NỘI DUNG GIÁM SÁT TRONG NỘI BỘ NỀN HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC (PHẦN 2)


Tùy theo từng lĩnh vực hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, việc giám sát trong nội bộ các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện chủ yếu dựa trên những những nội dung cụ thể. Trong Phần 2, bài viết sẽ tiếp tục đề cập đến vấn đề giám sát nội bộ nền hành chính trong hoạt động chấp hành và điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước; giám sát nội bộ nền hành chính thông qua việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật và chức năng, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước và giám sát nội bộ nền hành chính thông qua việc sử dụng các nguồn lực về tài chính, công sản của quốc gia.

3. Giám sát nội bộ nền hành chính trong hoạt động chấp hành và điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước 
Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015, Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018… chỉ có các quy định về giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội… có quyền giám sát hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Tuy nhiên, không có những quy định trực tiếp về nội dung giám sát trong nội bộ nền hành chính nhà nước đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước. Xem xét kỹ lưỡng các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, tác giả nhận thấy những quy định có liên quan như: 
Các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện việc giám sát hoạt động chấp hành và điều hành, triển khai các nhiệm vụ về quản lý hành chính nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước trên các lĩnh vực như giáo dục, y tế, tổ chức, quản lý nguồn nhân lực, tài chính, tôn giáo, an ninh, quốc phòng, đối nội, đối ngoại… Các cơ quan hành chính nhà nước thực thi việc giám sát thực hiện việc chấp hành các quy định của Hiến pháp, luật, và các văn bản hướng dẫn thi hành của các cơ quan hành chính nhà nước ở cấp trên nhằm đảm bảo tính hiệu lực và hiệu quả của các cơ quan hành chính nhà nước: “Đây là các cơ quan chuyên thực hiện các hoạt động chấp hành và điều hành, thực thi pháp luật, áp dụng pháp luật, đưa pháp luật vào đời sống. Các cơ quan này chủ yếu là bộ máy hành chính nhà nước, bao gồm Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân và các cơ quan tham mưu của Ủy ban nhân dân các cấp. Các cơ quan quản lý nhà nước được thiết lập theo trật tự, có tính thứ bậc chặt chẽ, có sự phân công, phân cấp về thẩm quyền, gắn liền với việc giải quyết các công việc cụ thể liên quan đến quyền và nghĩa cụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Các cơ quan này đều có thẩm quyền ban hành các quyết định hành chính cá biệt, thực hiện hành vi hành chính thể hiện chức năng quản lý nhà nước. Hoạt động giám sát hành chính nhằm xem xét, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước. Các nhiệm vụ, quyền hạn này được quy định dựa trên thẩm quyền của từng cơ quan” . Thực hiện việc giám sát quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khi tham gia các quan hệ pháp luật hành chính trong hoạt động sử dụng, quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, cung cấp dịch vụ hành chính công, sử dụng tài sản công… 

4. Giám sát nội bộ nền hành chính thông qua việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật và chức năng, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước
Nghị quyết 26 - NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XII, về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đã thẳng thắn nhận định: “Công tác cán bộ còn nhiều hạn chế, bất cập, việc thực hiện một số nội dung còn hình thức… Quy hoạch cán bộ thiếu tính tổng thể, liên thông giữa các cấp, các ngành, các địa phương; còn dàn trải, khép kín, chưa bảo đảm phương châm "động" và "mở"… Việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc ”. Do đó, trong thời gian tới phải tăng cường giám sát nội bộ thông qua việc thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước theo quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị định số 161/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29 tháng 11 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập…
5. Giám sát nội bộ nền hành chính thông qua việc sử dụng các nguồn lực về tài chính, công sản của quốc gia
Hoạt động sử dụng ngân sách, nguồn lực tài chính tại các cơ quan hành chính nhà nước diễn ra hàng ngày, hàng giờ, do vậy, mặc dù đã có những quy định chặt chẽ về việc sử dụng và quản lý tài sản công nhưng khi thực hiện vẫn không tránh khỏi thiếu sót, nhầm lẫn của các cơ quan hành chính nhà nước do lỗi khách quan và chủ quan. “Campos và Pradhan (1996) đã vạch ra ba kết quả lý tưởng của một hệ thống quản lý chi tiêu công là: kỷ luật tài khóa, phân bổ nguồn lực theo các ưu tiên chính sách, và quản lý tác nghiệp tốt. Kỷ cương tài chính có nghĩa là kiểm soát chi tiêu và quản lý thận trọng thâm hụt ngân sách” . Trong việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan hành chính nhà nước việc sử dụng các nguồn lực về tài chính, công sản của quốc gia giữ vai trò hết sức quan trọng cần được thực hiện thường xuyên, liên tục nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Từ điển Luật học, Nxb Từ điển Bách khoa - Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2006
2. Một số vấn đề về giám sát hành chính, http://hanam.gov.vn/thanhtra/Pages/Mot-so-van-%C4%91e-ve-giam-sat-hanh-chinh1390132597.aspx
3. TS. Lay G. Wescott, Quản lý tài chính công: Tăng cường hiệu quả điều hành và quản lý nhà nước, UNDP, 2009

Cập nhật : 16:32 - 25/09/2020
In trang này Click here to Print it!