Phát triển ngành dịch vụ ở Việt Nam - Một số vấn đề đặt ra


Việt Nam đã và đang đặt phải đối mặt với những thách thức của sự phát triển ngành dịch vụ trong thời kỳ hội nhập và cải cách kinh tế hiện nay. Vì thế, để đạt được những mục tiêu đề ra, khu vực dịch vụ của Việt Nam sẽ phải tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm tới.

Trong thời đại toàn cầu hóa và kinh tế tri thức hiện nay, ngành dịch vụ có vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế thế giới và các nền kinh tế quốc gia. Khi kinh tế thế giới đang chuyển đổi sang nền kinh tế dịch vụ, xu hướng các công ty “thuê ngoài” nhiều hơn đối với các hoạt động trước đây vẫn tự mình tiến hành, FDI vào ngành dịch vụ ngày càng tăng nhanh,… thì yêu cầu phát triển dịch vụ có ý nghĩa to lớn, không chỉ trực tiếp tạo động lực phát triển mà còn tạo lập và củng cố sự liên kết, bảo đảm đầu ra cho các ngành công - nông nghiệp và tác động lan tỏa tới mọi lĩnh vực trong nền kinh tế.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã đề ra nhiệm vụ tiếp tục đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tạo nền tảng để đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Ngày 21/02/2017, Chương trình hành động do Chính phủ ban hành (kèm theo Nghị quyết 27/NQ-CP của Chính phủ) thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành  Trung ương Đảng khoá XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã tiếp tục khẳng định cơ cấu lại và phát triển nhanh các ngành dịch vụ.

Trong bối cảnh hiện nay, khu vực dịch vụ Việt Nam đang gặp phải những vấn đề khó khăn như sau:
- Thiếu một chiến lược phát triển tổng thể, toàn diện cho khu vực dịch vụ làm cơ sở cho các nỗ lực phát triển chung của toàn bộ khu vực dịch vụ; 
- Thiếu cơ sở dữ liệu và thông tin chính xác về các hoạt động dịch vụ để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý từ Trung ương đến địa phương đưa ra các quyết sách phát triển thích hợp; 
- Năng lực, phân tích và hoạch định chính sách liên quan đến phát triển dịch vụ còn hạn chế;
- Năng lực con người cũng như cơ chế phối hợp trong quản lý tổ chức triển khai các kế hoạch hành động về dịch vụ ở cả Trung ương và địa phương còn yếu. 

Việt Nam đã và đang đặt phải đối mặt với những thách thức đối với sự phát triển của ngành dịch vụ trong thời kỳ hội nhập và cải cách kinh tế hiện nay. Vì thế, để đạt được những mục tiêu đề ra, khu vực dịch vụ của Việt Nam sẽ phải tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm tới.

Ưu tiên phát triển một số ngành dịch vụ mang tính “đột phá”
Phát triển ngành dịch vụ nói chung, trong đó chú trọng ưu tiên phát triển một số ngành dịch vụ mang tính “đột phá” có thể tạo ra những hiệu ứng cấp số nhân làm thay đổi cấu trúc của toàn bộ ngành dịch vụ và nền kinh tế, chính là cơ hội để nền kinh tế Việt Nam đi tắt đón đầu, nhanh chóng chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế dịch vụ. 
Một số Báo cáo của Bộ Kế hoạch đầu tư phối hợp với Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc đã từng khuyến nghị rằng Việt Nam nên ưu tiên phát triển 3 ngành dịch vụ mũi nhọn là viễn thông, giáo dục - đào tạo và dịch vụ kinh doanh. Tuy nhiên do nguồn lực hạn chế và yêu cầu phát triển nhanh của nền kinh tế, trong thời gian tới, Việt Nam cần chú trọng ưu tiên phát triển 3 ngành dịch vụ là ngành dịch vụ ngân hàng, chứng khoán; ngành dịch vụ giáo dục đại học và sau đại học; ngành dịch vụ khoa học-công nghệ. Ngành dịch vụ ngân hàng và chứng khoán là ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh nên sẽ là động lực thúc đẩy và có tác động lớn đến sự ổn định phát triển kinh tế vĩ mô. Ngành dịch vụ giáo dục đại học và sau đại học đảm bảo việc cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao và cùng với ngành dịch vụ khoa học-công nghệ là những ngành dịch vụ “trung gian,” tạo nền tảng thúc đẩy các ngành dịch vụ khác như ngành dịch vụ công nghệ thông tin phát triển, qua đó giúp Việt Nam từng bước tiến vào nền kinh tế dịch vụ, nhất là nền kinh tế dịch vụ tri thức đang trở thành xu thế phát triển chung của thế giới. 
Bên cạnh đó, tập trung phát triển các lĩnh vực dịch vụ có tiềm năng như du lịch, bảo hiểm, vận tải, kho bãi, tài chính - ngân hàng, xây dựng, xuất khẩu lao động... cũng sẽ khuyến khích phát triển dịch vụ mới có sức cạnh tranh cao, giúp đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu ngành và nội ngành dịch vụ, tăng dần tỷ trọng dịch vụ trong GDP của cả nước. 

