MỘT SỐ CHÍNH SÁCH LỚN TRONG DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀ LUẬT VIÊN CHỨC – KIẾN NGHỊ VÀ GIẢI PHÁP (Phần 3)

III. Vấn đề chính sách 3. Thực hiện liên thông, bình đẳng, nhất quán giữa đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã với đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị.


1. Căn cứ

Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII ngày 19/5/2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ: Nghiên cứu thực hiện cơ chế, chính sách liên thông, bình đẳng, nhất quán trong hệ thống chính trị; liên thông giữa cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức nói chung, giữa nguồn nhân lực ở khu vực công và khu vực tư; có cơ chế cạnh tranh vị trí việc làm để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tiến tới bỏ chế độ "biên chế suốt đời"


2. Vấn đề bất cập

Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã hiện chiếm số lượng khá lớn, tuy nhiên cơ chế quản lý, chế độ chính sách, sự liên thông với đội ngũ cán bộ, công chức ở cấp huyện trở lên hiện còn nhiều bất cập. Việc bố trí số lượng, chức danh cán bộ, công chức ở mỗi xã, phường, thị trấn còn định tính, chưa hợp lý; công tác đào tạo còn hình thức, chưa gắn lĩnh vực được đào tạo với công việc hàng ngày, chất lượng phục vụ công việc còn nhiều hạn chế.

Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành, xã, phường, thị trấn là một cấp hành chính trong hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước, là nơi trực tiếp giải quyết các mối quan hệ giữa công dân với Nhà nước. Đây cũng là cơ quan trực tiếp tổ chức, triển khai thực hiện nhiều đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đủ năng lực, trình độ sẽ góp phần quan trọng, tạo nền tảng căn bản để cải cách bộ máy nhà nước. Ngay trong thời kỳ kháng chiến, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 137-CP ngày 07/8/1969 quy định về chế độ chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ xã, trong đó phân định rõ cán bộ xã gồm 2 nhóm đối tượng là cán bộ chuyên trách và cán bộ nửa chuyên trách; xác định số lượng, chức danh cán bộ xã làm công tác đảng và công tác chính quyền. Các quy định về cán bộ xã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần và ngày càng được hoàn thiện[1]. Qua rà soát các văn bản quy phạm từ trước đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã vẫn được quy định trong các văn bản riêng với các quy định cụ thể về chức vụ, chức danh, quyền, nghĩa vụ, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã.

Qua nghiên cứu hệ thống các văn bản của Đảng và Nhà nước, yêu cầu quy định thống nhất đội ngũ công chức từ cấp xã đến Trung ương là xuất phát từ thực tiễn thực hiện ở một số địa phương. Tuy nhiên, cũng cần đặt trong mặt bằng tổng thể với một số lý do cụ thể như sau:

Thứ nhất, chủ trương thực hiện liên thông trong công tác cán bộ đã được nêu rất rõ tại Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 khóa XII[2]. Tuy nhiên, Nghị quyết cũng xác định rõ việc bảo đảm chính sách liên thông trong công tác cán bộ chứ chưa đặt ra vấn đề thống nhất quy định về công chức từ Trung ương đến cấp xã. Đây là vấn đề lớn, ảnh hưởng đến cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, tác động trực tiếp đến ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến số lượng lớn công chức cấp xã. Vì vậy nội dung này cần được nghiên cứu đánh giá tác động, báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi ban hành quy định pháp luật để thực hiện.

Thứ hai, việc quy định thống nhất đội ngũ công chức từ Trung ương đến cấp xã cần được đặt trong tổng thể cải cách bộ máy hành chính, phù hợp với yếu tố đặc thù về địa lý, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và bảo đảm tương thích với mặt bằng chung về trình độ, năng lực của đội ngũ, đặc biệt đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. 

Thứ ba, trong số hơn 22 vạn cán bộ, công chức cấp xã hiện nay có gần 9,5 vạn người có trình độ trung cấp, cao đẳng hoặc sơ cấp; trên 12,5 vạn có trình độ đại học và trên đại học. Như vậy, nếu đặt ra yêu cầu thống nhất quy định công chức từ cấp xã đến trung ương thì cũng cần có phương án giải quyết đối với 9,5 vạn công chức chưa đáp ứng được trình độ đầu vào chung của đội ngũ công chức (đối với đội ngũ công chức hành chính, hiện nay trình độ đầu vào tuyển dụng yêu cầu phải tốt nghiệp đại học).

Thứ tư, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức phải gắn liền với hoàn thiện về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của từng cấp chính quyền. Trước mắt, trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, bổ sung quy định về cán bộ, công chức cấp xã phù hợp với quy định về tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn.

Từ những lý do nêu trên, xin được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các quy định về nội dung này vào một thời điểm thích hợp, đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế để bảo đảm chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.

(Còn tiếp)


[1] Trong thời gian từ năm 1969 đến 2003 đã ban hành 8văn bản quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ cấp xã, cụ thể là:

-Quyết định số 137-CP 07/8/1969 của Hội đồngChính phủ về việc bổ sung chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ xã;

-Quyết định số 130-CP ngày 20/6/1975 của Hội đồng Chính phủ quy định bổ sungchính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ xã;

-Quyết định số 111-HĐBT ngày 13/10/1981 sửađổi, bổ sung một số chính sách, chế độ đối với cán bộ xã, phường;

-Quyết định số 57-TTg ngày 15/2/1993 của Thủ tướngChính phủ về việc trợ cấp cho cán bộ miền núi và xã có khó khăn;

- Nghịđịnh số 46-CP ngày 23/6/1993 của Chính phủ vềchế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ đảng, chính quyền và kinh phí hoạt động củacác đoàn thể nhân dân ở xã, phường, thị trấn;

- Nghịđịnh số 50-CP ngày 26/7/1995về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn;

- Nghịđịnh số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/1/1998sửa đổi, bổ sung Nghị định 50/CP ngày 26/7/1995 của Chính phủ về chế độ sinhhoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn;

- Nghịđịnh số 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003của Chính phủ về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn…

[2] Nghị quyết số 26-NQ/TW Trung ương 7 xác địnhrõ: Nghiên cứu thực hiện cơ chế, chính sách liên thông, bình đẳng, nhất quántrong hệ thống chính trị; liên thông giữa cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ,công chức nói chung, giữa nguồn nhân lực ở khu vực công và khu vực tư; có cơchế cạnh tranh vị trí việc làm để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, côngchức, viên chức và tiến tới bỏ chế độ "biên chế suốt đời".

Cập nhật : 16:11 - 25/09/2020
In trang này Click here to Print it!