HỎI – ĐÁP DÀNH CHO ĐẠI BIỂU DÂN CỬ THÁNG 5 – SỐ 5


Câu hỏi: Trình tự Hội đồng nhân dân cấp xã bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu được quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 64 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015 và Điều 14 Nghị quyết 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu được thực hiện tại kỳ họp Hội đồng nhân dân được quy định như sau:
- Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã trình Hội đồng nhân dân cấp xã bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu tại kỳ họp Hội đồng nhân dân;
- Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quyền trình bày ý kiến của mình trước Hội đồng nhân dân cấp xã;
- Hội đồng nhân dân cấp xã thảo luận;
- Hội đồng nhân dân cấp xã thành lập Ban kiểm phiếu;
- Hội đồng nhân dân cấp xã bỏ phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín; Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm, các mức độ: “Tín nhiệm”; “Không tín nhiệm”.
- Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu đối với người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm;
- Hội đồng nhân dân cấp xã xem xét, thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân.
Việc người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân xã đánh giá không tín nhiệm thì có thể xin từ chức; trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Hội đồng nhân dân xã bầu có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân xã xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm đối với người đó.

Câu hỏi: Khi tiến hành xong hoạt động giám sát, Hội đồng nhân dân cấp xã có thẩm quyền gì?
Trả lời: 
Theo quy định tại Điều 65 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, căn cứ vào kết quả giám sát, Hội đồng nhân dân cấp xã có thẩm quyền sau đây:
- Bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã;
- Ra nghị quyết về chất vấn;
- Miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và các Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp xã.

Câu hỏi: Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã giám sát thông qua những hoạt động nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 66 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã giám sát thông qua 6 hoạt động, đó là các hoạt động sau đây:
- Xem xét quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã;
- Xem xét việc trả lời chất vấn của những người bị chất vấn là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, thành viên khác của Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân; 
- Tổ chức Đoàn giám sát chuyên đề.
- Tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân;
- Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
- Giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

Câu hỏi: Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã có lập chương trình giám sát không? Chương trình này được quyết định theo trình tự, thủ tục như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 67 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, căn cứ vào chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân, ý kiến của các thành viên Thường trực Hội đồng nhân dân, đề nghị của các Ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và ý kiến, kiến nghị của cử tri ở địa phương thì Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã quyết định chương trình giám sát hằng năm của mình.
Trình tự quyết định chương trình giám sát như sau:
Bước 1: Đề xuất: Chậm nhất là 05 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp cuối năm của Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã gửi đề nghị giám sát đưa vào chương trình giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân đến Thường trực Hội đồng nhân dân. Đề nghị giám sát phải nêu rõ sự cần thiết, nội dung, phạm vi, đối tượng giám sát.
Bước 2: Dự kiến: Bộ phận giúp việc Hội đồng nhân dân cấp xã tập hợp, tổng hợp đề nghị giám sát trình Thường trực Hội đồng nhân dân. Thông thường, Phó Chủ tịch Hội  đồng nhân dân trực tiếp chỉ đạo công việc này.
Bước 3: Quyết định: Thường trực Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định Chương trình giám sát hằng năm chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày bế mạc kỳ họp cuối năm trước của Hội đồng nhân dân.
Chương trình giám sát hằng năm được Thường trực Hội đồng nhân dân xem xét quyết định theo trình tự sau đây:
- Người đứng đầu bộ phận giúp việc Hội đồng nhân dân cấp xã trình dự kiến chương trình giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân;
- Thường trực Hội đồng nhân dân thảo luận;
- Thường trực Hội đồng nhân dân thông qua chương trình giám sát.
Bước 4: Tổ chức thực hiện: Căn cứ vào chương trình giám sát đã được thông qua, Thường trực Hội đồng nhân dân phân công thành viên Thường trực Hội đồng nhân dân thực hiện các nội dung trong chương trình; giao các Ban của Hội đồng nhân dân thực hiện một số nội dung thuộc chương trình và báo cáo kết quả với Thường trực Hội đồng nhân dân khi cần thiết.
Thường trực Hội đồng nhân dân báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát hằng năm của mình với Hội đồng nhân dân vào kỳ họp giữa năm của năm sau.

Tham khảo:
1. Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015.
2. Nghị quyết 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Cập nhật : 16:34 - 25/09/2020
In trang này Click here to Print it!