dự án đầu tư chứ không phải số lượng dự án. Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài phải dựa trên nguyên tắc kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng, không biến Việt Nam thành bãi rác thải công nghệ của thế giới.

(Còn tiếp)


Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng;
2. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013;
3. Luật doanh nghiệp 
4. Luật đầu tư
5. Luật thuế giá trị gia tăng
6. Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt
7. Luật Quản lý thuế 
8. Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2018
9. Luật ngân sách nhà nước năm 2015
10.http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su/2018-11-01/wb-viet-nam-xep-thu-69-190-ve-moi-truong-kinh-doanh-2019-63771.aspx

Cập nhật : 8:43 - 28/09/2020
In trang này Click here to Print it!