HỎI – ĐÁP DÀNH CHO ĐẠI BIỂU DÂN CỬ THÁNG 5 – SỐ 4


Câu hỏi: Hội đồng nhân dân cấp xã có xem xét báo cáo của Đoàn giám sát hay không?
Trả lời:
Hội đồng nhân dân cấp xã đã thành lập ra Đoàn giám sát thì cần thiết phải nghe Đoàn giám sát báo cáo kết quả và thảo luận, kết luận về kết quả giám sát. Theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, Hội đồng nhân dân cấp xã xem xét báo cáo của Đoàn giám sát theo trình tự sau đây:
Bước 1: Đoàn giám sát báo cáo kết quả giám sát;
Bước 2: Đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát báo cáo, giải trình;
Bước 3: Hội đồng nhân dân thảo luận.
Trong quá trình thảo luận, đại diện Đoàn giám sát có thể trình bày bổ sung về những vấn đề liên quan;
Bước 4: Hội đồng nhân dân ra nghị quyết về vấn đề được giám sát. Nội dung nghị quyết giám sát chuyên đề gồm:
- Đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân hạn chế, bất cập liên quan đến chuyên đề giám sát; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan;
- Thời gian khắc phục hạn chế, bất cập;
- Trách nhiệm thi hành của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
- Trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết.
Nghị quyết giám sát được gửi đến cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Câu hỏi: Hội đồng nhân dân cấp xã lấy phiếu tín nhiệm đối với những đối tượng nào?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 63 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, Hội đồng nhân dân cấp xã lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu, cụ thể:
- Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân; 
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy viên Ủy ban nhân dân.

Câu hỏi: Hội đồng nhân dân cấp xã lấy phiếu tín nhiệm theo trình tự nào?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 63 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện tại kỳ họp Hội đồng nhân dân theo trình tự sau đây:
Thứ nhất, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân quyết định danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm;
Thứ hai, Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín;
Thứ ba, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân thông qua nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Câu hỏi: Người được lấy phiếu tín nhiệm có mức độ tín nhiệm thấp thì xử lý như thế nào?
Trả lời:
Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức.
Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã trình Hội đồng nhân dân cấp xã bỏ phiếu tín nhiệm.


Câu hỏi: Tại sao phải trình Hội đồng nhân dân cấp xã danh sách người được lấy phiếu tín nhiệm?
Trả lời:
Mặc dù khoản 1 Điều 63 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015 quy định cụ thể về các đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm, tuy nhiên, để được lấy phiếu tín nhiệm thì cần có điều kiện cụ thể ví dụ như thời gian công tác, người vừa được Hội đồng nhân dân cấp xã bầu làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã một vài tháng, thời gian quá ít thì không lấy phiếu tín nhiệm về vị trí công tác là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Do vậy, cần trình Hội đồng nhân dân cấp xã danh sách người được lấy phiếu tín nhiệm.

Câu hỏi: Hội đồng nhân dân cấp xã lấy phiếu tín nhiệm khi nào?
Trả lời:
Theo khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 85/2014/QH13), Lấy phiếu tín nhiệm là việc Hội đồng nhân dân cấp xã thực hiện quyền giám sát, đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu để làm cơ sở cho việc xem xét, đánh giá cán bộ.
Ngoài quy định tại Luật hoạt động hoạt giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, thời hạn, thời điểm lấy phiếu tín nhiệm đối với người được Hội đồng nhân dân bầu được thực hiện theo Điều 7 Nghị quyết 85/2014/QH13, theo đó, Hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ.

Câu hỏi: Lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm có gì khác nhau?
Trả lời:
Trước đây, pháp luật chỉ quy định về việc Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người do Hội đồng nhân dân bầu. Thực tế hoạt động này cho thấy với quy định chặt chẽ của bỏ phiếu tín nhiệm nên chưa có Hội đồng nhân dân cấp nào thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm. Để Hội đồng nhân dân đánh giá người được Hội đồng nhân dân bầu, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn và được quy định tại Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015.
Theo đó, lấy phiếu tín nhiệm là việc làm định kỳ, đến thời hạn quy định thì tiến hành. Bỏ phiếu tín nhiệm được tiến hành khi có điều kiện nhất định cho thấy người do Hội đồng nhân dân bầu có vi phạm hoặc năng lực, uy tín kém.

Câu hỏi: Hội đồng nhân dân cấp xã bỏ phiếu tín nhiệm khi nào?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, Hội đồng nhân dân cấp xã bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân cấp xã bầu trong các trường hợp sau đây:
- Có kiến nghị của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã; việc tập hợp kiến nghị được thực hiện từ sau kỳ họp trước đến kỳ họp xem xét việc bỏ phiếu tín nhiệm;
- Có kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp;
- Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã trở lên đánh giá tín nhiệm thấp.

Tham khảo:
1. Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015.
2. Nghị quyết 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Cập nhật : 16:30 - 25/09/2020
In trang này Click here to Print it!