HỎI – ĐÁP DÀNH CHO ĐẠI BIỂU DÂN CỬ THÁNG 5 – SỐ 1


Câu hỏi: Hội đồng nhân dân cấp xã có quyền giám sát các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hay không?
Trả lời:
Đối tượng giám sát chính của Hội đồng nhân dân là Ủy ban nhân dân cấp xã, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã, Ban của Hội đồng nhân dân cấp xã trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2, Điều 5 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, khi thực hiện hoạt động giám sát, khi xét thấy cần thiết, Hội đồng nhân dân cấp xã, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã, Ban của Hội đồng nhân dân cấp xã tiến hành giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác ở địa phương.

Câu hỏi: Khi thực hiện hoạt động giám sát, Hội đồng nhân dân, Thường trực, Ban và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã có trách nhiệm gì?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 6, 7, 8, 10, 11 Điều 6 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, các chủ thể giám sát gồm Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã có trách nhiệm như sau:
  - Hội đồng nhân dân báo cáo về hoạt động giám sát của mình trước cử tri địa phương thông qua phương tiện thông tin đại chúng và hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân. 
- Thường trực Hội đồng nhân dân chịu trách nhiệm và báo cáo về hoạt động giám sát của mình trước Hội đồng nhân dân.
- Ban của Hội đồng nhân dân chịu trách nhiệm và báo cáo về hoạt động giám sát của mình trước Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân.
- Đại biểu Hội đồng nhân dân chịu trách nhiệm và báo cáo về hoạt động giám sát của mình trước cử tri tại địa phương thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri.
- Các chủ thể giám sát trên sẽ chịu trách nhiệm về báo cáo, nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát của mình.

Câu hỏi: Cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát có quyền gì?
Trả lời:
Theo Điều 8 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát quy định như sau:
- Được thông báo trước về kế hoạch, nội dung giám sát, nội dung được yêu cầu báo cáo, trả lời về vấn đề liên quan đến hoạt động giám sát.
- Giải trình, bảo vệ tính đúng đắn trong việc thực hiện chính sách, pháp luật thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình liên quan đến nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị của chủ thể giám sát.
- Đề nghị chủ thể giám sát xem xét lại kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát liên quan đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; trường hợp không tán thành với kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát thì tự mình hoặc báo cáo với người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để đề nghị Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân xem xét kết luận, yêu cầu, kiến nghị đó.

Câu hỏi: Ngoài đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có được tham gia hoạt động giám sát không?
Trả lời:
Hoạt động giám sát là quyền và trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, đại biểu Hội đồng nhân dân không thể có hiểu biết về mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, quản lý nhà nước, do vậy, trong quá trình giám sát, Hội đồng nhân dân cấp xã có thể mời các chuyên gia trong lĩnh vực, phối hợp với Mặt trận tổ quốc vì cơ quan này cũng có thẩm quyền giám sát.
Theo quy định tại Điều 9 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, các cơ quan, tổ chức, cá nhân sau được tham gia giám sát: 
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận có thể được mời tham gia hoạt động giám sát;
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan có trách nhiệm tham gia hoạt động giám sát khi có yêu cầu của chủ thể giám sát.

Câu : Hội đồng nhân dân cấp xã có phải xây dựng chương trình giám sát hằng năm không, trình tự xây dựng được quy định như thế nào?
Trả lời:
Để đảm bảo chất lượng và hiệu quả của hoạt động giám sát, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015 đã quy định Hội đồng nhân dân cấp xã phải quyết định chương trình giám sát hàng năm.
Theo Điều 58 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, việc xây dựng chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân cấp xã được quy định như sau:
- Bước 1: đề xuất: các Ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và kiến nghị của cử tri ở địa phương.
Chậm nhất là ngày 01 tháng 3 của năm trước, các Ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và cử tri ở địa phương gửi đề nghị, kiến nghị giám sát của Hội đồng nhân dân đến Thường trực Hội đồng nhân dân. Đề nghị, kiến nghị giám sát phải nêu rõ sự cần thiết, nội dung, phạm vi, đối tượng giám sát.
- Bước 2: xây dựng: Thường trực Hội đồng nhân dân dự kiến chương trình giám sát hàng năm của Hội đồng nhân dân cấp xã
Bộ phận giúp việc Hội đồng nhân dân cấp xã tập hợp, tổng hợp đề nghị, kiến nghị giám sát và báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân. Thường trực Hội đồng nhân dân thảo luận và lập dự kiến chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân để trình Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định chậm nhất là 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp giữa năm của Hội đồng nhân dân.
- Bước 3: Hội đồng nhân dân quyết định chương trình giám sát hằng năm tại kỳ họp giữa năm như sau:
+ Thường trực Hội đồng nhân dân trình bày tờ trình về dự kiến chương trình giám sát;
+ Hội đồng nhân dân thảo luận;
+ Hội đồng nhân dân biểu quyết thông qua chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân.
- Bước 4: Triển khai thực hiện: Thường trực Hội đồng nhân dân ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân, trừ trường hợp giám sát chuyên đề.
- Bước 5: Báo cáo kết quả: Thường trực Hội đồng nhân dân báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát hằng năm của Hội đồng nhân dân tại kỳ họp giữa năm sau của Hội đồng nhân dân. 

Tham khảo:
Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015

Cập nhật : 16:15 - 25/09/2020
In trang này Click here to Print it!