HỎI – ĐÁP DÀNH CHO ĐẠI BIỂU DÂN CỬ THÁNG 6 – SỐ 1


Câu hỏi: Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã xem xét quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã trong trường hợp nào?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 68 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã xem xét, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Khi phát hiện văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp;
- Theo đề nghị của Ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân;
- Theo đề nghị của Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.

Câu hỏi: Trách nhiệm thẩm tra đề nghị về văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp thuộc về cơ quan nào?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, khi có đề nghị của Ban, của ít  nhất một đại biểu Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc cấp xã thì Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã giao cho Ban pháp chế thẩm tra đề nghị về văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp.
Trong trường hợp Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã quyết định việc giám sát quyết định của Ủy ban nhân dân thì Thường trực Hội đồng nhân dân  giao cho một Ban của Hội đồng nhân dân có trách nhiệm chủ trì, phối hợp thẩm tra đề nghị về văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp tùy thuộc vào nội dung của văn bản liên quan đến lĩnh vực phụ trách của Ban nào.

Câu hỏi: Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã xem xét quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp theo trình tự như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 68 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã xem xét văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự sau đây:
Bước 1: Đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân có đề nghị trình bày;
Bước 2: Trưởng ban của Hội đồng nhân dân cấp xã trình bày báo cáo thẩm tra;
Bước 3: Đại diện cơ quan, tổ chức được mời tham dự phiên họp phát biểu ý kiến;
Bước 4: Chủ tịch Ủy ban nhân dân báo cáo, giải trình;
Bước 5: Thường trực Hội đồng nhân dân thảo luận;
Bước 6: Chủ tọa cuộc họp kết luận.
Kết luận của Chủ tọa cuộc họp cần rõ ràng, quyết định của Ủy ban nhân dân có trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp hay không, nếu có dấu hiệu trái thì Thường trực Hội đồng nhân dân có quyền yêu cầu cơ quan ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản; trường hợp cơ quan ban hành văn bản không thực hiện yêu cầu thì Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định.

Câu hỏi: Hoạt động chất vấn và xem xét trả lời chất vấn được quy định như thế nào tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân trong thời gian giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, trong thời gian giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân ghi vấn đề chất vấn, người bị chất vấn vào phiếu chất vấn và gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp.
Căn cứ vào chương trình phiên họp, ý kiến, kiến nghị của cử tri, vấn đề xã hội quan tâm và phiếu chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định nhóm vấn đề chất vấn, người bị chất vấn, thời gian chất vấn.

Câu hỏi: Hoạt động chất vấn tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã được tiến hành theo trình tự nào?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 69 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, hoạt động chất vấn tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã được tiến hành theo trình tự sau đây:
Thứ nhất, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã nêu chất vấn, có thể cung cấp thông tin minh họa bằng hình ảnh, video, vật chứng cụ thể; 
Thứ hai, người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp, đầy đủ vào vấn đề mà đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã đã chất vấn, không được ủy quyền cho người khác trả lời thay; xác định rõ trách nhiệm, biện pháp và thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập (nếu có); 
Thứ ba, trường hợp đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã không đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì có quyền chất vấn lại để người bị chất vấn trả lời; 
Thứ tư, những người khác có thể được mời tham dự phiên họp và trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã về vấn đề thuộc trách nhiệm của mình.
Thời gian nêu chất vấn, thời gian trả lời chất vấn do Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã xem xét, quyết định.

Câu hỏi: Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã đồng ý để đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã trả lời chất vấn bằng văn bản trong trường hợp nào?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 69 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã cho trả lời chất vấn bằng văn bản trong trường hợp sau đây:
Một là, chất vấn không thuộc nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp;
Hai là, vấn đề chất vấn cần được điều tra, xác minh;
Ba là, chất vấn thuộc nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp nhưng chưa được trả lời tại phiên họp.
Người bị chất vấn phải trực tiếp trả lời bằng văn bản. Văn bản trả lời chất vấn được gửi đến đại biểu Hội đồng nhân dân đã chất vấn, Thường trực Hội đồng nhân dân trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày chất vấn.
Sau khi nhận được văn bản trả lời chất vấn, nếu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã không đồng ý với nội dung trả lời thì có quyền đề nghị Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã đưa ra thảo luận tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã hoặc kiến nghị Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã, Hội đồng nhân dân xem xét trách nhiệm đối với người bị chất vấn.

Tham khảo:
1. Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015.
2. Nghị quyết 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Cập nhật : 17:24 - 25/09/2020
In trang này Click here to Print it!