Công tác dân nguyện tại HĐND Nghệ An: Tồn tại hạn chế và một số kiến nghị


1. Một số tồn tại hạn chế 
- Về tiếp xúc cử tri: Tiến độ giải quyết một số kiến nghị của cử tri còn chậm và kéo dài, có nhiều nội dung cử tri kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, thấu đáo, chưa có giải pháp căn cơ, lộ trình cụ thể gây bức xúc trong cử tri và Nhân dân. Chất lượng báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri còn có những hạn chế nhất định, nhiều nội dung trả lời còn chung chung, chưa xác định rõ lộ trình, hướng giải quyết cụ thể, nhất là đối với các kiến nghị về tiến độ thực hiện các công trình, dự án do các địa phương làm chủ đầu tư, các kiến nghị liên quan đến bố trí kinh phí, các kiến nghị cần có sự phối hợp của các cấp, các ngành để giải quyết. Việc cung cấp thông tin về kết quả giải quyết kiến nghị cử tri còn hạn chế dẫn đến nhiều nội dung đã được trả lời rõ nhưng cử tri không nắm được thông tin nên vẫn tiếp tục kiến nghị.
- Về công tác tiếp công dân: Việc tổ chức tiếp công dân của HĐND theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tiếp công dân nhiều nội dung chưa có hướng dẫn cụ thể, chưa xây dựng được quy chế nên chủ yếu vẫn thực hiện lồng ghép với chương trình tiếp dân của UBND, hiệu quả chưa cao. Một số đại biểu HĐND chưa nhận thức đúng vai trò của công tác tiếp dân; chưa dành nhiều thời gian cho công tác tiếp công dân; năng lực, phương pháp và kỹ năng tiếp công dân còn hạn chế. 
- Về giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân: chất lượng giải quyết một số vụ việc của các cơ quan có thẩm quyền chưa cao; báo cáo kết quả giải quyết hoặc thông báo trả lời cho công dân còn chậm, trả lời chung chung dẫn đến công dân tiếp tục khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh kéo dài. Có những vụ việc đã được Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết hết thẩm quyền, thậm chí có vụ việc đã được giải quyết theo ý kiến chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ được Ủy ban nhân dân tỉnh rà soát nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại. Công tác phối hợp xử lý đơn thư của các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể một số địa phương chưa đồng bộ, hiệu quả. Trong quá trình xem xét giải quyết vụ việc còn nặng về hành chính, chưa đi sâu tìm hiểu nguyên nhân phát sinh khiếu kiện của công dân, chưa chú trọng công tác tuyên truyền, hòa giải, đối thoại trực tiếp tại cơ sở nên một số vụ việc chưa giải quyết triệt để. Chưa có phần mềm và cơ sở dữ liệu quản lý đơn để áp dụng đồng bộ trong toàn hệ thống các cơ quan nhà nước, tạo thuận lợi cho việc cập nhật, theo dõi, giúp cho việc xử lý đơn được nhanh chóng, dễ dàng và giảm thiểu sự trùng lắp.

2. Kiến nghị, đề xuất
Đối với Ủy ban thường vụ Quốc hội: Đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành văn bản cụ thể các chế tài và trình tự, thủ tục áp dụng chế tài đối với các chủ thể không thực hiện việc giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân do HĐND tỉnh chuyển đến; không thực hiện việc giải quyết các kiến nghị giám sát của đại biểu Quốc hội, Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND, đại biểu HĐND. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trong công tác tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cho Thường trực HĐND, đại biểu HĐND các cấp, cán bộ công chức làm công tác tham mưu xử lý khiếu nại, tố cáo.

Đối với Chính phủ: Ban hành quy định về quy trình giải quyết đơn thư kiến nghị, phản ánh; quy định bổ sung Ban tiếp công dân cấp huyện có Phó ban để tạo thuận lợi trong giải quyết công việc tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; hướng dẫn phương án xử lý đối với các trường hợp công dân khiếu nại sai, tố cáo sai... Xây dựng cơ sở dữ liệu về công tác tiếp công dân và xây dựng phần mềm quản lý việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân để tạo thuận lợi cho cơ quan dân cử quản lý, theo dõi việc tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Bên cạnh đó, để làm tốt công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ cho các cơ quan tiếp công dân đòi hỏi đội ngũ cán bộ công chức làm nhiệm vụ này phải là những người am hiểu về pháp luật, có thời gian, kinh nghiệm công tác tại các cơ quan chuyên môn liên quan đến lĩnh vực. Vì vậy, cần ban hành Quy chuẩn hóa chức danh tiếp công dân, đồng thời có chế độ, chính sách thỏa đáng đối với đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ này.

Đối với UBND tỉnh
Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành đối với nhiệm vụ giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Chỉ đạo các ngành, các cấp cần khẩn trương rà soát, xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể để giải quyết những kiến nghị bức xúc, kéo dài của cử tri. Thường xuyên kiểm tra, rà soát việc giải quyết kiến nghị cử tri của các ngành, các cấp; đôn đốc, nhắc nhở, kiểm điểm trách nhiệm các cơ quan, đơn vị, địa phương chậm hoặc không giải quyết, giải quyết chưa thấu đáo những vấn đề chính đáng, hợp pháp mà cử tri phản ánh, kiến nghị nhiều lần.
Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp trong công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, trong đó lưu ý làm tốt công tác đối thoại, hòa giải cơ sở, nhất là đối với những nơi tiềm ẩn phát sinh đơn thư trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư các công trình, dự án. Tăng cường sự phối hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Thực hiện nghiêm túc các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo. 
Nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Thường xuyên tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác tiếp công dân cũng như đội ngũ cán bộ, công chức thanh tra, tư pháp, tài nguyên và môi trường, lao động, thương binh và xã hội để giải quyết tốt đơn thư. 
Tăng cường hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo về các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng để hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo. Trong công tác quản lý đất đai, cần chú trọng làm tốt công tác lập, xét duyệt và triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư. 
Việc thực hiện tốt công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, đôn đốc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trong thời gian qua và khắc phục nhưng tồn tại trong thời gian tới sẽ góp phần quan trọng vào việc giải quyết tốt các ý kiến, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân và cử tri tỉnh nhà, để HĐND tỉnh Nghệ An xứng đáng là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.

Cập nhật : 17:40 - 25/09/2020
In trang này Click here to Print it!