Cải cách cơ sở hạ tầng của các ngành dịch vụ gắn với những định hướng rõ ràng
Trong quá trình cải cách và mở cửa kinh tế, ngành dịch vụ của Việt Nam nói chung và các ngành dịch vụ ưu tiên không thể tránh khỏi những xáo động nhất định. Các ngành dịch vụ vốn thuộc độc quyền nhà nước hoặc được nhà nước hỗ trợ nhiều đang từng bước mở cửa, cạnh tranh với bên ngoài hoặc phát triển độc lập. Tuy nhiên, một số ngành dịch vụ phát triển nhanh chóng lại mang tính đầy rủi ro. Vì thế, cải cách cơ sở hạ tầng của các ngành dịch vụ này không chỉ theo hướng tự do cạnh tranh để nâng cao chất lượng mà còn phải gắn với những định hướng rõ ràng (như về ngành nghề cần đào tạo và lĩnh vực cần nghiên cứu) để đáp ứng đúng yêu cầu của nền kinh tế và không lãng phí nguồn lực trong nước và nguồn tài trợ bên ngoài. 

Đẩy mạnh cơ sở hạ tầng sẽ thu hút FDI của Việt Nam 
Phát triển dịch vụ đã trở thành yếu tố quan trọng để Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài mới, không chỉ vào các ngành công nghiệp mà cả vào lĩnh vực dịch vụ, cung cấp vốn và công nghệ cho quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Trong những năm qua, Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn của nguồn vốn FDI song nghịch lý của Việt Nam so với xu thế chung của thế giới là phần lớn FDI vào Việt Nam mới chỉ tập trung vào các ngành chế tạo và FDI vào các ngành dịch vụ còn tương đối hạn chế. Vì vậy, Việt Nam cần phải và hoàn toàn có thể nắm lấy cơ hội nhận được FDI nhiều hơn bằng cách tăng cường thu hút FDI vào lĩnh vực dịch vụ. Bên cạnh việc cải thiện khung khổ luật pháp và chính sách trong nước thì Việt Nam sẽ cần lợi thế là nguồn lao động có tay nghề để làm việc trong các ngành dịch vụ. Tiếp tục huy động các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước để nâng cấp, xây dựng mới kết cấu hạ tầng, trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại nhằm tạo thuận lợi cho phát triển dịch vụ.
Thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách là thúc đẩy cạnh tranh từ phía nước ngoài trong khi đảm bảo rằng nhu cầu điều tiết các nhà cung cấp dịch vụ vẫn được đáp ứng. Điều này đòi hỏi quá trình tự hóa được phân biệt với nhu cầu điều tiết hoặc các cải cách quản lý. Cần có các quy định để thực hiện các mục tiêu xã hội, y tế cộng đồng hoặc văn hóa và nếu cần thiết, phải củng cố các quy định này đồng thời áp dụng bình đẳng đối với các nhà cung cấp trong nước và nước ngoài.
Cùng với xu thế FDI vào lĩnh vực dịch vụ gia tăng thì xu thế thuê ngoài và xuất khẩu dịch vụ cũng đang chuyển từ thách thức trở thành cơ hội cho ngành dịch vụ của Việt Nam phát triển. FDI và “thuê ngoài” trong ngành dịch vụ tăng sẽ thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm dịch vụ. Việt Nam là một nền kinh tế hướng ra xuất khẩu song hiện mới chỉ tập trung vào xuất khẩu hàng hóa. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với Trung Quốc, nước được gọi là “công xưởng” của thế giới nhưng Việt Nam có thể trở thành nhà cung ứng dịch vụ cho công xưởng này.  

Chưa phát triển các ngành dịch vụ trung gian
Các ngành kinh tế được thúc đẩy tăng trưởng bởi các ngành dịch vụ trung gian. Tuy nhiên, ở Việt Nam các chính sách dường như chỉ chú trọng đến các dịch vụ cuối cùng. Ngành dịch vụ duy trì và hỗ trợ toàn bộ quá trình sản xuất thông qua việc cung cấp các dịch vụ đầu vào “thượng nguồn” (như nghiên cứu và phát triển, nghiên cứu khả thi, thiết kế sản phẩm, đào tạo nhân viên), các dịch vụ đầu vào “trung nguồn” (như kế toán, dịch vụ pháp lý, kỹ thuật, kiểm nghiệm, các dịch vụ máy tính, bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị, tài chính, viễn thông) và các dịch vụ đầu vào “hạ nguồn” (như quảng cáo, phân phối, vận tải, kho hàng). Sẽ không phát triển được một nền công nghiệp cạnh tranh nếu không có các dịch vụ đầu vào chất lượng cao. 

Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Hồng Sơn - Nguyễn Mạnh Hùng, Phát triển ngành dịch vụ, NXB Đại học quốc gia Hà Nội, 2010.
2. Báo cáo "Chiến lược tổng thể phát triển ngành dịch vụ tới năm 2020 (CSSSD) và tầm nhìn tới năm 2025" trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ Thương mại Đa biên giai đoạn III (EU-Việt Nam MUTRAP III), 12/2009.

Cập nhật : 17:32 - 25/09/2020
In trang này Click here to Print it!