MỘT SỐ CHÍNH SÁCH LỚN TRONG DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀ LUẬT VIÊN CHỨC – KIẾN NGHỊ VÀ GIẢI PHÁP (Phần 4)

IV. Vấn đề chính sách 4: Thống nhất thực hiện hợp đồng có thời hạn đối với trường hợp viên chức được tuyển dụng mới (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn).

1. Vấn đề bất cập
Điều 25 Luật Viên chức quy định về các loại hợp đồng làm việc, theo đó có 2 loại là hợp đồng làm việc có thời hạn và hợp đồng làm việc không thời hạn. Viên chức được tuyển dụng sẽ ký hợp đồng xác định thời hạn (từ 12 đến 36 tháng); sau khi kết thúc hợp đồng xác định thời hạn thì viên chức được ký hợp đồng không xác định thời hạn. Đồng thời, Luật cũng quy định về chế độ tập sự đối với người trúng tuyển viên chức. Quy định về việc ký kết hợp đồng làm việc có thời hạn và hợp đồng làm việc không thời hạn trong thời gian qua còn một số vướng mắc, cụ thể như sau: 
- Việc phân biệt 2 loại hợp đồng dẫn đến sự bất bình đẳng, tâm lý “trên” – “dưới” giữa người ký hợp đồng có thời hạn và hợp đồng không thời hạn; 
- Việc quy định về hợp đồng không xác định thời hạn đối với đội ngũ viên chức sẽ không khuyến khích cơ chế cạnh tranh, không có vào, có ra, từ đó không tạo động lực trong công việc, dẫn đến giảm năng suất, hiệu quả; 
- Quy định về hợp đồng không xác định thời hạn cũng dẫn tới một thực trạng là các đơn vị SNCL còn ỉ lại, trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước, kém năng động, sáng tạo dẫn đến quá trình xã hội hóa cung cấp dịch vụ công diễn ra rất chậm, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước.

Tại kỳ họp thứ 7, Chính phủ trình Quốc hội hai phương án:
Phương án 1: Tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi Luật này có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn, không ký hợp đồng không xác định thời hạn (kể cả đối với trường hợp sau khi kết thúc hợp đồng xác định thời hạn lần 2), trừ viên chức được tuyển dụng mới vào đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Chính phủ ưu tiên lựa chọn phương án này. 
Phương án 2: Viên chức được tuyển dụng mới sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn, trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì khi tuyển dụng mới viên chức được ký ngay hợp đồng không xác định thời hạn. 
Qua thảo luận, ý kiến của đại biểu Quốc hội tập trung vào cả hai phương án và phân tích, làm rõ thêm ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, đồng thời đề nghị làm rõ chính sách đối với viên chức đã được tuyển dụng trước ngày Luật có hiệu lực trong cả hai phương án.
- Đối với viên chức được tuyển dụng trước ngày Luật có hiệu lực thi hành, khi Luật có hiệu lực đối với cả hai phương án sẽ cơ bản không có thay đổi về chế độ, chính sách so với hiện hành. Cụ thể: Đối với viên chức đã ký hợp đồng không xác định thời hạn thì tiếp tục thực hiện hợp đồng không xác định thời hạn; trường hợp đã ký hợp đồng xác định thời hạn thì sẽ được ký hợp đồng không xác định thời hạn theo đúng quy định của Bộ luật Lao động. 
- Đối với viên chức được tuyển dụng mới sau ngày Luật có hiệu lực, thì mỗi phương án có những ưu điểm, hạn chế riêng. 
Phương án 1: Phương án này góp phần tạo thuận lợi để các đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn viên chức phù hợp với vị trí việc làm; đồng thời bảo đảm được cơ chế cạnh tranh, thúc đẩy viên chức đã được tuyển dụng phải liên tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. 
Tuy nhiên, theo phương án này sẽ tạo ra sự không tương thích với quy định của Bộ luật Lao động hiện hành “không được ký hợp đồng lao động xác định thời hạn quá 2 lần”. Phương án này cũng không bảo đảm tính thống nhất trong việc áp dụng chế độ, chính sách đối với cùng đối tượng viên chức (viên chức được tuyển dụng trước và sau ngày Luật có hiệu lực) và ngay trong cùng viên chức được tuyển dụng mới (có loại có thời hạn và loại không có thời hạn). Đồng thời, trong quá trình triển khai dễ phát sinh tiêu cực, tạo cơ chế “xin - cho” khi hết hạn của hợp đồng, tạo tâm lý không yên tâm cho số viên chức được tuyển dụng mới; mặt khác làm giảm khả năng thu hút lao động có trình độ cao, chuyên môn nghiệp vụ giỏi vào làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập so với khối ngoài công lập. 
Phương án 2: Theo phương án này, viên chức tuyển dụng mới sẽ ký hợp đồng có thời hạn, sau khi kết thúc hợp đồng có thời hạn nếu đủ điều kiện sẽ thực hiện việc ký hợp đồng phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động. Phương án này thống nhất với nguyên tắc bảo vệ người lao động đã được thể hiện trong Bộ luật Lao động là “không được ký hợp đồng lao động xác định thời hạn quá 2 lần” (là quy định đã được tính toán rất kỹ trong quá trình xây dựng Bộ luật Lao động nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong mối quan hệ với người sử dụng lao động, được áp dụng thống nhất trong cả khu vực công lập và ngoài công lập)  và dự thảo Bộ luật Lao động đang trình Quốc hội xem xét cũng đang tiếp tục thực hiện theo phương thức này. Phương án này không gây ra những xáo trộn trong triển khai thực hiện, bảo vệ tốt hơn cho người lao động trong mối quan hệ với người sử dụng lao động, tạo tâm lý yên tâm cho đội ngũ viên chức; tăng khả năng thu hút lao động; bảo đảm sự ổn định, thống nhất trong áp dụng chế độ đối với viên chức tuyển dụng trước và sau ngày Luật có hiệu lực. Thực tế cho thấy với quy định về chế độ hợp đồng lao động như hiện nay thì khối khu vực tư (bệnh viện tư, trường học dân lập, tư thục...) vẫn đang thực hiện có hiệu quả. 
Tuy nhiên, theo phương án này cần có giải pháp khắc phục những bất cập trong khâu đánh giá viên chức, đề cao vai trò của người sử dụng lao động trong việc lựa chọn viên chức phù hợp với vị trí công việc nếu không đáp ứng yêu cầu thì sẽ không được tiếp tục làm việc. 

Cập nhật : 16:29 - 25/09/2020
In trang này Click here to Print it!