HỎI – ĐÁP DÀNH CHO ĐẠI BIỂU DÂN CỬ THÁNG 6 – SỐ 4


Câu hỏi: Ban của Hội đồng nhân dân cấp xã giám sát thông qua những hoạt động nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 76 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, các hoạt động giám sát của Ban của Hội đồng nhân dân cấp xã gồm:
Một là, thẩm tra các báo cáo do Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã phân công;
Hai là, giám sát quyết định của Ủy ban nhân dân cùng cấp;
Ba là, giám sát chuyên đề.
Bốn là, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.

Câu hỏi: Ban của Hội đồng nhân dân cấp xã có lập chương trình giám sát không? Chương trình này được quyết định theo trình tự, thủ tục như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 77 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, Ban của Hội đồng nhân dân cấp xã lập chương trình giám sát hằng năm căn cứ vào chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân và ý kiến các thành viên của Ban của Hội đồng nhân dân cấp xã.  
Chương trình giám sát hằng năm của Ban của Hội đồng nhân dân được Ban của Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định vào cuối năm trước. Trưởng Ban tổ chức thực hiện chương trình giám sát; trường hợp cần thiết, chương trình giám sát có thể được điều chỉnh.

Câu hỏi: Ban của Hội đồng nhân dân cấp xã có thẩm tra báo cáo không? Việc thẩm tra này được tiến hành theo trình tự, thủ tục như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 78 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, trước ngày khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân chậm nhất là 10 ngày Ban của Hội đồng nhân dân cấp xã tổ chức họp thẩm tra báo cáo theo sự phân công của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã, cụ thể gồm các báo cáo:
- Báo cáo công tác 06 tháng, hằng năm của Ủy ban nhân dân cấp xã;
- Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Ủy ban nhân dân cấp xã;
- Báo cáo của Ủy ban nhân dân xã về kinh tế - xã hội; báo cáo của Ủy ban nhân dân xã về thực hiện ngân sách nhà nước, quyết toán ngân sách nhà nước của địa phương; báo cáo của Ủy ban nhân dân xã về công tác phòng, chống tham nhũng; báo cáo của Ủy ban nhân dân xã về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; báo cáo của Ủy ban nhân dân xã về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; báo cáo của Ủy ban nhân dân xã về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cử tri;
- Báo cáo về việc thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật;
- Báo cáo khác theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân.
Việc thẩm tra các báo cáo trên được tiến hành theo trình tự sau đây:
- Bước 1, người đứng đầu cơ quan có báo cáo trình bày;
- Bước 2, đại diện cơ quan, tổ chức được mời dự phiên họp phát biểu ý kiến;
- Bước 3, Ban của Hội đồng nhân dân thảo luận;
- Bước 4, người đứng đầu cơ quan có báo cáo trình bày, giải trình bổ sung;
- Bước 5, Chủ tọa phiên họp dự kiến kết luận; Ban của Hội đồng nhân dân biểu quyết khi xét thấy cần thiết.
Báo cáo thẩm tra của Ban của Hội đồng nhân dân được gửi đến Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp.

Câu hỏi: Ban của Hội đồng nhân dân cấp xã xem xét văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 79 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, Ban của Hội đồng nhân dân cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thường xuyên theo dõi việc ban hành quyết định của Ủy ban nhân dân cùng cấp có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp không, trường hợp phát hiện văn bản quy phạm pháp luật đó có dấu hiệu trái thì các Ban của Hội đồng nhân dân có quyền yêu cầu cơ quan đã ban hành văn bản đó xem xét, sửa đổi, bổ sung, đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản đó.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, cơ quan đã ban hành văn bản phải thông báo cho Ban của Hội đồng nhân dân cấp xã biết việc giải quyết; quá thời hạn này mà không trả lời hoặc giải quyết không đáp ứng với yêu cầu thì Ban của Hội đồng nhân dân có quyền kiến nghị với Thường trực Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định.

Câu hỏi: Ban của Hội đồng nhân dân cấp xã thực hiện giám sát chuyên đề trong trường hợp nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 80 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, Ban của Hội đồng nhân dân cấp xã tổ chức Đoàn giám sát của Ban để thực hiện giám sát chuyên đề trong trường hợp sau:
- Khi căn cứ vào chương trình giám sát của mình;
- Qua giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân;
- Qua phương tiện thông tin đại chúng, ý kiến, kiến nghị của cử tri phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật;
- Được Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân giao.
Quyết định thành lập Đoàn giám sát phải xác định rõ phạm vi, đối tượng, nội dung, kế hoạch giám sát, thành phần Đoàn giám sát và cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.
Đoàn giám sát do Trưởng Ban hoặc Phó Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân làm Trưởng đoàn, các thành viên khác gồm Ủy viên của Ban của Hội đồng nhân dân và một số đại biểu Hội đồng nhân dân. Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận có thể được mời tham gia hoạt động Đoàn giám sát. Ban có thể mời thêm các chuyên gia, người có hiểu biết về lĩnh vực giám sát tham gia Đoàn giám sát.

Tham khảo:
1. Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015.
2. Nghị quyết 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Cập nhật : 17:37 - 25/09/2020
In trang này Click here to Print it!